Băn khoăn khi cải tạo nhà chung cư cũ

11/03/2015 08:59 GMT+7

Bộ Xây dựng vừa công bố dự thảo về việc tái thiết nhà chung cư cũ (CCC) nhưng còn gây không ít băn khoăn cho các hộ dân ở Hà Nội.

Bộ Xây dựng vừa công bố dự thảo về việc tái thiết nhà chung cư cũ (CCC) nhưng còn gây không ít băn khoăn cho các hộ dân ở Hà Nội. 

Việc cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội chậm trễ do thiếu chính sách đồng bộ Việc cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội chậm trễ do thiếu chính sách đồng bộ - Ảnh: Lê Quân
Nhiều vướng mắc
Dự thảo cho phép người dân góp vốn cùng tái thiết nhà CCC. Tuy nhiên nhiều người dân còn hoang mang với quy định này. Anh Nguyễn Khoa Đăng, ở căn hộ tầng 3, tập thể C8 Giảng Võ cho biết: “Bản thân tôi và nhiều cư dân khác thấy rất băn khoăn về điều khoản muốn góp tiền thì góp cho ai? Theo nguyên tắc nào? Tỉ lệ là bao nhiêu? Rồi cơ chế, mức độ người dân được tham gia giám sát chủ đầu tư thực hiện ra sao... Thêm nữa là việc kiểm soát tiền chúng tôi góp vào thế nào cũng không được nói rõ trong dự thảo”.
Theo thống của Bộ Xây dựng, Hà Nội hiện có 1155 nhà CCC và có đến 70 nhà trong tình trạng xuống cấp, nguy hiểm, nhưng đến nay mới xây dựng lại được 14 nhà. Nguyên nhân là do thiếu cơ chế đồng bộ, không đảm bảo được lợi ích các bên tham gia…
Chị Phạm Thị Thanh, cư dân nhà C1 Thành Công, cho biết sau khi rời đi thì niềm mong mỏi lớn nhất của cư dân chung cư này là được sớm quay trở về chốn cũ. Tuy nhiên, sau gần 10 năm phải tạm cư ở Q.Cầu Giấy, chủ đầu tư là Tổng công xây dựng công trình giao thông 1-Cienco1 và cư dân vẫn chưa thống nhất được quyền lợi nên dự án vẫn đắp chiếu. “Nay nếu theo dự thảo nghị định mới, cư dân góp tiền, góp đất vào cùng xây dựng dự án thì ai sẽ là chủ đầu tư thực sự? Sở hữu dự án sau khi xây xong là ai? Quyền lợi của mỗi hộ dân sẽ được đảm bảo như thế nào?...”, chị Thanh thắc mắc.
Anh Đoàn Mạnh Minh, cư dân tại khu CCC Thành Công cũng lo lắng về vị trí, chất lượng và thời gian di dời để thực hiện dự án tái thiết nhà chung cư. “Điển hình nhất là trường hợp nhà chung cư C1 Thành Công, cư dân tuân thủ di dời để thực hiện tái thiết đến gần chục năm nay mà dự án vẫn chỉ là bãi đất hoang, nhà cũ đập đi rồi, muốn về lại không được. Nơi ở mới thì chật lượng kém, vị trí xa xôi. Sinh hoạt, công việc thường ngày bị đảo lộn, con cái bị ảnh hưởng do thay đổi môi trường sống, học tập... Chúng tôi không muốn rơi vào tình cảnh ấy”, anh Minh nói.
Cần quy hoạch lại
TS Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, đánh giá quy định trong dự thảo mới nhằm mục đích để người dân gắn bó hơn với dự án cải tạo chứ không phải ngồi chờ đợi kết quả như hiện nay. Khi đó, cư dân sẽ có thái độ tích cực, chủ động sát sao với dự án hơn. “Tuy nhiên, khi xây dựng quy định pháp luật, điều cần nhất là công tác điều tra xã hội học, không làm tốt thì khi đưa ra sẽ rất thiếu thực tế, sức sống kém. Năm 2005, nhà nước cũng dự thảo nghị định về tái thiết nhà CCC nhưng không được người dân hưởng ứng nên việc này còn tồn tại đến nay. Dự thảo nghị định mới cũng đưa ra nhiều ý tưởng thay đổi, nhưng dù ý tưởng thế nào thì cũng nên làm thí điểm ở một nơi, xem kết quả tốt xấu ra sao trước khi đưa ra áp dụng trên diện rộng”, ông Liêm lưu ý.
Cũng theo ông Liêm, điều kiện để thành công trong việc tái thiết nhà CCC và kinh nghiệm của các nước khác cho thấy là phải cho quy hoạch lại toàn bộ theo từng khu. Trong đó, phối hợp các giải pháp nâng tầng, làm hầm, tăng diện tích cây xanh, mở rộng đường đi...chứ không phải chỉ đơn giản làm trên nền nhà cũ, tại một số tòa sát mặt đường như cách đang làm hiện nay. “Đến nay, vấn đề quy hoạch lại toàn bộ những khu CCC vẫn chưa được những người tham gia làm luật chú trọng lắm. Trong khi đó, đây lại là yếu tố tiên quyết sự thành công trong việc cải tạo nhà CCC”, ông Liêm khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.