Người Việt lạc vào mùa thu hoạch nhân sâm triệu đô trên đất Hàn

17/11/2018 13:02 GMT+7

Nhân sâm là 'quốc bảo' của đất nước Hàn Quốc, là món quà quý mà người Hàn thường dành tặng cho khách quý hoặc người thân. Trong chuyến thăm Hàn Quốc mới đây, tôi may mắn được đi thu hoạch nhân sâm trong mùa thu lá vàng, một kỷ niệm thú vị và đáng nhớ.

Chuyến đi này tôi may mắn được một người bạn Việt Nam làm việc ở Tập đoàn nhân sâm KGC (Korea Ginseng Corporation) gợi ý dẫn đi thăm cánh đồng sâm đang đúng mùa thu hoạch ở thành phố miền núi Geumsan tỉnh Chungcheongnam, cách Seoul 130km về phía nam. Theo cô bạn này, mùa thu ở Hàn Quốc (từ tháng 9 - tháng 11) là thời điểm thu hoạch sâm đẹp nhất năm. Và khi đến cánh đồng sâm nào trên khắp nước Hàn cũng dễ dàng gặp được lao động người Việt thu hoạch sâm tại đây.
Với thành phố Geumsan, nhân sâm là thế mạnh kinh tế, là niềm tự hào của người dân. Geumsan có thổ nhưỡng, khí hậu vô dùng thuận lợi để trồng ra những củ nhân sâm có chất lượng tốt nhất thế giới. Với tập đoàn nhân sâm KGC vốn là nhãn hiệu về nhân sâm lớn nhất xứ kim chi, được chính phủ Hàn bảo hộ, cánh đồng sâm của hãng được kiểm tra khá nghiêm ngặt. Nhờ cô bạn chỉ dẫn, tôi bắt đầu có một ngày thu hoạch vườn sâm triệu đô hơn cả mong đợi.
Sâm được trồng thành những luống lớn và được chăm sóc cẩn thận. Theo một chủ vườn sâm, đại diện tập đoàn KGC sẽ đến chọn đất, ký hợp đồng với họ trong 8 năm để bắt đầu cho một vụ sâm
Trong đó hai năm đầu là công đoạn chuẩn bị đất, chăm sóc đất, sáu năm sau dành cho việc nuôi dưỡng cây sâm, với mỗi năm hơn 10 lần thực hiện các thí nghiệm trên đất đã ký hợp đồng. “Chúng tôi phải canh tác rất cẩn thận, chỉ cần không đạt chất lượng, họ sẽ hủy hợp đồng”, một nông dân chia sẻ
Đây là vùng đất có truyền thống gắn liền với nhân sâm khoảng 1.500 năm trước. Do hợp với khí hậu và thổ nhưỡng, sâm trồng tại đất Geumsan có hàm lượng dinh dưỡng cao, chất lượng tốt hơn hẳn so với những vùng khác và nổi tiếng trên toàn thế giới
Những luống sâm chuẩn bị vào mùa thu hoạch. Khi vào mùa thu hoạch sâm, một nhân công trên cánh đồng có thể nhận thù lao 200.000 won/ngày (khoảng 4 triệu đồng). Với thù lao thời vụ khá cao, nhiều nhân công Việt Nam đã sang Hàn đi thu hoạch sâm
Cây nhân sâm có đặc tính sinh trưởng khá lạ, mùa hạ không được quá nóng, mùa đông không chịu được quá rét, do đó các cánh đồng sâm đều có bạt che, có hệ thống tưới nước, đo nhiệt độ hiện đại. Mái che có tác dụng hạn chế ánh nắng chiều rọi trực tiếp xuống rễ làm cây con cháy lá và chết
Khoảng 4 đến 6 năm, rễ nhân sâm mới sinh trưởng đầy đủ bộ phận có hình dáng như cơ thể con người. Ở Hàn Quốc, sâm trồng 6 năm được xem là độ tuổi có nhiều dưỡng chất tốt nhất để thu hoạch
Thế nên, để có những củ sâm tốt, chăm sóc nhân sâm là một kỳ công. Dưới bàn tay khéo léo, chăm chỉ của người nông dân Hàn, những củ nhân sâm được thu hoạch đều tăm tắp, đảm bảo đồng nhất về chất lượng, được kiểm tra, cấp phép đúng quy trình nghiêm ngặt
Bà con nông dân thu hoạch sâm, có sự hỗ trợ của máy móc. Đất sau thu hoạch đã trở nên cằn cỗi nên không được phép trồng nhân sâm trong 10 năm kế tiếp
Quang cảnh đông vui trên các cánh đồng nhân sâm. Bà con nông dân hăng say nhặt sâm, xếp sâm trên đồng ruộng
Chúng tôi được tham gia vào công việc thu hoạch nhân sâm và nghe những câu chuyện vui mà bà con say sưa kể. Những người nông dân nói rằng nhân sâm là cuộc sống của họ, là niềm tự hào của họ, họ yêu quý và trân trọng nhân sâm
Một vườn sâm có thể thu hoạch hàng tấn sâm, trị giá hàng triệu USD
Sâm được đóng vào thùng, đủ trọng lượng sẽ được đưa lên xe chuyên dụng chuyển về nhà máy chế biến
Nhân sâm được phân loại và đóng thùng trước khi đưa vào nhà máy chế biến
Người nông dân Hàn Quốc cho rằng nhân sâm là cuộc sống, là niềm tự hào của mình. Từng thao tác, họ thực hiện rất nhẹ nhàng và trân quý nhân sâm
Cận cảnh một củ sâm tươi vừa được nhổ lên khỏi mặt đất sau 6 năm chăm sóc
Sau khi tận mắt chứng kiến và tham gia vào quy trình thu hoạch nhân sâm trên cánh đồng, chúng tôi được cô bạn đưa đến tham quan Bảo tàng nhân sâm, nằm bên trong Nhà máy Nhân sâm Hàn Quốc (tỉnh Gangwon-Do), được Chính phủ Hàn Quốc quản lý chất lượng.
Tại khu vực bảo tàng, du khách có thể đăng ký tham quan để tìm hiểu tất cả mọi thứ về lịch sử nhân sâm, phương pháp trồng sâm, quá trình làm nhân sâm đỏ từ nhân sâm và cách chọn mua nhân sâm tốt khi mua sắm.
Theo hướng dẫn của người thuyết minh, KGC chia hồng sâm sau chế biến thành ba loại chính: thiên sâm, lương sâm và địa sâm. Cao cấp nhất và khan hiếm nhất là hạng thiên sâm, hình dáng rất giống con người, giá thành có thể lên đến 200 trăm triệu đồng mỗi ký. Đây là loại sâm mà giới sành dùng sâm vẫn ưu ái tìm mua nhất, do có chứa hàm lượng saponin cao, có những thời điểm nhà sản xuất không đủ hàng để cung ứng cho thị trường. Đây cũng là mặt hàng được chính phủ Hàn Quốc quý tặng cho các chính khách, nguyên thủ quốc gia khi đến thăm xứ kim chi.
Hàn Quốc là đất nước có nền công nghiệp phát triển vượt bậc hơn so với nông nghiệp, nhưng họ vẫn giữ gìn và rất trân trọng lịch sử của ngành nông nghiệp, đặc biệt là về cây nhân sâm
Các hiện vật cho thấy quá trình phát triển của một cây nhân sâm Hàn qua các giai đoạn sinh trưởng
Sâm xứ Cao Ly đã được biết đến với hàng ngàn năm phát triển
Bảo tàng nhân sâm được xây dựng trong khuôn viên nhà máy Korea Ginseng Corporation. Để vào tham quan, khách phải được kiểm tra rất kỹ về vấn đề vệ sinh và an ninh
Những củ sâm tươi sau khi được rửa sạch sẽ bằng sóng siêu âm và áp suất cao, đã sẵn sàng cho công đoạn sấy khô
Những củ sâm được sấy và phơi khô tự nhiên theo bí quyết độc quyền của hãng
Các quy trình đều được quản lý rất kỹ lưỡng
Củ sâm tươi sau khi sấy sẽ chuyển sắc đỏ nên được gọi là hồng sâm
Một công nhân đang tỉa tót củ sâm trước khi đưa qua phân loại
Quá trình phân loại được thực hiện trong phòng tối - nơi người ta chiếu đèn lên củ sâm để xác định tỷ trọng và phân loại theo ba cấp: Thiên sâm (Heaven), Địa sâm (Earth) và Lương sâm (Good)
Trong đó Thiên sâm là mức cao nhất, có giá khoảng 6.000 USD/cân (1 cân Hàn tương đương 600g)
Cuối cùng, sâm được đem đi làm ẩm và đóng gói, sẵn sàng đưa ra thị trường tiêu thụ. Theo Korea Times, hồng sâm mang lại cho Hàn Quốc hàng tỉ USD mỗi năm, xuất khẩu sang 60 thị trường toàn cầu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.