Người Sài Gòn sống nơi nhiều bụi nhất thành phố: Thở làm sao khi 20 phút phải lau bụi

03/04/2019 09:40 GMT+7

Người dân sống và mưu sinh tại khu vực ngã tư An Sương (Q.12, TP.HCM) cho biết bụi càng ngày càng nhiều, 15-20 phút lại phải đứng lên lau bụi một lần, nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên phải… cắn răng chịu đựng!

Cách tâm vòng xoay An Sương khoảng 50m, tại hộ dân số 9H (quốc lộ 1A, phường Tân Hưng Thuận, quận 12, TP.HCM) có đặt một máy quan trắc chất lượng không khí do ảnh hưởng của hoạt động giao thông.
Đây là điểm có mật độ giao thông đông đúc vì là tuyến đường chính kết nối các tỉnh Đông Nam bộ với Đồng bằng sông Cửu Long. Vị trí quan trắc được bố trí tại nơi chịu ảnh hưởng do hoạt động giao thông từ 2 hướng gió Tây Tây Nam và Bắc Đông Bắc của ngã tư An Sương.
VIDEO: Người dân An Sương khốn khổ vì nơi này bụi quá nhiều

Người đi đường ngao ngán

Mức quy chuẩn cho phép của bụi là 100 µg/m3, nhưng trong 10 năm qua, theo số liệu của Trung tâm quan trắc và phân tích môi trường, bụi luôn ở mức vượt chuẩn từ 5-7 lần. Gần đây nhất là số liệu năm 2017 cho thấy chỉ số bụi ở An Sương là 763 µg/m3, gấp gần 8 lần quy chuẩn cho phép.
Theo ghi nhận của chúng tôi trong sáng 2.4, nhiều người khi đi qua khu vực này bịt kín mít với hy vọng sẽ hạn chế được phần nào việc hít bụi vào cơ thể, dù chưa biết khẩu trang họ mang có đủ sức ngăn bụi hay không. Nhưng dù sao như vậy thì cũng còn hơn những người không đeo khẩu trang. Vì không chỉ có bụi, mà khí NO2, SO2 từ các pô xe thải ra cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe.
Còn các quán ăn dọc khu vực này, dù nằm trong hẻm nhưng cũng không thể tránh được bụi. Lớp bụi mỏng, đen phủ trên bàn, đũa, muỗng khiến những người mới ghé ăn lần đầu không khỏi ngao ngán.

Lau bụi mệt nghỉ

Ông Phạm Văn Hổ (60 tuổi, bảo vệ một cửa hàng nằm ngay ngã tư An Sương) cho biết ở đây hễ thấy bụi là ông lại lau kiếng. Mà khổ nỗi, vừa lau xong, bụi lại ám lên lại nên cứ 15 – 20 phút ông lại phải lau một lần.
Những hạt bụi mịn đóng thành lớp mờ trên đũa, muỗng
“Ở đây nhiều bụi hơn những nơi khác nhiều lắm, vì xe đi theo vòng xoay nên bụi cũng xoáy theo vòng. Đứng gió thì đỡ, gió lên là chịu không nổi luôn. Nội quy cửa hàng thì không cho đeo kính, khẩu trang nên mình phải chịu thôi, cuộc sống mà”, ông Hổ chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Cúc Hoa (37 tuổi, bán nước tại khu vực này) cũng cho biết gia đình chị từ nhỏ đến lớn đều ở ngã tư An Sương nên chị được chứng kiến khu vực thay đổi từng ngày. Theo chị Hoa, vừa quét xong một vòng trong cửa hàng với vỉa hè thì lại phải quay vô quét tiếp, cả ngày chỉ liên tục quét và quét.

So với ngày xưa, giờ khu này khác nhiều lắm, bụi nhiều lắm. Xe tải, xe khách, xe máy các kiểu đều ngày càng nhiều hơn nên nhiều bụi khủng khiếp. Rồi cả tiếng ồn từ xe cộ, công trình hầm chui An Sương nữa nên bụi và ồn lắm. Sáng sớm còn thoải mái tí chứ tầm 10 giờ là phải đeo khẩu trang đến tối mịt, vừa nắng vừa bụi không thể chịu được

Chị Nguyễn Thị Cúc Hoa

Chị Hoa bức xúc: “So với ngày xưa, giờ khu này khác nhiều lắm, bụi nhiều lắm. Xe tải, xe khách, xe máy các kiểu đều ngày càng nhiều hơn nên nhiều bụi khủng khiếp. Rồi cả tiếng ồn từ xe cộ, công trình hầm chui An Sương nữa nên bụi và ồn lắm. Sáng sớm còn thoải mái tí chứ tầm 10 giờ là phải đeo khẩu trang đến tối mịt, vừa nắng vừa bụi không thể chịu được”.

Biết vậy nhưng… ráng chịu!

Cả ông Hổ và chị Hoa dù biết rằng hít phải bụi nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe nhưng dường như không còn cách nào khác vì đây là nơi gắn liền với công việc, cuộc sống mưu sinh.
Ông Hổ trải lòng: “Khi phỏng vấn, công ty đã nêu yêu cầu của công việc là làm ở ngoài đường, dù nắng cũng không được mặc áo khoác, dù bụi cũng không được đeo kính hay mang khẩu trang, đồng ý mới được nhận. Nhưng tôi cũng đâu ngờ ở An Sương bụi dữ như vậy đâu”.
Tương tự, chị Hoa cũng tâm sự rằng, biết là bụi vậy thì sức khỏe không tốt nhưng giờ cũng không còn cách nào khác vì nhà chị ở đây đã lâu, có mặt bằng nho nhỏ để kinh doanh buôn bán, cuộc sống gia đình cũng phụ thuộc vào mặt bằng này nên khó chuyển đi nơi khác.
Bà Huỳnh Thị Quý (60 tuổi, bán trái cây trước Bến xe An Sương) thì cho hay, bà bán ở đây cũng gần 20 năm, mỗi khi nắng gắt thì bụi cũng mịt mù, nhưng bà cũng đành chịu.
“Nếu bụi quá thì mình cũng kiếm đường chỗ khác mình đứng cho nó thoải mái chút xíu hết thì mình chạy ra. Mình buôn bán kiếm sống để nuôi con, nuôi cháu, nhà cửa dột tới dột lui, phải ráng làm kiếm tiền lo cuộc sống. Ốm đau, bệnh nữa làm chi, tiền thuốc tiền men đủ thứ, phải chấp nhận. Bây giờ mình bán ngoài này thì mình phải chịu thôi, biết sao bây giờ. Mười mấy hai chục năm mình sống được thì bây giờ cũng bình thường thôi”, bà Quý bộc bạch. 
Bụi cũng ám đen cả máy đo bụi tại An Sương
Và hũ tăm cũng không thể thoát khỏi bụi
Dù bụi gây ảnh hưởng đến sức khỏe như vậy nhưng có những người vẫn phải cam chịu
Bảo vệ cửa hàng phải lau bụi 20 phút/lần
Đeo khẩu trang cũng là một giải pháp, nhưng khẩu trang có đạt chuẩn và ngăn được bụi hay không lại là chuyện khác
Dù có bịt hay không bịt, khi đi qua khu vực này về nhà và lấy khăn lau mặt, chắc chắn bạn sẽ thấy một lớp bụi đen
Những em nhỏ cũng được người lớn tìm mọi cách để che chắn khỏi bụi
Quán nước trước bến xe An Sương với lượng xe ra vào liên tục, những người đã quen thuộc ngồi đây thì chuyện bụi tại cổng bến xe là điều hiển nhiên. Với ai mới tới thì phải bịt kín vì cảm thấy khó thở
Người bán trái cây gần bến xe cho biết, khi nào bụi quá thì bà sẽ tạm lánh vào phía trong, đợi một lát rồi ra bán lại
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.