Thủy tiên đẹp không mọc như… hành
Thưởng trà quán tại Tôn Đản, Hà Nội đã có một chương trình thú vị trước tết: lớp học tỉa củ thủy tiên. Người đứng lớp chia sẻ kinh nghiệm là một người nghiên cứu di sản - ông Nguyễn Đức Dũng.
Ông Dũng đã chơi thủy tiên nhiều năm, bắt đầu từ việc tự học gọt thủy tiên theo clip trên… mạng internet, rồi với nghệ nhân Nguyễn Phú Cường. Giờ đây, ông đã đủ tài khéo và trải nghiệm để có thể chia sẻ những bài học đó. “Rất nhiều người sẽ thất bại trong năm đầu gọt thủy tiên vì nó cần nhiều trải nghiệm và khó gọt”, ông Dũng cho biết.
tin liên quan
Cận cảnh những cây kiểng tiền tỉ hàng trăm năm ở phố 'nhà giàu' Sài GònCặp khế cổ thụ trên 300 tuổi, cây lộc vừng có tuổi cũng gần 200 năm của nghệ nhân Võ Phi Sơn (tức Ba Hùng, quê Tây Ninh) vừa mang từ quê nhà lên trưng bày tại Hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng (Q.7, TP.HCM).
Nhóm những người mê thủy tiên bạn bè ông cũng cùng chia sẻ các tư liệu ảnh về thủy tiên, như thế nào là bát thủy tiên đẹp theo đúng kiểu cụ Nguyễn Tuân đã mô tả trong Vang bóng một thời. Những củ thủy tiên được gọt tỉa nghệ thuật có hình dáng rất khác so với những bát hoa được bán ngoài chợ.
“Thủy tiên ngoài chợ là người ta trồng, không có sự tác động. Chỉ vứt vào nước thì nó cũng sẽ tự lớn lên nhưng lá và hoa sẽ thẳng, rồi nhô lên và mọc như hành. Làm thế lá không cong, hoa không thấp. Mình gọt ra để thấy được cuống lá và cuống hoa, rồi tác động vào, điều khiển nó từ trong trứng nước”, ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, gọt và chăm thủy tiên rất nhiều công. Gọt tỉa kỹ thì một ngày thay nước hai lần, tắm rửa cho củ cẩn thận nếu không sẽ bị thối. Vì thế, ở làng Nghi Tàm, Hà Nội, một nơi có nghề gọt thủy tiên, họ gọt theo kiểu không quá kỹ để đỡ công chăm.
Một vụ, làng gọt đến cả vạn củ thủy tiên. Giá cả tùy năm nhưng nó không quá đắt, từ 150 - 400 ngàn đồng/củ. “Nếu hướng dẫn thì dần dần người ta sẽ biết thế nào là thủy tiên đẹp. Tuy nhiên, loại gọt tỉa công lớn quá thì giá thành sẽ rất cao. Có những bát độ 2 triệu đồng”, ông Dũng nói.
|
Chợ hoa là điểm đến du lịch hấp dẫn
Trong khi thủy tiên đang dần trở lại với thẩm mỹ kiểu cụ Nguyễn Tuân thì các loại cây chưng tết khác thể hiện nét giao lưu văn hóa vùng miền mạnh mẽ. Chợ hoa tết Hà Nội chứng kiến sự hiện diện của cả miền Nam lẫn vùng núi phía Bắc.
Tại dãy chợ hoa trên đường Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), hoa mai vàng Bình Định đang được đưa về tới hàng trăm chậu. Giá hoa cũng không thay đổi so với năm ngoái. Tùy theo kích cỡ, chỉ cần có từ 1,5 triệu đồng là có thể yên tâm mang về một chậu mai. Mai trắng lâu năm cũng được nhiều người ưa thích với giá cả tương tự.
Riêng về không khí chợ hoa, Quảng Bá, Hoàng Hoa Thám và Hàng Lược là ba chợ hoa được đánh giá cao nhất trong các chợ hoa ở Hà Nội. Nếu chợ Hàng Lược, Hoàng Hoa Thám mở muộn hơn vào chừng 7 giờ sáng thì chợ Quảng Bá đã mở cửa từ 3 giờ sáng mỗi ngày. Chợ hoa Quảng Bá mới đây còn được kênh CNN (Mỹ) nhắc tới như một điểm đến đáng trải nghiệm cho khách du lịch vào dịp tết.
Ở vùng núi phía Bắc, các loại lan rừng, đào rừng vẫn tiếp tục tràn về với giá cả từ 500 ngàn đồng/cây nhỏ đến giá tầm vài triệu đồng cho cây lớn. Đào rừng có thể mua tại các chợ hoa lớn hay khu trồng hoa ở Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội. Giá đào rừng có thể lên tới 30 triệu đồng/cây tùy độ xù xì của gốc cũng như dáng bay của nó.
Bình luận (0)