Giúp nông dân chăn nuôi gia cầm an toàn

28/06/2013 09:10 GMT+7

Trung tâm khuyến nông quốc gia (Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT) vừa phối hợp với sở NN&PTNT Bình Phước tổ chức diễn đàn khuyến nông, nhằm giúp nông dân, chủ trang trại chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học.

Trung tâm khuyến nông quốc gia (Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT) vừa phối hợp với sở NN&PTNT Bình Phước tổ chức diễn đàn khuyến nông, nhằm giúp nông dân, chủ trang trại chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học.

Giúp nông dân chăn nuôi gia cầm an toàn

Người nông dân cần hướng được dẫn kỹ thuật chăn nuôi gia cầm an toàn - Ảnh : Thống Nhất 

Hàng chục chủ trang trại đến từ 13 tỉnh, thành khu vực Đông Nam bộ và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Lâm Đồng, Đắc Nông đã tham gia thảo luận, trao đổi trực tiếp với các nhà khoa học về chăn nuôi. Nhiều đại biểu cho rằng, để nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, nhà nước cần quan tâm hỗ trợ cho người dân về hướng dẫn kỹ thuật, phòng ngừa dịch bệnh, tạo liên kết mở rộng thị trường…

Lo ngại cúm gia cầm

Báo cáo về hiện trạng phát triển chăn nuôi gia cầm hiện nay, TS. Mai Thế Hào (Cục Chăn nuôi) cho biết, chăn nuôi gia cầm đã và đang đóng vai trò quan trọng. Năm 2012, số lượng đàn gia cầm đạt trên 308 triệu con. Sản phẩm gia cầm đứng hàng thứ hai sau thịt heo. Năm 2012, sản lượng thịt gia cầm đạt trên 729.000 tấn, sản lượng trứng khoảng 7,3 tỉ quả. Việc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia cầm không những cải thiện đời sống mà còn có thể giúp xóa đói giảm nghèo.

Khu vực Đông Nam bộ có nhiều người nuôi gia cầm và được đánh giá còn nhiều tiềm năng để phát triển chăn nuôi với qui mô công nghiệp và bán công nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phát triển chăn nuôi gia cầm cũng đồng nghĩa với việc môi trường sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Theo Cơ quan Thú y vùng VI, trong 4 tháng đầu năm 2013, tại 4 tỉnh Tây Ninh, Tiền Giang, Ninh Thuận và Long An xảy ra 10 địa  điểm gia cầm bị nhiễm cúm với số lượng hàng chục ngàn con. Vụ mới nhất xảy ra vào ngày 20.4 tại xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) có 6.500 con chim cút nuôi bị nhiễm cúm. Từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4.2013, tại tỉnh Ninh Thuận xuất hiện cúm gia cầm trên chim yến, ảnh hưởng đến hơn 100.000 con, gây thiệt hại nhiều tỉ đồng… làm nhiều người chăn nuôi rất lo ngại.

Hướng tới an toàn sinh học

Trước tình hình dịch bệnh gia cầm vẫn phức tạp, việc phòng ngừa bệnh cho gia cầm vẫn luôn là chủ đề “nóng”. Đại diện Chi cục Chăn nuôi- Thú y tỉnh Đồng Nai chia sẻ: “Để kiểm soát dịch bệnh, phòng ngừa cúm gia cầm lây lan, công tác kiểm soát buôn bán, vận chuyển và giết mổ gia cầm cần được kiểm soát chặt chẽ. Đối với Đồng Nai, hàng năm đều xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh trên gia súc gia cầm, tổ chức tiêm phòng bắt buộc cho các đàn gia cầm. Các địa phương trong tỉnh đều tổ chức phụ xịt, sát trùng, tiêu độc tại những khu vực có nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm cao”.

Bên cạnh đó, vị đại diện Chi cục Đồng Nai cho rằng, xây dựng chuồng trại theo hướng an toàn sinh học (ATSH) là để hạn chế ô nhiễm môi trường và phòng chống dịch bệnh cho gia cầm là cần thiết. Còn theo Trung tâm khuyến nông tỉnh Tây Ninh, việc chăn nuôi gia cầm bằng biện pháp ATSH mặc dù đã có từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa được người chăn nuôi quan tâm. TS. Hạ Thúy Hạnh- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, việc chăn nuôi gia cầm ATSH là áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc giữa gia cầm và mầm bệnh. Trong đó cách thức xây dựng chuồng trại đóng vai trò quan trọng. Chuồng trại nuôi gia cầm ngoài việc phải bảo đảm thoáng mát, khô ráo và sạch sẽ thì cần được hạn chế sự tiếp xúc từ bên ngoài có thể mang mầm bệnh vào.  

Tại diễn đàn, nông dân các tỉnh, thành cũng đã chia sẻ kinh nghiệm về nuôi gia cầm theo hướng ATSH như: Mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học ở huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre); nuôi gà thả vườn hiệu quả cao tại xã Thanh Lương, huyện Bình Long (Bình Phước); nuôi vịt siêu thịt áp dụng biện pháp ATSH tại huyện Mang Thít (Vĩnh Long)…. Đây là những mô hình hiệu quả, đáng để tham khảo, học tập.

T.N

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.