Nhiều người nhập viện vì bị rắn lục đuôi đỏ tấn công

07/03/2017 14:02 GMT+7

Từ đầu năm 2017 đến nay, Bệnh viện liên tục cấp cứu cho nhiều người dân bị rắn lục đuôi đỏ cắn gây thương tích nặng.

Bó thuốc thầy lang không khỏi mới đến bệnh viện
Ngày 1.3, anh Nguyễn Duy Khánh (45 tuổi, ngụ xã Bình Trung, H.Châu Đức) đi lên rẫy hái tiêu. Khi đang loay hoang hái tiêu thì anh Khánh thấy bị nhói ở ngón tay cái. Một lúc sau anh thấy con rắn lục đuôi đỏ bò ra liền dùng cây đập rắn chết. Nghĩ vết thương bình thường, anh Khánh đến nhà một thầy lang bó thuốc để hút độc rắn.
Sau khi bó thuốc mà không thấy hết đau, tay cứ sưng phù và bầm tím nên ngày 2.3, anh Khánh gọi người nhà đưa đến Bệnh viện Bà Rịa chữa trị.
Khi đến bệnh viện thì vết thương của anh Khánh đã bị nhiễm trùng nặng. Cùng ngày 2.3, ông Nguyễn Văn Lùng (52 tuổi, ngụ xã Phú Mỹ, H.Tân Thành) cũng được gia đình đưa vào Bệnh viện Bà Rịa cấp cứu do bị rắn cắn.
Ông Lùng cho hay chiều cùng ngày ông đến một ngôi chùa ở H.Tân Thành làm công quả. Trong lúc đang xếp gạch thì ông bị một con rắn chàm quạp cắn vào tay. Ông Lùng về nhà nghỉ mà không đến cơ sở y tế để chữa trị. Đến khi vết thương đau nhức chịu không nổi nữa ông Lùng mới đến Bệnh viện Bà Rịa cấp cứu.

tin liên quan

Bị phạt vì thả rắn độc lên núi
Ngày 10.1, Hạt Kiểm lâm H.Tri Tôn (An Giang) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng đối với ông Trần Dũ Tài do có hành vi thả rắn độc lên núi Dài (xã Lương Phi, H.Tri Tôn).
Bác sĩ Lâm Tuấn Tú, Phó khoa Hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Bà Rịa, cho biết từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã cấp cứu, điều trị cho hơn 10 bệnh nhân bị rắn độc cắn. Trong đó, có trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị Minh Tuấn (77 tuổi, ngụ xã Hòa Long, TP.Bà Rịa) bị rắn lục đuôi đỏ cắn với vết thương rất nặng. Bệnh viện Bà Rịa đã điều trị hơn 10 ngày vết thương mới giảm sưng, nhức do bà Tuấn bị rắn cắn có nhiều nọc độc. Bà Tuấn cho biết bị rắn lục đuôi đỏ trên chậu cây kiểng trước sân cắn lúc bà đang dọn dẹp ngoài sân.
Khi bị rắn cắn, cần nhanh chóng đến bệnh viện
Theo bác sĩ Lâm Tuấn Tú, rắn chàm quạp có màu nâu hay đỏ nâu dài khoảng 0,2 – 1m, nặng từ 100 – 2.000g, đầu hình tam giác. Dọc theo sống lưng có nhiều hình tam giác màu nâu đối xứng. Loài rắn này thường nằm cuộn tròn trong lá cây khô nên rất khó phát hiện. Sau khi cắn, rắn thường nằm yên tại chỗ, không di chuyển nên dễ dàng nhận diện.
Còn rắn lục đuôi đỏ là một trong số các loài rắn có nọc độc cực mạnh. Mức độ độc của nó chỉ đứng sau loài rắn hổ mang chúa. Đặc biệt, khi mang bầu, rắn mẹ có nọc độc cao hơn bình thường. Trong nọc rắn có hơn 20 thành phần khác nhau, hơn nữa, vết cắn của loài rắn này thường bị chảy máu nhiều và sưng rất nhanh.
Bác sĩ Tú khuyến cáo người dân khi bị rắn lục đuôi đỏ, chàm quạp cắn phải nhanh chóng đến bệnh viện để được điều trị sớm. Khi bị rắn cắn, bệnh nhân có thể gặp các hiện tượng như tan máu, phù nề, nhiễm độc thần kinh, liệt hô hấp, trụy tim mạch. Nếu không được sơ cứu đúng cách và cấp cứu kịp thời, nạn nhân có thể bị sốc tâm lý, chất độc di chuyển nhanh đến tim, rối loạn đông máu và dẫn đến thiệt mạng.
Sau khi bị rắn cắn, bệnh nhân cần rửa sạch vết thương bằng nước, tuyệt đối không hút máu hay dùng thuốc lá cây để bó vì rất dễ làm vết thương nhiễm trùng.
Đặc biệt, nếu bị cắn ở tay thì không nên để vết thương cao hơn tim. Bệnh nhân cũng không nên băng bó vết thương quá chặt vì dễ dẫn đến hoại tử, chỉ cố định vết thương và di chuyển nhẹ nhàng, sau đó nhanh chóng đến bệnh viện để được điều trị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.