Đất nền đang... lao dốc

16/09/2011 08:05 GMT+7

Từ quý II/2011, hàng loạt dự án bất động sản ở Đà Nẵng bước vào thời kỳ ế ẩm. Đất phân lô nhiều... bạt ngàn, nhưng chờ mãi chẳng thấy người mua.

 

Khách hàng quan tâm các dự án BĐS mới được đầu tư ở Đà Nẵng - Ảnh: Hữu Trà 

Vùng ven: 4 triệu/mét vuông

Khu đô thị Thien Park do Công ty CP Dây cáp điện Tân Cường Thành làm chủ đầu tư nằm ở vị trí cực kỳ thuận lợi, ngay sát đường tránh nam hầm Hải Vân (Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) và cũng là điểm đầu của đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi trong tương lai. Toàn bộ dự án do Công ty WATG nổi tiếng của Hoa Kỳ thiết kế. Thế nhưng, giá bán ở khu đô thị này được xem là rất bèo. Trong lần mở bán đầu tiên, 600 lô đất nền được giao dịch trên thị trường từ giữa tháng 7.2011.

Trước đây giao dịch ở Đà Nẵng khá hơn, nay xuống rồi. Giờ đất bán rẻ cũng chưa chắc có người mua

Theo công bố của chủ đầu tư Khu đô thị Thien Park, giá bán cao nhất đối với các lô đất liền kề đường 10,5m là 6,68 triệu đồng/m2 và giá bán thấp nhất là 4,5 triệu đồng/m2 đối với loại đường quy hoạch 5,5m. Điều kiện trả tiền cũng hết sức thông thoáng với 8 lần thanh toán kéo dài trong vòng 7 tháng.

Một đại diện của Khu đô thị Thien Park cho rằng: "Mức giá nói trên so với mặt bằng chung là mức giá hợp lý và phù hợp với nhu cầu cũng như mức thu nhập của khách hàng". Tại khu đô thị Golden Hills, đại diện chủ đầu tư cũng cho biết chỉ mới bán được khoảng 600 - 700 lô.

Hiện, tại Đà Nẵng, các chủ đầu tư BĐS có đất phân lô ở những vùng ven đô đang thi nhau giảm giá để thu hút sự quan tâm của khách hàng. Như Golden Hills (Q.Liên Chiểu) cũng có giá chừng 4,5 - 5,9 triệu đồng/m2; KDC Nam cầu Đỏ (H.Hòa Vang) 4,5 - 4,7 triệu đồng/m2; KDC nam cầu Cẩm Lệ (H.Hòa Vang) có giá từ 4,8 - 5,2 triệu đồng/m2; KDC Hòa Hiệp  giá từ 4 - 4,9 triệu đồng/m2; KDC Hòa Minh 5 khoảng 5,1 triệu đồng/m2... Ngay cả, những khu đất ở vùng được cho là đất vàng, đắc địa, thuận tiện đầu tư, kinh doanh thì nay cũng vắng bóng người mua.

Nguồn cung quá dồi dào

Lý giải nguyên nhân đất nền ở Đà Nẵng xuống giá, trong đó khu vực đất ở ven đô "lao dốc" nhanh đến không ngờ, nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ nguồn cung quá dư thừa. Một chuyên gia của CBRE giải thích: "Trong quý 1/2011 thị trường đất nền Đà Nẵng tăng đột biến khiến nhiều chủ đầu tư dự án BĐS vội vã tung ra thị trường 3.600 lô đất nền trong quý 2/2011. Việc này làm tăng nguồn cung, khiến giá bán ở tất cả các khu vực đều có xu hướng giảm".

Chưa hết, theo tính toán của CBRE, từ nay đến cuối năm 2011, 24 dự án BĐS tại Đà Nẵng sẽ tung ra thị trường hơn 4.225 lô đất nền, nâng tổng số đất nền cung cấp tại thị trường Đà Nẵng trong năm 2011 lên con số 15.000 lô.

Dự đoán về thị trường đất nền ở Đà Nẵng trong những tháng cuối năm 2011, ông Marc Townsend - Tổng giám đốc điều hành CBRE cho rằng: "Cả nhà đầu tư lẫn người mua đều đang trở nên thận trọng hơn trong các vấn đề pháp lý, và một số chủ đầu tư đang bắt đầu nghĩ đến việc xây các biệt thự để nhắm đến người mua ở và nhà đầu tư dài hạn". Khủng hoảng kinh tế và những quy định của nhà nước trong việc hạn chế tín dụng đi cùng với thị trường BĐS đang hạ nhiệt, thì rõ ràng việc tung ra quá nhiều đất nền để bán trong giai đoạn này đã vô tình "tiếp tay" đẩy giá đất nền ở Đà Nẵng lao dốc nhanh hơn...

Đất giá cao, khó bán

Giá đất tại TP Đồng Hới (Quảng Bình) được xem là cao ngất trời và đắt đỏ hơn rất nhiều so với các tỉnh, thành trong khu vực, thậm chí nhiều người còn so sánh cao hơn cả Hà Nội và TP HCM nếu xét về kinh tế, thu nhập của người dân. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, việc các ngân hàng thắt chặt cho vay và lãi suất cao, đặc biệt là liên tiếp xảy ra các vụ vỡ nợ hàng trăm tỉ đồng khiến cho thị trường BĐS gần như đóng băng. Các phiên đấu giá đất không còn sôi động và bất thành. Mới đây Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Bình thông báo xử lý các lô đất đã đưa ra đấu giá lần 2 nhưng không có khách hàng tham gia thuộc Dự án tạo quỹ đất khu dân cư phía nam đường Trần Hưng Đạo và phía tây đường 36m (TP Đồng Hới) gồm 45 lô, giá từ 1,7 tỉ đến gần 10 tỉ đồng/lô (số lô trên dưới 4 tỉ đồng chiếm phần lớn). Theo đó sẽ tổ chức giao 45 lô đất trên theo giá khởi điểm (đấu lần 2) cho khách hàng. Thế nhưng đến nay mới chỉ có 4 lô được đăng ký.

Trương Quang Nam

Chờ nhà đầu tư

Chỉ “nóng” trong vòng 2-3 năm kể từ khi Tam Kỳ được công nhận thành phố vào năm 2006. Thị trường bất động sản (BĐS) ở đô thị tỉnh lỵ Quảng Nam sau đó xìu dần, giao dịch không thật sôi nổi. Một phần do nơi đây chưa hình thành thị trường BĐS đầy đủ, đúng nghĩa mà chỉ là “sân chơi” của những người có nhu cầu nhà ở và một số nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Trong vòng 2-3 tháng gần đây, khi thị trường vàng biến động thì thị trường BĐS ở Tam Kỳ vẫn khá tĩnh lặng. Thời thị trường BĐS còn sôi động, nhiều người làm dịch vụ ký gửi, môi giới và mua bán nhà đất thực hiện 2-3 giao dịch/ngày, nhưng kể từ đầu năm 2011 đến nay có khi “vắng vẻ” suốt 2-3 ngày liền. Tình trạng này có phần do thị trường vàng lên xuống thất thường khiến nhà đầu tư không dám mạo hiểm, phần nữa do ngân hàng siết chặt các hợp đồng vay ngoài mục đích sản xuất kinh doanh, và tăng lãi suất… nên nhà đầu tư khan vốn.

Cũng do chưa hình thành thị trường BĐS đúng nghĩa nên dù giá nhà đất giảm tối thiểu 20% ở các đô thị lớn thì thị trường nơi đây vẫn bình ổn và… im ắng. Nguyên do xuất phát từ “đầu ra” của BĐS, nhà nước quản lý là chính, chủ yếu được nhà nước giao lập quỹ đất để bán ra dân, sau đó dân mua đi bán lại. Ông Trần Nam Hưng - Phó chủ tịch UBND TP Tam Kỳ khẳng định: “Vẫn chưa có doanh nghiệp nào là nhà đầu tư cấp 1 tham gia đầu tư hạ tầng, tạo quỹ đất hoặc xây nhà để bán ra. Chính quyền thành phố khuyến khích các nhà đầu tư nhảy vào đây”.

Hiện tại, Tam Kỳ có khoảng 10 khu dân cư (trong đó có 3 khu dân cư phía đông) đã và đang xây dựng, khai thác. Ngoài ưu tiên cho tái định cư, thành phố vẫn còn khoảng 50% quỹ đất dành để đưa ra bán đấu giá. Đáng chú ý, Tam Kỳ đang theo đuổi cơ chế tạo quỹ đất cho người thu nhập thấp, cán bộ-công chức chưa có nhà…

Hứa Xuyên Huỳnh

Nguyễn Hữu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.