Người Việt không dám làm những thói xấu này ở nước ngoài: Hút thuốc 'xấu hổ'

19/07/2017 09:50 GMT+7

Nếu phải bình chọn một trong những thói hư tật xấu 'điển hình' của người Việt, thì chuyện hút thuốc lá bừa bãi, bất chấp không gian, chắc chắn nằm trong số ấy.

Nói “bất chấp không gian” là bởi vì nhiều nơi cấm hút thuốc, như bệnh viện chẳng hạn, nhưng họ vẫn cứ hút. Đang dự tiệc cưới, mặc dù nhà hàng nhắc đi nhắc lại “xin quý khách vui lòng không hút thuốc lá trong khán phòng” vậy mà vẫn có người hút tỉnh bơ. Đang chạy xe máy cũng hút thả ga, tàn thuốc bay tứ tung.
Thậm chí mới đây có người bị phạt vì hút thuốc trên máy bay…Đó là “chuyện thường ngày” trong nước. Điều đáng quan ngại là tật xấu ấy diễn ra ở nước ngoài.
Người hút thuốc bị “phân biệt đối xử”
Bầu chọn
Những thứ bạn không dám làm khi ra nước ngoài?
Ai đã từng đi du lịch Singapore đều biết rằng người ta phạt khá nặng những người cố tình hút thuốc ở những nơi bị cấm, kể cả vứt tàn bậy bạ.
Nguyên tắc của họ là thế này: nơi nào thấy có gạt tàn thuốc thì mới được hút. Nhưng oái oăm ở chỗ chính quyền Singapore lại thiết kế cái gạt tàn thuốc nằm trên nắp…thùng rác. Đứng cạnh thùng rác chẳng dễ chịu chút nào, nhưng nếu bạn là người hút thuốc thì ráng chịu.
Nếu thấy hút thuốc kiểu như vậy là “không thể chấp nhận được” thì bạn đành nhịn, hoặc cai luôn càng tốt. Ở không ít quốc gia, người ta không khuyến khích hút thuốc và giá bán thường cao hơn gấp 3, 4 lần so với Việt Nam. Nói đến chuyện đặt người hút thuốc vào vị thế “không giống ai”, phải kể đến phi trường quốc tế ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).
Không giống những phòng hút thuốc có máy điều hòa như ở các phi trường khác, phòng hút thuốc ở sân bay Istanbul giống như một…cái chuồng nhốt khỉ trong sở thú, chẳng có ghế ngồi gì cả, tất cả đều đứng, ai muốn hút cứ bước vào. Nếu thấy đứng hút trong một không gian như vậy bất tiện quá thì…nhịn.
Mặc dù giống cái chuồng nhưng dẫu sao vẫn còn có chỗ để mà nhả khói, chứ ngay như phi trường thuộc vào hàng to nhất châu Âu Charles de Gaulle ở Paris (Pháp) chẳng có cái phòng hút thuốc nào.
Cà phê vỉa hè được hút thuốc ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Đ.D.X
Hút thuốc trong khách sạn
Hầu hết các khách sạn quốc tế trên thế giới đều cấm hút thuốc trong phòng ngủ. Muốn thỏa cơn ghiền thì chịu khó xuống tầng trệt, bước ra ngoài đường đứng hút. Quy định là quy định, không du di gì cả. Thấy mỗi lần hút thuốc như vậy bất tiện quá, du khách Việt thường “nghĩ ra cách gì đó” để được hút thuốc trong phòng ngủ.
Một trong những cách như vậy là mở cửa sổ (nếu phòng có cửa sổ), thò đầu ra ngoài để hút, nhả khói lên không trung. Nếu phòng ấy không có cửa sổ thì chuyển sang “chiến thuật” lấy bao nilon bịt kín cái cảm ứng báo cháy nhằm tránh trường hợp khói thuốc nhiều quá khiến nó tự động “la làng”.
Cách này xem ra rất có hiệu quả, chẳng thấy chuông báo cháy reo, mấy anh du khách Việt cứ hút xả láng như đang ở nhà và nghĩ rằng người của khách sạn sẽ không hay biết. Thế nhưng họ đã nhầm.
Chính nhân viên dọn phòng đã phát hiện ra mùi thuốc lá “vương vấn” trong phòng ngủ. Lúc khách check-out, bộ phận tiếp tân chìa ra tờ giấy phạt lỗi hút thuốc trong phòng khiến mấy anh này té ngửa. Số tiền phạt không hề nhẹ: gấp 3 lần tiền phòng. Ví dụ tiền phòng là 200 USD thì đóng phạt 600 USD kèm theo lời giải thích: khách sạn phải thuê người khử sạch mùi thuốc lá cho những “căn phòng tội lỗi” ấy.
Không riêng gì Âu-Mỹ, ngay tại các khách sạn ở Thái Lan, Malaysia cũng “phạt thẳng tay” cho hành vi hút thuốc trong phòng khách sạn.
Gạt tàn thuốc bỏ túi của người Nhật. Ảnh: Thái Nguyên

Cà phê không khói thuốc và cái gạt tàn
Nhâm nhi tách cà phê, chìm đắm theo khói thuốc bên trong một quán nước bên trời Âu, đó là cảnh thường thấy trong các bộ phim tình cảm lãng mạn thập niên 1950 - 1960. Cảnh này nay không còn nữa. Bên trong hàng quán ở châu Âu hiện nay đều cấm hút thuốc. Chỉ khi nào thấy tiệm cà phê đặt gạt tàn lên bàn, thì bạn được phép hút, thường là bên ngoài khung cửa kính, trên vỉa hè. Ngay cả dãy bàn đặt trên vỉa hè, nếu không thấy đồ gạt tàn thuốc thì vẫn cấm hút. Ấy vậy mà cứ theo quán tính, nhiều du khách hễ ngồi xuống bàn (trên vỉa hè) là móc thuốc ra đốt “đúng kiểu VN” mà không biết rằng bạn đang nhận được những ánh mắt “mang hình viên đạn” của những người xung quanh.
Phải nói đến một điều đáng trách là mặc dù trên bàn có gạt tàn nhưng nhiều du khách Việt vẫn cứ tật ném tàn thuốc xuống đất. Họ quên rằng mình đang ở nước ngoài chứ đâu phải VN bạ đâu ném đó cũng được, chẳng ai nói gì. Lần đó có một nhóm du khách Việt đi tham quan tháp Eiffel ở Paris (Pháp). Khu vực này cấm hút thuốc. Vừa bước xuống xe phía ngoài xa để lội bộ vào, có anh móc thuốc lá ra hút. Trong khi xếp hàng chờ đến lượt vào thang máy để lên tầng trên của tháp Eiffel, anh chàng nọ ném tàn thuốc xuống đất. Ngay tức thì có một ông cảnh sát bước đến vịn vai anh du khách nọ rồi chỉ xuống cái tàn thuốc vừa mới vứt dưới chân. Sau vài giây lúng túng, anh ta lập tức nhặt tàn thuốc lên cho vào…túi áo khoác của mình, mặt xanh lè xanh lét, may mà không bị phạt.
Thực ra ở Paris cũng có vài nơi không được vệ sinh cho lắm. Ví dụ như hai con đường bờ kè cặp theo sông Seine chẳng hạn. Đi dạo theo hai con đường thơ mộng này, bạn sẽ thấy tàn thuốc vứt tứ tung và có cả…phân chó nữa!

Du khách Việt trong một “trạm hút thuốc” trên xa lộ ở Nhật Bản. Ảnh: Đoàn Duy Xuyên
Trong những tình huống “khó xử” khi hút thuốc, người Nhật tỏ ra rất tinh tế khi sáng chế cái gạt tàn bỏ túi. Nghĩa là khi hút thuốc xong, nếu nơi ấy không có thùng rác công cộng, họ sẽ cho tàn thuốc vào gạt tàn bỏ túi cá nhân, về đến nhà trút vào thùng rác của mình. Người Nhật không có thói quen ném tàn thuốc lung tung.
Do vậy, khi du lịch đến Nhật Bản, người Việt nào ghiền hút thuốc thì tốt nhất nên sắm cho mình một cái gạt tàn bỏ túi. Ngay cả khi ghé vào những trạm dừng chân trên xa lộ, du khách buộc phải ngồi vào “phòng hút thuốc” (thiết kế giống nhà chờ xe buýt) để thỏa cơn ghiền. Phòng này cách xa khu ăn uống, mua sắm vài chục mét. Có một điều trở thành thói quen là, trong lúc lái xe và cả khi dạo phố, người Nhật không hút thuốc. Điều này trái ngược hoàn toàn so với ở ta.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.