Người Việt lạc giữa Manila đầy sắc màu tương phản

16/04/2017 10:02 GMT+7

Metro Manila, thủ đô của đảo quốc Philippines với hơn 12 triệu dân, được xem là một trong những thành phố có mật độ dân cư cao nhất thế giới, nơi tương phản giàu nghèo rất rõ và cũng là nơi cuộc sống đủ sắc màu rực rỡ.

Nói đến Metro Manila, điều đó có nghĩa là nó bao hàm luôn cả các đô thị nhỏ nằm trong lòng siêu đô thị và gộp luôn cả các đô thị vệ tinh xung quanh vào cùng, tạo nên một khu vực rộng lớn với hơn 10% dân số của cả nước Philippines, mà trong đó, một loạt các khu ổ chuột mọc lên chóng vánh.Thành phố của sự tương phản
Ngán nhất ở Manila chính là hệ thống giao thông công cộng hỗn loạn, cũ kỹ, dơ bẩn và đặc biệt nguy hiểm hơn bất cứ thành phố nào trong khu vực Đông Nam Á. Trong hàng chục thể loại phương tiện thi đua nhau “cướp đường”, thì loại hung hăng nhất chính là jeepney, một loại xe buýt nhỏ được cải tiến từ xe jeep nhà binh Mỹ để lại sau khi kết thúc Thế chiến 2.
Họ cho nối thêm phần đuôi khá dài vào đầu một chiếc xe jeep và có hàng nghìn phương tiện này vẫn đang lưu thông khắp siêu đô thị Manila, bất kể những khu nhà giàu như Makati hay khu ổ chuột nổi tiếng như Baclaran.
Sau nhiều lần đi thử jeepney, hóa ra nó khá là vui nhộn. Tài xế chạy cực ẩu, hiển nhiên (ở Manila ngay cả những quý ông lịch thiệp lái Uber hạng sang cũng phải cướp đường thường xuyên!), phía trước và bên hông xe gắn hàng loạt biển tên các địa danh, tuy nhiên, nó có đi ngang qua các địa danh đó hay không thì... hên xui.
Ở Manila, chỉ cần bước ra khỏi những khu nhà giàu (như Makati City) nửa bước chân thôi là gặp ngay khu ổ chuột của người nghèo. Nằm ngồi la liệt trong công viên, trên đường dẫn vào ga tàu điện, trước cửa siêu thị, thậm chí trẻ con ngồi đùa giỡn ngay trong đường cống thoát nước của một nhà hàng Tàu ở khu Chinatown. Gánh nặng của sự cách biệt giàu nghèo và hệ lụy của việc di dân ồ ạt đến Manila dường như là quá sức đối với chính quyền sở tại. Mặc dù có những cố gắng cải thiện quy hoạch đô thị, nâng cao đời sống của đại bộ phận thị dân, nhưng Manila vẫn mang một khuôn mặt nhạt nhòa giữa hai thế giới: hoa lệ và bần cùng.
Từ khu Makati bắt một chuyến taxi hết hơn 100 peso (50.000 đồng) để đi ra đại lộ Roxas, một trong những con đường nổi tiếng nhất Manila, nơi đây thường được gọi là đại lộ Hoàng Hôn, vì từ chỗ này có thể ngắm được ánh sáng chiều rơi dài trên khắp vịnh Manila.
Đoạn đẹp nhất họ còn cho trồng những hàng dừa xanh mát rợp bóng, và có cả một bến du thuyền lớn, hàng trăm chiếc đang đậu nơi đây, trên một khoảng diện tích bờ vịnh rộng thoai thoải, thanh bình và yên ả.
Manila sắc màu và tương phản1
Giao thông hỗn loạn với những chiếc jeepney
Manila sắc màu và tương phản 2
Quầy hải sản với nhiều mặt hàng tươi ngon trong chợ hải sản Dampa Macapagal
Sự tương phản giàu nghèo có thể cảm nhận rất rõ ở bến cảng này, khi mà những khuôn mặt sạm nắng buồn bã của người dân chài nghèo đang ngồi vá lưới phía bên kia song sắt uy nghiêm của bến cảng du thuyền, nơi mà những chiếc thuyền buồm trắng muốt, trị giá hàng triệu USD đang lặng lẽ nằm im. Manila sở hữu nhiều khuôn mặt của cuộc đời.
 
Ăn bốc
Người Philippines có cách ăn uống khá khác biệt với người Việt. Nhìn chung, họ không dùng đũa, mà đa phần bốc bằng tay - ngay trong các quán thức ăn nhanh ở khu giàu nhất Manila họ vẫn ăn bốc như thường, tất nhiên ngoại trừ ăn uống ở các nhà hàng. Tôi từng chứng kiến nhiều sắc dân bốc tay thức ăn, nhưng người Philippines có lẽ là sắc dân rất xuề xòa trong kiểu cách, nên họ ăn bốc có phần cũng rất thoải mái, không đạt đến độ gọn gàng và trật tự như người Ấn. Người Ấn bất kể giới bình dân ăn lề đường đến giới trung lưu ăn trong nhà hàng đều bốc thức ăn bằng tay rất điệu nghệ và gọn gàng. Người Philippines thì khác xa, vào bữa, họ bốc thức ăn chừng 3 phút sau là sẽ chuyển thành nghệ thuật... hốt. Xong bữa là trên đĩa, trên bàn cũng bừa bộn, ngổn ngang và 10 ngón tay tèm lem hết 10 ngón. Trong khi kỹ thuật bốc của người Ấn là chỉ dùng 3 hoặc 4 ngón là cùng. Phải chăng vì điều này mà nói đến ăn bốc người ta chỉ nghĩ ngay đến Ấn Độ mà quên anh bạn láng giềng Philippines?
Đi chợ hải sản nhiều màu sắc
Đến một quốc đảo thì cái không thể bỏ qua chính là làng chài hay chợ hải sản, ở hai nơi đó cuộc sống đầy màu sắc và chân thực. Manila cũng có một khu chợ hải sản nổi tiếng ngon và rẻ: Dampa Macapagal Seafood Market.
Phải nói thật, người viết không mặn mà gì với hải sản Philippines, vì sau nhiều lần đến nước này, lê la quán xá, nhà hàng đều thấy cách chế biến các loại hải sản của họ thành món ăn có phần quá đơn điệu và nhàm chán, lại đầy dầu mỡ. Nhưng, bữa tối hôm ấy ở chợ Dampa làm cho mọi định kiến của tôi tan biến hết.
Dampa Macapagal nằm ngay bên cạnh đại lộ Hoàng Hôn, đó là một khu buôn bán lớn các mặt hàng thủy hải sản tươi ngon vào bậc nhất ở Manila. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là dọc theo khu chợ bán sỉ đó, có hàng loạt nhà hàng với mọi phong cách Á Âu, Tàu, Nhật... phong phú và nhiều màu sắc, nhằm phục vụ cho các thực khách có niềm “đam mê” lớn với các sản vật từ biển khơi.
Đầu tiên, bạn tôi hướng dẫn cho cả nhóm chọn một nhà hàng theo phong cách Hồng Kông cực kỳ đông đúc. Chúng tôi phải đăng ký trước chỗ ngồi với quầy lễ tân, lấy số thứ tự rồi bắt đầu di chuyển qua khu chợ đầy màu sắc bên cạnh. Hàng loạt các quầy hải sản được phân chia thành từng nhóm riêng biệt, đầu tiên là các quầy cá mú (bên Manila họ gọi loại cá này là lapu lapu) cực kỳ màu mè.
Theo lời bạn tôi, sống và làm việc ở đây, thì dân Philippines thích nhất loại cá này. Tiếp đến là các quầy tôm càng được đặt trong lồng kính cẩn thận, các quầy cua ghẹ đang còn bò lổm ngổm trong sọt tre, quầy cá to như cá hồi và cá ngừ đại dương được cắt lát cẩn thận, có cả phi lê nhìn rất đẹp và họ thái sẵn ra thành từng hộp nhỏ nếu bạn muốn thử món sashimi kiểu Nhật. Chúng tôi chọn 1 chú cá mú màu xám tro, rất to, một ít tôm sú biển và cua ghẹ. Sau đó nhanh chóng mang chúng quay lại nhà hàng đã được đặt chỗ khi mới đến.
Theo kinh nghiệm nhiều lần “lăn lộn” khắp chợ, bạn tôi nói muốn mua hải sản rẻ, hãy vào những sạp hàng phía trong, và phải trả giá cẩn thận. Tuy nhiên, có một điều lợi cho các thực khách sành ăn là người bán thường có chính sách “bao ăn”, có nghĩa là khi nhà bếp phát hiện ra cua cá bị ôi, hoặc kém tươi ngon, bạn cứ xách ngược trở ra quầy yêu cầu đổi lại.
Người bán ở đây đa phần xởi lởi, dễ tính và rất nghiêm túc trong việc đảm bảo chất lượng hải sản. Phần cua mà chúng tôi chọn quá nửa là bị óp (thấy tươi ngon nhưng không có thịt nhiều), đầu bếp đích thân mang ra tận bàn để giải thích cẩn thận rằng chúng tôi cần phải mang ra nơi bán đổi lại, nếu không bữa ăn sẽ mất ngon. Tôi thật sự đánh giá cao cách làm này, cả đầu bếp của nhà hàng lẫn người bán hải sản ở chợ.
Với giá cả hợp lý, hải sản tươi ngon, và đầu bếp nấu theo kiểu Quảng Đông, gần giống với phong cách ẩm thực ở Chợ Lớn, Sài Gòn, nên chúng tôi thấy thỏa mãn lắm. Kết hợp thêm một ly bia lạnh trong sự nhộn nhịp của nhà hàng, thật là không còn gì thú vị bằng. Vì vậy, chúng tôi hầu hết đều đồng ý rằng việc thưởng thức một bữa hải sản ở khu chợ Dampa Macapagal là việc nhất thiết phải thử khi đến Manila, một trong những nét chấm phá tuyệt vời trong bức tranh có nhiều gam màu tối ở siêu đô thị hỗn loạn này...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.