Vì sao trong thời buổi “số hóa” hôm nay, cái “cốt cách quê mùa” trong văn chương Hồ Biểu Chánh lại phục sinh trong lòng người mạnh như vậy? Có thể tìm được câu trả lời qua cuốn Hồ Biểu Chánh - người mở đường cho tiểu thuyết Việt Nam hiện đại của nhiều tác giả, do NXB Văn Nghệ ấn hành từ tháng 3.2006, mà nay không còn thấy trong nhiều nhà sách.
Trước hết, xin đọc đoạn văn cụ Hồ Biểu Chánh miêu tả cảnh chợ đêm ở Sài Gòn năm 1937 mà tập sách này trích in ở bìa 4 như một điển hình về văn phong của cụ: “Tại các cửa lớn, người ta tụ lại chật nức, trai chải dầu láng mướt, gái thoa môi đỏ lòm, già ngậm thuốc điếu phì phà khói bay tưng bừng, mẹ dắt tay bầy con, đứa chạy trước nghinh ngang, đứa theo sau núc ních, kêu nhau inh ỏi, tốp chen lấn mua giầy, tốp ùng ùng vô cửa, người mặc y phục đàng hoàng, chung lộn với kẻ bình dân lao động không ai ngại chi hết, mà coi ra thì trên gương mặt mỗi người đều có vẻ hân hoan hớn hở…”.
Không phải ngẫu nhiên mà nhóm chủ biên cuốn sách này (Trang Quan Sen, Phan Tấn Tài, Nguyễn Văn Nở) đã khẳng định ngay ở lời đầu sách: “Nếu Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của… là những người tiên phong đặt nền móng cho chữ Quốc ngữ thì Hồ Biểu Chánh là một trong những người đã làm cho chữ Quốc ngữ được phong phú. Ông thuộc vào một số rất ít nhà văn Việt Nam đã sử dụng những từ ngữ bình dân một cách tự nhiên, phản ánh trung thực tâm tình và tâm lý của người dân bình dị và nhờ đó các truyện viết của ông dễ gây xúc động cho người đọc”. Và: “Tiểu thuyết của ông là một bức tranh sống động về phong tục và cuộc sống người dân miền Nam bằng chữ trong thời kỳ đầu của thế kỷ 20”.
Có 21 bài viết về Hồ Biểu Chánh trong tập sách này, đầy đủ từ thân thế sự nghiệp đến tác phẩm. Trong bài Hồ Biểu Chánh - cây cầu nối những giá trị cổ truyền với con người hiện đại, sau khi phân tích các tác phẩm, nhà văn Hoài Anh nhấn mạnh: “Bản thân Hồ Biểu Chánh đã đóng trọn vai trò một cây cầu: bắc ngang văn học cổ với văn học hiện đại, bắc ngang những giá trị tinh thần truyền thống với con người trong xã hội văn minh vật chất”. Thạc sĩ Huỳnh Thị Lan Phương đã tìm thấy bốn lối phản ánh hiện thực trong tác phẩm của Hồ Biểu Chánh: hiện thực về nền kinh tế nghèo nàn lạc hậu ở Nam bộ đầu thế kỷ 20 (những tác phẩm như Thầy thông ngôn, Một chữ tình, Ngọn cỏ gió đùa, Con nhà nghèo, Nợ đời, Cười gượng, Ai làm được, Cay đắng mùi đời, Lạc đường, Ông cử, Vì nghĩa vì tình); hiện thực về giai cấp địa chủ phong kiến (Khóc thầm, Con nhà nghèo, Cha con nghĩa nặng, Chúa tàu Kim Qui, Ngọn cỏ gió đùa); hiện thực về thế lực đồng tiền trong xã hội đương thời; và hiện thực về tình trạng giằng co giữa hai lối sống cũ và mới của con người Nam bộ. Rồi tác giả nhận xét: “Nhìn chung, tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh tập trung phản ánh hiện thực thuộc về đạo đức, chưa đề cập đến những vấn đề thuộc lĩnh vực chính trị… Ông tái hiện bức tranh xã hội Nam bộ không nhằm mục đích đả phá cái cũ để hô hào đi theo cái mới nhưng ông sẵn sàng tiếp nhận cái mới ở những điểm phù hợp với quan niệm truyền thống”.
Sách còn có một bài nghiên cứu độc đáo của Giáo sư Nguyễn Văn Trung , Les Misérables của Victor Hugo và Ngọn cỏ gió đùa của Hồ Biểu Chánh, trong đó tác giả so sánh rành rẽ từ khung cảnh xã hội, lịch sử đến tư tưởng chủ đề và các nhân vật chính của hai tác phẩm này. Từ đây, tác giả kết luận: “Tuy mô tả cuộc chiến đấu với chính mình một cách khác nhau, cả hai nhà văn đều thực hiện được điều mà chúng tôi gọi là “sứ mệnh của nhà văn”, làm cho người đọc ở những hoàn cảnh khác nhau thuộc những dân tộc văn hóa khác nhau cảm thấy xúc động mãnh liệt trước những gì là nhân loại, tình người quảng đại và cao quý nhất, đáp lại những thách thức của thân phận ở đời và sau cùng, của cái chết”.
Hồ Biểu Chánh tên thật là Hồ Văn Trung, sinh ngày 1.10.1885 tại tỉnh Gò Công (nay là Tiền Giang). Sau khi đậu bằng Thành chung năm 1905, ông làm thông ngôn và cuối đời được thăng chức Đốc phủ sứ. Năm 1946 ông nghỉ hưu và dành trọn quãng đời còn lại cho sự nghiệp văn chương. Ông mất ngày 4.11.1958 tại Phú Nhuận, Sài Gòn. Hồ Biểu Chánh viết văn từ năm 1910; tiểu thuyết đầu tay, Ai làm được, ra đời năm 1912; tiểu thuyết cuối cùng viết dở dang là quyển Hy sinh. Tổng cộng ông có hơn 130 tác phẩm, một con số ít có nhà văn Việt Nam nào đạt được, bao gồm 64 tiểu thuyết, 12 tập truyện ngắn và truyện kể, 2 truyện dịch, 12 hài kịch và ca kịch, 5 tập thơ và truyện thơ, 8 tập ký, 28 tập khảo cứu, phê bình.
Thú vị hơn là nhóm chủ biên (do Tiến sĩ Trang Quan Sen, Việt kiều Đức chủ trì) còn lập riêng trang web www.hobieuchanh.com và đã dành 44 trong số 352 trang sách này để soạn 3 phụ lục: tác phẩm Hồ Biểu Chánh sắp theo thời gian; tác phẩm Hồ Biểu Chánh sắp theo mẫu tự và cuốn “tự điển mini” về từ ngữ trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh - kiểu như từ chật nức được trích ở trên.
Huỳnh Kim
Bình luận (0)