Nhận hỗ trợ thiên tai phải chi lại tiền 'vệ sinh', 'chè nước'

20/03/2018 21:08 GMT+7

Thiên tai , lũ lụt khiến người dân khốn khổ vì mất nhà, mất tài sản. Nhưng khi Nhà nước có chính sách hỗ trợ, giúp người dân vơi bớt khó khăn, khôi phục sản xuất, thì chính quyền địa phương lại nghĩ cách bớt xén của dân.

Mời ủng hộ kiểu "cưỡng chế"
Trước tết Nguyên đán 2018 khoảng 1 tuần, UBND xã Hoằng Yến (H.Hoằng Hóa, Thanh Hóa) tổ chức chi trả 70% tiền hỗ trợ thiên tai, lũ lụt của Nhà nước cho người dân nuôi trồng thủy sản trong xã bị thiệt hại do lũ lụt gây ra hồi trung tuần tháng 10.2017. Đã có hàng trăm hộ dân bị thiệt hại, hàng tấn tôm, cua, cá trôi hết, nhiều hộ thiệt hại từ 100-500 triệu đồng.
Thế nhưng, ngay trong các buổi chi trả tiền hỗ trợ của Nhà nước cho dân, Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản (HTX NTTS) xã Hoằng Yến lại ra lời kêu gọi người dân phải quyên góp, ủng hộ tiền vệ sinh môi trường (VSMT). Tùy diện tích ao nuôi, có hộ phải cắt ra từ 50.000 - 100.000 đồng, hộ nhiều phải “ủng hộ” lên đến hơn 1 triệu đồng.
Theo một danh sách mà chính UBND xã Hoằng Yến cung cấp có tựa đề “Các chủ hợp đồng NTTS đóng góp tiền rác thải”, đã có 99 hộ bị thu tiền với tổng số tiền hơn 35,8 triệu đồng. Trong đó, nhiều hộ có ghi nộp tiền nhưng không có chữ ký. Sự việc gây bức xúc cho nhiều người dân, vì họ cho rằng, hàng tháng các hộ đều nộp tiền VSMT để công ty môi trường thu gom đưa rác thải đi xử lý. Hơn nữa, từ trước đến nay, chưa từng thu tiền VSMT của các hộ nuôi trồng thủy sản, không hiểu sao nay đúng hôm trả tiền Nhà nước hỗ trợ thì UBND xã, HTX NTTS lại kêu đóng góp tiền này.
“Khi tôi đến nhận tiền, thấy cán bộ chi trả tiền hỏi gia đình ủng hộ bao nhiêu, tôi cũng chẳng biết bao nhiêu, nên ủng hộ 600.000 đồng. Khi nhận tiền và nộp tiền VSMT, tôi có ký vào tờ giấy xác nhận, nhưng thật sự không hiểu tiền đó sử dụng vào việc gì?”, một người dân NTTS, cho biết. Anh L.V.T. cũng cho biết cho biết gia đình anh có ao nuôi tôm thẻ chân trắng rộng hơn 1.500 m2. Do thiệt hại bởi mưa lũ nên được Nhà nước hỗ trợ hơn 6 triệu đồng. Khi nhận tiền hỗ trợ, gia đình anh đã phải ủng hộ lại 500.000 đồng cho xã, gọi là tiền hỗ trợ VSMT.
“Hôm đó tôi đến sau nên không được nghe phổ biến ủng hộ, vận động tiền VSMT gì cả, đến lúc lên nhận tiền, thấy người chi trả tiền của xã nói ủng hộ, và thấy nhiều hộ cũng ủng hộ nên tôi làm theo, chứ khi đó tôi cũng chả hiểu họ thu để làm gì”, anh T. nói.
Thiếu nhân văn, sai quy định
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc thu tiền VSMT của HTX NTTS xã Hoằng Yến tính trung bình các hộ được nhận tiền thì ủng hộ lại khoảng 10% tổng số tiền. Trong danh sách đã thu tiền, nhiều hộ nộp số tiền lớn, như hộ ông Nguyễn Chung Thành (ngụ tại xã Hoằng Phụ, H.Hoằng Hóa, thuê ao nuôi tôm tại xã Hoằng Yến) nộp 1,2 triệu đồng; hộ ông Trương Thanh Hải nộp 1,2 triệu đồng (ngụ tại xã Hoằng Yến); hộ ông Đinh Xuân Hải (thôn 1, xã Hoằng Yến) nộp 1,2 triệu đồng… Đặc biệt, danh sách 99 hộ nộp tiền nhưng có nhiều hộ chỉ ghi số tiền nộp chứ không có chữ ký.
Về sự việc trên, ông Nguyễn Văn Tốt, Chủ tịch UBND xã Hoằng Yến, xác nhận đúng là HTX NTTS có vận động người dân ủng hộ tiền VSMT khi họ nhận tiền hỗ trợ thiên tai. Ông Tốt lý giải, do mỗi tháng tiền thu gom xử lý rác thải của xã hết 30 triệu đồng, trong khi thu của dân chỉ được hơn 20 triệu đồng, nhưng không thể bỏ tiền ngân sách ra để chi nên phải vận động thêm các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và người NTTS. Khi phóng viên hỏi việc thu trực tiếp khi người dân vừa nhận tiền hỗ trợ thiên tai có phải là việc làm thiếu tế nhị, không hợp lý, đúng hơn là sai quy định, thì ông Tốt không lý giải được.
Ông Nguyễn Đình Giáp, Giám đốc HTX NTTS xã Hoằng Yến, thì phân trần việc vận động người dân NTTS nộp tiền VSMT là chủ trương, đề án của HĐND xã. “Hôm đó bà con đến nhận tiền hỗ trợ, chúng tôi có phổ biến việc ủng hộ tiền VSMT. Những hộ nào nộp tiền chúng tôi đều lập danh sách, ghi lại đầy đủ”, ông Giáp nói.
Trả lời Thanh Niên về sự việc trên, ông Lê Đức Giang, Chủ tịch UBND H.Hoằng Hóa, cho biết việc thu tiền lúc chi trả tiền cho bà con là thiếu nhân văn, không đúng quy định. “Chúng tôi đã nắm được thông tin, và cũng đã yêu cầu phải trả lại tiền cho dân, vì việc đó là không được đẹp. Do HTX NTTS vận động chứ nếu mà là UBND xã là huyện đã xử lý ngay rồi”.
Đáng nói, ở H.Hoằng Hóa, không riêng gì xã Hoằng Yến có tình trạng như vậy, mà thời điểm đầu 2018, trong quá trình chi trả tiền hỗ trợ thiên tai cho người NTTS, ở xã Hoằng Phong (H.Hoằng Hóa) còn có tình trạng HTX NTTS xã này “xin” lại 15 % tiền của người dân được nhận, gọi là tiền chè nước.
Theo đó, tại xã Hoằng Phong đã có 97 hộ dân bị “xin” lại tiền chè nước với tổng số tiền 21,5 triệu đồng. Sau khi kiểm tra, UBND H.Hoằng Hóa xác định việc thu tiền của người dân như vậy là sai quy định và đã yêu cầu trả lại tiền cho dân, đồng thời, Huyện ủy Hoằng Hóa cũng đã kỷ luật những cán bộ, đảng viên có liên quan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.