Người Sài Gòn từng ngồi suốt ở đây: Mì cá 70 năm, ăn xong phải đi ngay!

Hoài Nhân
Hoài Nhân
17/03/2019 12:07 GMT+7

Hơn nửa thế kỷ mở bán, quán hủ tíu mì cá vẫn có những hàng người đứng đợi ăn. Những ký ức cũ xưa của tuổi thơ, những hình ảnh Sài Gòn từ quán mì nhìn ra... khiến nhiều người gắn bó với nơi này.

Chưa kịp... xỉa răng đã phải đi ngay

“Hành trình” ghé thăm những hàng quán cũ “nói ra là biết” của tôi dừng chân ở góc ngã tư Calmette - Nguyễn Thái Bình (Q.1, TP.HCM). Một người bạn đã “chỉ điểm” cho tôi bằng lời giới thiệu ngắn gọn đủ cuốn hút người ta cả về không gian lẫn thời gian: “Mì cá 70 năm, quán tí tẹo khách vây kín, muốn ăn phải đợi, ăn rồi phải đi ngay”!
Quả thật tiệm mì nhỏ xíu, bếp nấu nằm trong căn nhà cực kỳ khiêm tốn ở số 108Bis Calmette (Q.1). Nhưng để tìm thấy thì chẳng khó khăn gì, vì đặc điểm nhận dạng cửa tiệm là cảnh khách vây kín phía trước, cạnh những người ngồi ăn xì xụp là hàng người đứng chờ đợi thưởng thức tô mì cá trứ danh.
[VIDEO] Quán hủ tíu mì cá 70 năm "mê hoặc" người Sài Gòn
Quán ăn giờ mang tên mới, có biển hiệu hẳn hoi, nhưng chẳng mấy người gọi, chỉ cần rủ nhau "mì cá Calmette" là ai cũng đã biết HOÀI NHÂN
Bếp nấu khiêm tốn chỉ vừa đủ cho 2 người đứng, một trụng mì và một chan nước dùng HOÀI NHÂN
Nhiều thế hệ thực khách cùng gắn bó với hàng ăn này HOÀI NHÂN
Trong quầy chế biến chỉ đủ cho 2 người đứng, những “hậu duệ” của tiệm mì luôn thoăn thoắt tay chân để kịp phục vụ khách. Những người bán hiện tại đều là con cháu của ông Ngọ, một người gốc Triều Châu sang Việt Nam sinh sống.
Bà Hứa Thị Thanh Dung (55 tuổi), con gái thứ năm của ông Ngọ, cho biết: “Ba tôi người gốc Tiều, sang đây lấy vợ Việt rồi làm ăn luôn. Ban đầu ông mở quán nước ở góc ngã tư Calmette - Nguyễn Thái Bình, sau mới bán hủ tiếu gà xé, rồi chuyển sang mì. Khi chủ nhà đòi lại mặt bằng thì tiệm dời về số 108 Calmette và yên vị cho đến nay. Giờ chúng tôi “cha truyền con nối”, giữ lại hương vị truyền thống này”.
Nằm trong khu trung tâm Q.1 sầm uất, tiệm mì nhỏ hơn nửa thế kỷ vẫn “níu chân” bao thế hệ thực khách. Khách muốn ăn phải kiên nhẫn, mua về hay ngồi lại đều phải đứng đợi từ 15 phút, thậm chí hơn nửa giờ để được phục vụ. Người ăn xong phải rời ghế ngay để nhường chỗ cho người khác! Mở bán từ 5 giờ sáng, chỉ đến khoảng 9 - 10 giờ trưa là hết sạch.
Ngoài công thức nấu nướng gia truyền, giá mì bình dân chỉ trên dưới 35 nghìn đồng/tô là một điểm cộng cho hàng ăn này HOÀI NHÂN
Khách ăn xong thường phải đi ngay vì còn rất nhiều người khác đứng đợi HOÀI NHÂN

"Ăn từ lúc mới làm dâu đến nay đã sang tuổi 64..."

Với hàng quán gia truyền, thì công thức nấu món ăn luôn như một điều tuyệt mật quyết định sự tồn vong của những cửa tiệm!
Bà Hứa Thị Thu (54 tuổi), đứng bếp chính hiện tại, chỉ tiết lộ: “Sợi mì, hủ tiếu, bánh lọt mua ở đâu cũng được hết, nhưng quan trọng là công thức nêm nếm thôi, cái đó không nói được. Điểm nhấn dễ thấy nhất của các món ăn ở đây là chén nước chấm pha từ nước mắm, tóp mỡ, không có ở các nơi khác”.
Thực khách đến đây có đủ sợi mì để lựa chọn: cọng mì Tiều sợi nhỏ, cọng mì to, cọng mì dẹt, hủ tiếu mềm... Ngoài ra còn có món bánh lọt dai mềm vì làm theo kiểu truyền thống, hoàn toàn từ bột gạo, không có bột năng. Sự đa dạng ấy khiến các thực khách không ngán ngấy vì có thể thay đổi khẩu vị mỗi ngày.
Các nguyên liệu cơ bản có cật, gan, sườn, thịt nạc, thịt bằm… Đặc biệt nhất vẫn là cá lóc róc bỏ hết xương, trắng phau và không có mùi tanh đậm nên phù hợp khẩu vị nhiều người. Thực khách có thể gọi tô mì thập cẩm kết hợp tất cả, hoặc tùy thích chỉ chọn 1, 2 món. Ăn khỏe có thể gọi thêm tô cật cá hoặc thêm vắt mì là no nê!
Hủ tíếu mì ở đây không ăn kèm nước tương hay giấm đỏ như đa phần các quán mì người Hoa khác, mà sử dụng nước mắm đã pha đường, thêm tóp mỡ chiên giòn rụm và béo ngậy HOÀI NHÂN
Kiên nhẫn đứng chờ món ngon nửa giờ đồng hồ! HOÀI NHÂN
Không khó để bắt gặp những thực khách thuộc thế hệ từ 6X. Sự vội vàng ở tiệm mì ăn xong chưa kịp… xỉa răng đã phải đứng dậy đi này, khiến họ không nói được nhiều chuyện cũ với nhau, nhưng hẳn mỗi người đều giữ trong ký ức của mình hình ảnh về một Sài Gòn từ quán mì cá nhìn ra.
"Từ lúc về nhà chồng ở đây là tôi đã ăn rồi. Năm đó tôi 28 tròn, giờ đã sang tuổi 64 rồi, nhìn lại mới thấy nó lẹ gì đâu! Mấy năm đó nhà cửa đường này lụp xụp lắm, nhưng mà bình yên và không xô bồ. Cuối tuần nghỉ làm là vợ chồng tôi ngồi đây ăn, năm này lại thấy người ta xây xây, năm kia tiếp tục sửa sửa. Mấy ngôi nhà cao dần, cao tới nỗi che luôn nắng mà. Khang trang hơn, nhưng cũng ồn ào và vồn vã hơn”, bà Nguyễn Ngọc Kim (64 tuổi, ngụ Q.1) kể.
Theo những người bán, từ thời ông Ngọ, tiệm mì cá đã là một điểm đến quen thuộc của nhiều người vì ngon và rẻ. “Gắn bó với nơi này phải kể đến những thế hệ học sinh trường Nguyễn Thái Bình, các anh chị trong công chánh đô thị gần đây, rồi trong ủy ban ra ăn nữa. Đặc biệt phải kể đến Việt kiều, nhiều người vừa xuống sân bay là ra thẳng đây ăn mì luôn”, bà Thu cho biết.
Ông Nguyễn Mạnh Cường (50 tuổi, gốc Sài Gòn hiện đang sinh sống tại Mỹ) vừa về thăm TP.HCM, bồi hồi kể lại: “Hồi còn nhỏ, mẹ dắt tôi ra đây ăn vì giá rẻ. Nhớ hoài mỗi lần ăn sáng là một cực hình, đứa trẻ nào cũng vậy! Cứ ưỡn ẹo qua lại để trốn, mặc mẹ gằn giọng đút từng đũa. Ăn riết rồi tự dưng quen vị luôn, đi đâu là nhớ. Năm 2005, cả nhà tôi sang Mỹ định cư, vài năm mới về thăm Sài Gòn một lần. Lần này, nhân dịp được nghỉ phép, tôi dắt vợ con về chơi, ra lại quán xưa. Chỉ tội mẹ tuổi quá cao rồi nên không đi được, dù bà vẫn thường nhắc bà nhớ vị mì này”.
Nhiều thực khách cho biết, họ đã ăn mì cá từ đời mình, cho đến giờ thì dắt... con cháu ra ăn HOÀI NHÂN
Những ký ức cũ ở quán mì, những hình ảnh Sài Gòn từ quán mì nhìn ra... đã khiến nhiều người gắn bó với hàng ăn này HOÀI NHÂN
Có lẽ nếu không phải vì những câu chuyện của tuổi thơ, của năm tháng cũ, thì nhiều người hẳn không đủ kiên nhẫn để đợi tô mì nơi không gian quán chật hẹp như thế. Tôi vẫn nghĩ một người lạ lần đầu đến quán, chịu cảnh chờ tận nửa giờ đồng hồ để được ăn, chắc chắn sẽ bỏ đi, khi có rất nhiều những sự lựa chọn khác bây giờ.
Những cái gì đã quen thuộc thường mới khiến người ta hiểu. Và cái gì đã hiểu thì mới khiến người ta trở nên gắn bó đến thế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.