Người Việt xưa ăn Tết tháng 11 âm lịch; là dịp làm mới, hàn gắn

30/01/2017 20:02 GMT+7

Để tìm hiểu nguồn gốc, phong tục cũng như so sánh sự khác nhau giữa tết xưa và nay, Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Ngọc Thơ (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM).

Để tìm hiểu nguồn gốc, phong tục cũng như so sánh sự khác nhau giữa tết xưa và nay, Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Ngọc Thơ (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM).
Nguồn gốc Tết Nguyên đán
Nói về nguồn gốc của Tết Nguyên đán, TS Nguyễn Ngọc Thơ cho biết Tết Nguyên đán hiểu theo nghĩa gốc ban đầu là để chỉ thời điểm đầu chu kỳ năm mới. Ngày nay một số nơi như Hàn Quốc, Trung Quốc hiểu Tết Nguyên đán là Tết Dương lịch, tức năm làm việc mới.
Người Việt Nam thì vẫn hiểu Tết Nguyên đán là mở đầu cho một năm nông lịch (âm lịch). Theo một số nhà nghiên cứu vào thời Hùng Vương, Tết Nguyên đán diễn ra vào tháng Tý (đầu tháng 11 âm lịch) khi tiết trời chuẩn bị se lạnh. Do vậy, Tết Đoan ngọ vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch rơi vào đúng nửa năm nên nhiều người gọi tết Đoan ngọ là tết nửa năm.
Cắt lá thuốc bọ để vấn điếu hút Ảnh: Huệ Minh
Sau này trong quá trình tiếp xúc văn hóa và hội nhập với khu vực, chúng ta dịch chuyển ngày tết của đầu tháng Tý (tháng 11) sang đầu tháng Dần (tháng Giêng).
Bên cạnh đó, TS Thơ cũng cho biết, hiện nay vẫn còn nhiều dấu vết cho thấy những vùng đất cổ như Phú Thọ vẫn còn kỷ niệm ngày đầu tháng 11 như: xông đất, hái rau rừng, ăn những loại đất có khoáng chất vào người, mở cửa rừng,…
Thời điểm để tự làm mới mình
TS Thơ nói thêm, có thể thấy phong tục Tết Nguyên đán hiện nay mang cả dấu ấn bản sắc văn hóa Việt và âm hưởng của giao lưu hội nhập văn hóa. Tuy nhiên, nó vẫn được hiểu là thời điểm bắt đầu của một năm thời tiết. Đây là thời điểm mùa màng vừa xong, mọi người chuẩn bị chào đón mùa hoa nở, cây cối đâm chồi nảy lộc, lòng người cũng cảm thấy có một cái gì đó đánh dấu bước chuyển ngoặt của tâm lý.
Tái hiện cách nấu rượu gạo xưa ở nông thôn Ảnh: Huệ Minh
Vì những lý do đó mà Tết Nguyên đán là thời điểm tốt nhất để chúng ta có thể tự làm mới cuộc sống của mình, tự hàn gắn hoặc củng cố lại những mối quan hệ xã hội và mở ra những cơ hội, những nguồn lực mới. Không chỉ vậy, đây còn là dịp để người ta thực hiện sự kết nối giữa người còn sống với người đã khuất bằng những việc làm thiết thực như: tảo mộ, bày trí bàn thờ và sắm cỗ cúng tổ tiên.
Ở một số dân tộc khác, người ta có những truyền thuyết gắn ngày tết với những nhân vật lịch sử vĩ đại hay đối tượng huyền thoại với cốt cách là giáo dục tâm lý hướng nội, qua đó lồng ghép các ý nghĩa giáo dục tư tưởng xã hội trong khi ở Việt Nam thì ngày tết đơn thuần được hiểu là thời điểm chuyển ngoặt của tự nhiên và dịp sum họp gia đình trong tâm thức công dân.
Người xưa còn có tục đi xin câu đối, thư pháp vào dịp tết Ảnh: Huệ Minh
TS Thơ lấy ví dụ: “Tại Trung Quốc người ta cho rằng mùa đông lạnh giá có con niên xuất hiện đến uy hiếp con người. Do đó, trong đêm giao thừa, chuyển giữa năm cũ và năm mới người ta phải treo đèn đỏ lên, dán giấy đỏ rồi đốt pháo để con niên sợ và bỏ chạy”. Trong khi đó ngày tết 3 tháng 3 (tết Hàn thực) thì gắn với nhân vật Giới Tử Thôi, ngày 5 tháng 5 (tết Đoan ngọ) thì nhớ Khuất Nguyên, còn ngày 7 tháng 7 (tết Ngâu) thì tư tưởng mối tình lãng mạn Ngưu Lang - Chức Nữ...
TS Thơ cho rằng nguồn gốc con niên là do người đời sau truyền tai nhau để “thiêng hóa” ý nghĩa của thời điểm chuyển giao ngày tết. Trên hết, dù là dân tộc nào và với hình thức tâm lý nào thì tết vẫn là thời điểm đánh dấu sự chuyển biến trong tâm lý của mình giữa thời khắc chuyển giao giữa cái cũ và cái mới.
“Rất khó để nói rằng bắt đầu từ khi nào người Việt ăn tết, chỉ có thể nói rằng thời điểm người Việt chuyển ăn tết từ tháng 11 sang tháng Giêng là khoảng thời gian trước - sau công nguyên, tức là khi chúng ta bắt đầu giao lưu văn hóa với khu vực Đông Á”, TS Thơ nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.