Công nhân đóng tàu chuyển nghề… đánh cá

10/01/2013 08:49 GMT+7

Thất nghiệp hoặc bị nợ lương, hàng trăm công nhân Công ty đóng tàu Hạ Long, thuộc Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin (P.Giếng Đáy, TP.Hạ Long, Quảng Ninh) đang vô cùng khó khăn.

Trong căn phòng 14 m2 tại khu tập thể Công ty đóng tàu Hạ Long, hai mẹ con chị Trương Thị Hồng (27 tuổi, phân xưởng làm sạch, quê Thái Bình) đang nhặt một mớ rau muống, món ăn duy nhất cho bữa trưa. Chồng chị Hồng đang làm thợ xây tại Hải Dương, thời gian này ít việc nên có tiền gửi cho vợ.

Tháng 12.2012, chị Hồng làm được 11 công, 2 tháng trước, mỗi tháng làm được 10 công. Tiền tạm ứng tháng 10.2012 mới nhận được vừa đủ mua sách, đóng tiền học cho cháu Nguyễn Tiến Mạnh đang học lớp 2. Chỉ có rau nhưng rau muống cũng đắt, 6.000 đồng một mớ nên rau cũng phải tiết kiệm. Phần quà trong ngày của Mạnh chỉ là 1 hộp sữa đậu nành từ chế độ độc hại của mẹ. Mẹ không có việc, Mạnh không có quà.

Công nhân đóng tàu chuyển nghề… đánh cá
Chị Loan và chồng chế biến hà bắt tại bãi sú P.Hùng Thắng - Ảnh: Thúy Hằng

Chợ Ba Lan một ngày đầu năm 2013, vợ chồng anh Hưng (28 tuổi, quê Hải Dương, phân xưởng ống), chị Tuyết (25 tuổi, quê Thanh Hóa, phân xưởng làm sạch) đang ôm đứa con gái 22 tháng tuổi bên một sạp chuối, hành, tỏi khô. Hai vợ chồng đi chợ 3 tháng nay, khi nhà máy hết việc. Chị Tuyết kể vừa lấy 2/3 lương tháng 10.2012: trừ 500.000 đồng tạm ứng đã nhận trước đó, chị cầm về 18.000 đồng, vừa đi vừa khóc.

Trường hợp của chị Loan (30 tuổi, cũng ở phân xưởng làm sạch) là một ví dụ. Tháng 11, 12.2012 khi bắt đầu nghỉ không lương, chị Loan khoác giỏ đi đánh hà, đánh cá, bắt ốc cùng nhiều đồng nghiệp tại bãi sú P.Hùng Thắng, kể cả những ngày lạnh giá vừa qua. Mỗi ngày chị Loan kiếm được khoảng 100.000 đồng để trang trải cho hai con trai 4 và 7 tuổi, hai bố mẹ chồng ngoài 70 tuổi. Chồng chị Loan 45 tuổi, bị tàn tật nhưng để giúp vợ, ban ngày đi rửa cốc chén tại một quán bia, đêm làm bảo vệ một xưởng bán vật liệu xây dựng...

Tình trạng khó khăn của Công ty đóng tàu Hạ Long bắt đầu nghiêm trọng từ đầu năm 2011. Khó khăn chung của Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin khiến vấn đề thất nghiệp tại đơn vị này càng thêm căng thẳng. Cả 1000 công nhân đã xin nghỉ việc trong năm này, trước đó, năm 2009, khi ngành đóng tàu còn thịnh vượng, công ty có khoảng 5700 lao động, lương trung bình khoảng 5 triệu đồng mỗi tháng. Tháng 10.2012, quân số của công ty chỉ còn 3100 người. Gần 400 lao động đang tạm giãn hợp đồng từ 3-4 tháng, số còn lại đi làm thất thường.

Công ty đang đóng 2 con tàu kiểm ngư và hoàn thiện con tàu 53 000 tấn số 16 nhưng tình hình năm 2013 chưa khả quan khi chưa có hợp đồng đóng tàu nào được ký. Một cán bộ phòng tiền lương của công ty này cho hay, đến nay mới trả được 2/3 lương tháng 10.2012, còn lại đành nợ sang năm mới. 900 lao động thuộc diện cắt giảm theo đề án tái cơ cấu tập đoàn Vinashin vừa qua đến nay vẫn chưa rõ họ sẽ được hưởng chế độ như thế nào.

Theo ông Lê Văn Hải, Phó tổng giám đốc, Chủ tịch công đoàn Công ty đóng tàu Hạ Long, đây là giai đoạn rất khó khăn của công ty, tự túc được công việc bên ngoài cũng là một cách công nhân chia sẻ với khó khăn chung. Lúc này, công ty hoàn toàn không đủ khả năng chi trả chế độ đãi ngộ phù hợp cho 900 lao động...

Thúy Hằng

>> Bàn giao tàu hàng 53.000 tấn
>> Công nhân Canon Việt Nam đình công đòi tăng lương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.