Gia đình ba thế hệ bị mù lòa, câm điếc

10/09/2015 10:02 GMT+7

Ở thôn Thanh Trí (xã Minh Phú, H.Sóc Sơn, Hà Nội) có một gia đình cả ba thế hệ đều mù lòa và câm, điếc.

Ở thôn Thanh Trí (xã Minh Phú, H.Sóc Sơn, Hà Nội) có một gia đình cả ba thế hệ đều mù lòa và câm, điếc.

Gia đình ba thế hệ bị mù lòa, câm điếc
Vợ chồng ông bà Oa cùng 2 người con mù lòa, câm điếc - Ảnh: Trần Hồ
Về xã Minh Phú ai cũng thương xót cho gia đình ông Dương Văn Oa 80 (tuổi) và bà Dương Thị Thang (82 tuổi). “Gia đình tôi khổ lắm! Mình đã mù lòa rồi, sinh con ra đứa mù, đứa câm, đến các cháu cũng không biết nói, cũng không biết ánh sáng là gì”, bà Thang chia sẻ.
Hồi bé bà Thang cũng bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng càng lớn lên, đôi mắt của bà càng khó nhìn, rồi mờ dần và sau này mù hẳn. Năm 12 tuổi, bà đã mất cả cha lẫn mẹ vì nạn đói năm 1945. Hai chị em bà bơ vơ, sống kiếp lang thang. Bà phải đi ở cho một gia đình địa chủ trong làng. Lúc ấy mắt bà mới chỉ bị mờ. Tới tuổi cập kê, thấy bà chăm ngoan, ông bà chủ đã mai mối bà với một người con trai trong làng, là ông Oa chồng bà bây giờ. Có điều ông Oa cũng bị câm điếc bẩm sinh. Rồi những đứa con lần lượt ra đời nhưng bất hạnh lại tiếp tục không buông tha bà, khi 7 người con thì có tới 4 đứa bị mù lòa, câm điếc.
Cô con gái đầu lòng Dương Thị Sáng (57 tuổi) khi sinh ra đã bị mù 1 mắt. Đến người con thứ 2 là Dương Thị Ánh (52 tuổi) cũng bị mù bẩm sinh. Lúc đó ông bà hụt hẫng lắm, nhưng rồi động viên nhau, sống thiện ắt trời sẽ thương, những đứa con sau sẽ lành lặn. Nhưng người con thứ 3 của ông bà là Dương Văn Thiều (49 tuổi) lại bị câm. Người con thứ 4 là Dương Văn Chút (33 tuổi) lại cũng bị câm điếc.
Các cháu cũng mù lòa
Tương lai tươi sáng hơn khi các con của bà cũng tìm được hạnh phúc, nhưng căn bệnh oái oăm của 2 ông bà vẫn không buông tha đời thứ 3 của gia đình. Các cháu bà cũng bị mù, câm điếc bẩm sinh.
Anh Dương Văn Thiều sau khi lập gia đình, có 4 người con thì có tới 2 đứa cũng bị mù lòa. Anh còn bị xe máy đâm nên đầu óc không bình thường, nhiều khi lên cơn thần kinh co giật, chỉ quanh quẩn trong nhà. Kinh tế gia đình anh rất khó khăn vì chỉ phụ thuộc đồng lương công nhân ít ỏi của vợ.
Anh Dương Văn Chút sau khi lấy vợ, sinh con trai đầu cũng bị câm điếc. Còn chị Dương Thị Ánh không lập gia đình, không con cái, phải sống dựa vào trợ cấp 350 nghìn đồng/tháng của ông bà Oa. Chị Dương Thị Sáng lấy chồng nhưng đã chia tay, về sống tạm trong túp lều cạnh nhà bố mẹ. Còn lại, 2 con gái của ông bà là Dương Thị Mây (50 tuổi) và Dương Thị Mến (40 tuổi) may mắn lành lặn và lấy chồng người cùng xã. Một người con trai là Dương Văn Út (37 tuổi) cũng may mắn sức khỏe bình thường đã có vợ và 2 con, nhưng gánh nặng gia đình đặt lên vai anh khi phải “đứng mũi chịu sào” cho 3 thế hệ toàn những người tàn tật và phải sống chung ở cùng một mảnh đất.
Anh cho biết: “Trong xã này, không có gia đình nào bất hạnh như chúng tôi, 3 thế hệ với 17 người cùng ở chung trên một mảnh đất, thiếu thốn đủ thứ. Vào những dịp lễ tết bà con hàng xóm thương, cho từng thùng mì tôm, cân gạo, cái bánh… thì mới biết đến không khí Tết”.
Ông Nguyễn Văn Lành, trưởng thôn cho biết: “Năm nào xét các chế độ chính sách, thôn cũng đưa gia đình vào hộ đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên gia đình ông Oa sống thành 5 hộ, có kinh tế độc lập khác nhau, nên chỉ đưa vài hộ vào loại ưu tiên đặc biệt của địa phương thôi”.
Ông Nguyễn Văn Hân, Chủ tịch UBND xã Minh Phú chia sẻ: “Chính quyền địa phương chủ yếu giúp đỡ động viên tinh thần và miễn giảm một phần các loại quỹ, phí nhưng không thể đủ giúp đỡ gia đình ông Oa giảm bớt khó khăn, bệnh tật”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.