Bất thường vùng mía

01/05/2015 12:06 GMT+7

Hàng trăm xe chở mía nguyên liệu quá tải từ vùng đông Gia Lai vào Nhà máy đường An Khê mỗi ngày đều bình an đến đích, còn những xe chở mía vùng này về Nhà máy đường Bình Định lại bị lực lượng chức năng buộc hạ tải.

Hàng trăm xe chở mía nguyên liệu quá tải từ vùng đông Gia Lai vào Nhà máy đường An Khê mỗi ngày đều bình an đến đích, còn những xe chở mía vùng này về Nhà máy đường Bình Định lại bị lực lượng chức năng buộc hạ tải.

Bất thường vùng mía Xe chở mía quá tải hoặc quá khổ vẫn “bình an” khi vào nhập mía tại Nhà máy đường An Khê - Ảnh: Trần Hiếu
Vào vụ mía, Nhà máy đường An Khê (ở TX.An Khê) đang chạy hết công suất để tiêu thụ mía cho người dân khu vực vùng đông Gia Lai. Chuyến xe chở mía nào cũng lặc lè quá khổ hoặc quá tải lưu thông từ các tuyến tỉnh lộ chạy ra QL19 để vàoNhà máy đường An Khê. “Xe của tôi chở 12 tấn nhưng đã chở vượt tải thêm chừng 5 tấn nữa, đang chờ nhập mía vào nhà máy. Ở đây chủ xe nào cũng phải chở như thế. Đường thì khó đi, tiền vận chuyển chẳng đáng là bao, rồi sửa xe và bao nhiêu khoản phụ phí khác nữa nên ai cũng cố thêm chút”, anh Hoàng, chủ một chiếc xe tải chở mía vào Nhà máy đường An Khê, nói.
Hiện công suất của Nhà máy đường An Khê đạt 12.000 tấn mía cây nguyên liệu/ngày. Còn chừng hơn một tháng nữa, niên vụ mía sẽ kết thúc. Theo ông Nguyễn Hoàng Phước, Trưởng phòng nguyên liệu Nhà máy đường An Khê, có khoảng 400-450 xe chở mía/ngày-đêm nhập vào để đủ nguyên liệu mía cho công suất chạy máy. Hiện Nhà máy đường An Khê đã mua vào trên 1,1 triệu tấn mía cây nguyên liệu, đang tiếp tục thu mua lượng mía còn lại với khoảng 250.00 0– 300.000 tấn. Từ những thông tin do ông Phước cung cấp, có thể tính ra hầu hết xe chở mía vào Nhà máy đường An Khê đều quá tải.
Trong những năm gần đây, tình trạng cạnh tranh thu mua mía tại vùng nguyên liệu mía phía đông Gia Lai có diện tích hơn 22.000 ha chưa bao giờ bớt “nóng”, cho dù ở đầu vụ hay cuối niên vụ. Bởi cách vùng này không xa, khoảng 20-25 km, Nhà máy đường Bình Định luôn trong tình trạng khát nguyên liệu. Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, Nhà máy đường Bình Định thu mua mía nguyên liệu với giá 870.000 đồng/tấn mía loại 10 chữ đường, cộng với 160.000 đồng/tấn tiền phí vận chuyển. Trong khi đó, Nhà máy đường An Khê mua mía nguyên liệu tại bàn cân là 900.000 đồng/tấn đối với mía 10 chữ đường, cộng 100.000 đồng/tấn phí vận chuyển. So ra, chênh lệch về giá cả không lớn nhưng tại sao nhiều tư thương vẫn sẵn sàng mua mía chở về Nhà máy đường Bình Định để bán?
Theo bà Võ Thị Đức, một thương lái chuyên buôn bán mía nguyên liệu ở An Khê, cho biết: “Tôi thấy chở mía về Nhà máy đường Bình Định bán lợi hơn vì ở đó kiểm định chữ đường cao hơn và trừ tạp chất cao hơn nên mỗi xe mía chừng 15 tấn, chúng tôi được lợi hơn 3-4 triệu đồng so với bán cho Nhà máy đường An Khê”.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng chỉ đạo nghiêm việc xử lý xe quá khổ, quả tải lưu thông trên địa bàn. Việc xử lý nghiêm xe quá khổ, quá tải là đúng đắn nhưng có điều bất thường là xe chở mía vào Nhà máy đường An Khê chở quá tải vẫn “bình an” trong khi các xe chở về phía Nhà máy đường Bình Định đều bị xử lý nghiêm. Thậm chí, nhiều xe chở mía nguyên liệu về Nhà máy đường Bình Định bắt buộc phải thuê xe cẩu hạ tải với giá 1 triệu đồng/xe để tiếp tục lưu thông. Liệu có phải xe chở mía quá tải vào Nhà máy đường An Khê được chính quyền địa phương dung dưỡng?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.