Người Sài Gòn giúp ngay ông cụ xe ôm lở loét 2 chân không ai dám đi

05/06/2019 09:32 GMT+7

Sau khi thông tin về hoàn cảnh ông cụ lái xe ôm bị tiểu đường sống lang thang, đôi chân lở loét không ai dám đi xe, được đăng tải trên mạng xã hội, đã nhận được sự đồng cảm và giúp đỡ của rất nhiều người.

Mạng xã hội và tình người

Tài khoản Facebook của anh Thái Lâm Quang Huy (SN 1993, ngụ Q.3, TP.HCM) đăng tải thông tin về một ông cụ vô gia cư khiến nhiều người xót xa.
Những bức ảnh và clip ghi lại cảnh ông cụ làm nghề chạy xe ôm ngồi gục đầu trên chiếc ghế xếp trước một căn nhà trên đường Lý Thái Tổ (Q.10, TP.HCM).
Bài đăng có nội dung: “Bị tiểu đường giai đoạn 3, chân đã lở loét gần hết. Bác sĩ trả về bây giờ chỉ còn sống được ngày nào hay ngày đó thôi. Chân ông do lở loét gần hết nên thịt bắt đầu hoại tử, để càng lâu sẽ hoại tử hết chân. Bây giờ cho tiền không phải là cách tốt, mà làm lớn hơn thì bên nhóm Huy không đủ kinh phí. Mọi người có biết chỗ nào cho thuê phòng giá rẻ không? Vì có đề nghị xin cho ông vô chùa nhưng ông ko chịu, khắp người bốc mùi hôi vì ở ngoài đường không tắm rửa gì hết kèm theo đó là mùi hôi của thịt do bị hoại tử. Nếu cứ để như vậy thì sẽ không sống được bao lâu nữa, nhất là khi mùa mưa sắp đến”.
Những hình ảnh về hoàn cảnh của ông Công được anh Huy và các bạn trong nhóm từ thiện chia sẻ trên mạng xã hội nhận được sự quan tâm của rất nhiều người NVCC
UBND phường 1, Q.10 cũng trực tiếp đến để hỗ trợ ông. Do gọi xe cấp cứu khá lâu, nên xe đặc chủng được điều đến để kịp thời đưa ông vào viện điều trị NVCC
Trong vòng 1 ngày sau đó, bài đăng đã được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, với rất nhiều người cảm thông và ngỏ ý muốn giúp đỡ ông. Ngày 2.6, anh Huy cùng nhóm bạn làm từ thiện chung, đã trực tiếp liên hệ UBND phường 1, Q.10 để xác minh thông tin, nhờ sự hỗ trợ.
Ngay sau khi nhận thông tin, UBND phường đã đến và cùng nhóm từ thiện đưa ông Phạm Văn Công (SN 1953), vào bệnh viện để điều trị. Một mạnh thường quân giấu tên cũng đã liên hệ để tài trợ chi phí chữa bệnh cho ông.
Tại bệnh viện, nhiều thân nhân và bệnh nhân đã lắc đầu kể lại tình trạng của ông: “1 – 2 giờ đêm, ông ấy được phường chuyển viện qua đây để điều trị. Trời ơi, những vết thương của ổng thối rữa, bốc mùi cả khu này không ai ngủ được luôn. Nhìn ông ấy tội lắm! Nhưng lâu lâu lại có người biết chuyện ghé ngang cho ít tiền, cho mền, quần áo. Thấy vậy ai cũng ấm lòng".
Trao đổi với PV Thanh Niên, các y bác sĩ điều trị cho ông Công cũng cho biết: “Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng căn bệnh tiểu đường đã biến chứng, đồng thời nhiễm trùng nghiêm trọng, dẫn đến hoại tử hai chân. Sau khi truyền hai đơn vị máu, sức khỏe ông mới ổn định trở lại. Với bệnh án này, thường khả năng cắt bỏ hai chân là rất cao. Nhưng trước mắt, chúng tôi sẽ tiến hành cắt lọc những phần thịt bị hoại tử trước và trên tinh thần vẫn cố gắng giữ lại hai chân cho ông, chờ xét nghiệm tiếp theo”.
Anh Huy và nhóm thiện nguyện giúp ông thay quần áo trong bệnh viện HOÀI NHÂN
Những vết thương bốc mùi hôi thối của ông đã được vệ sinh sạch sẽ, chuẩn bị phẫu thuật HOÀI NHÂN
Các bác sĩ điều trị cho biết, sẽ cố gắng giữ lại hai chân cho ông HOÀI NHÂN

'Em tui nó bỏ tui rồi'

Chia sẻ về tình trạng của mình, ông Công luôn miệng nói mình "khỏe, không sao", dù giọng nói ngắt quãng và yếu ớt. Ông sợ phiền mọi người phải giúp đỡ mình, nên trước đó, dù được UBND vận động và nhóm từ thiện anh Huy ngỏ ý hỗ trợ, ông vẫn một mực từ chối. Nhưng với tình trạng của ông, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể sẽ tử vong.
“Ngày xưa, ba mẹ có nhà ở Sài Gòn đàng hoàng. Sau đó, ông bà phải bán căn nhà đi. Tôi là anh cả, nhưng lại không lo được cho tụi nó. Tôi cũng có nói ba mẹ đừng bán nhà, nhưng cuối cùng vẫn không được. Rồi tôi ra đường ở, làm đủ nghề kiếm sống. 5 năm trước thì phát hiện bệnh, nhưng không có tiền chữa, tôi mặc kệ. Nhưng riết rồi không ai dám đi xe ôm tôi nữa…”, ông Công chỉ bộc bạch với PV Thanh Niên vài điều, rồi mỏi mệt nằm im lặng. Tinh thần ông có phần không ổn định, nên khá khó khăn để trò chuyện.
Ông cho biết mình có vợ, nhưng bà đã bỏ đi. Mỗi ngày, ông lang thang chỗ này chỗ kia, tối đến lại trở về trước căn nhà cũ ba mẹ đã bán để ngồi ngủ. Không ai dám đi xe ôm của ông vì đôi chân lở loét, sức khỏe yếu dần, ông chỉ còn biết chờ mọi người đi ngang cho cơm để ăn.
Dù được động viên, nhưng ông Công vẫn nhất quyết không nói thông tin người thân của mình HOÀI NHÂN
Qua các bài đăng trên mạng xã hội, nhiều người đã tìm đến giúp đỡ ông, cho tiền, mền gối,... HOÀI NHÂN
Trước khi vào phòng phẫu thuật, nhóm thiện nguyện của anh Huy cất giữ giúp ông số tiền được mọi người giúp, đến gần chục triệu đồng HOÀI NHÂN

Bà Nguyễn Thị Lâm Tuyền, Chủ tịch UBND phường 1 (Q.10) cho biết, ông Công không cư trú tại phường. Trước đó 5 ngày, công an khu vực đã có gặp ông ngồi trước nhà số 85 Lý Thái Tổ và báo về. UBND phường cũng đã hỏi ông muốn vào viện thì sẽ hỗ trợ và nếu lang thang cơ nhỡ thì sẽ làm hồ sơ đưa ông vào trung tâm bảo trợ xã hội thành phố. Tuy nhiên, ông từ chối, chỉ xin ở lại đó tạm một đêm rồi sẽ đi. Sáng hôm sau thì ông rời khỏi đó.

Bà Tuyền nói: "Cho đến tối Chủ Nhật, 2.6, các bạn từ thiện nhóm Huy đến hỏi thăm về trường hợp của cụ. Cũng như phường, các bạn cho biết đã có khuyên nhủ đưa ông đi, nhưng ông nhất định không chịu. Chúng tôi đến đó vận động lần nữa và ông vẫn không chịu, nhưng thấy tình hình không ổn, nên buộc phải đưa ông đi. Theo quy định, nếu ông khỏe thì sẽ làm hồ sơ đưa vào trung tâm bảo trợ ngay luôn, nhưng do ông quá yếu nên phải nhập viện điều trị".

"Có lẽ do nhiều lý do về hoàn cảnh khiến tinh thần ông không ổn định, nên phường muốn xác minh lý lịch, người nhà cũng rất khó khăn. Ông có cho biết hiện có 1 người em ở Q.2, 1 người em ở Q.4, nhưng nhất định không nói địa chỉ, chỉ nói “em tui nó bỏ tui rồi”. Trước mắt, chúng tôi cũng đã trình bày với bệnh viện là cần làm phẫu thuật điều trị gì thì phường sẽ làm thủ tục. Sau khi ông ổn định sức khỏe, phường sẽ tính hướng giải quyết tiếp theo”, bà chia sẻ thêm.

Nhóm từ thiện trên Facebook của 5 bạn trẻ
Anh Quang Huy cho biết, sau khi nghe tin một thành viên trong nhóm phát hiện hoàn cảnh của ông Công, nhóm đã trực tiếp tìm đến để hỗ trợ. Do có nhiều hoàn cảnh khó khăn được đăng trên mạng xã hội nhưng mọi người chỉ để lại những bình luận đồng cảm sẻ chia, thấy không giải quyết được vấn đề nên anh lập ra nhóm từ thiện này, bắt đầu hoạt động từ cuối tháng 5.2017. Nhóm hiện chỉ có 5 thành viên gồm anh Huy và các bạn bè. 
“Cũng bằng cách đơn giản là đăng bài lên Facebook rồi kêu gọi quyên góp, nhưng tụi mình sẽ sắp xếp công việc cá nhân để trực tiếp đến hỗ trợ luôn. Trước chú Công, nhóm mình cũng đã giúp đỡ cho nhiều hoàn cảnh khác nhau. Với những người vô gia cư, tụi mình qua thăm theo từng đợt, tặng tiền rồi sắm một số đồ dùng cần thiết. Mỗi lần đi, tụi mình cũng đăng bài để ai muốn đi thì đi cùng, nhiều lúc có đến mười mấy người luôn. Tụi mình rất vui khi thấy xã hội vẫn còn nhiều những tình cảm đẹp giữa người với người như vậy”, anh Huy chia sẻ. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.