Làng triệu phú

10/10/2011 08:46 GMT+7

Làng Lý Hòa (xã Hải Trạch, H.Bố Trạch, Quảng Bình) được mệnh danh là “làng triệu phú”. Tuy nhiên, làng đang đối diện với những vấn đề hết sức nan giải.

Phố thị giữa làng

Tương truyền, vào năm 1705, ở làng Cương Gián (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) một số người dân rời quê tìm đất mới. Ra đi có 57 người thuộc 3 dòng họ: Hồ, Nguyễn và Phan. Đoàn người xuôi về hướng Nam thì gặp một cửa sông, liền kề với một bãi đất, thế núi kề biển. Thấy địa thế thuận lợi nên họ neo lại chọn làm nơi định cư lâu dài, sinh cơ lập nghiệp. Cuộc sống ngày một đầy đủ hơn, hằng ngày người dân săn bắt chim thú trên rừng, cá tôm dưới biển mà no ấm. Cứ thế làng sầm uất dần theo năm tháng. Khoảng năm 1775, tên làng Lý Hòa xuất hiện với ý nghĩa là sự phồn thịnh, trù phú. Người Lý Hòa khá nổi tiếng với nghề đánh bắt thủy sản, vận tải biển và buôn bán. Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, giới thương thuyền xa gần đều thán phục về sự táo bạo của dân Lý Hòa trong các thương vụ... buôn lậu. Hàng lậu đều đặn được tải về từ Hồng Kông, Nhật Bản. Tuy nhiên đó là chuyện dĩ vãng, còn bây giờ người Lý Hòa chăm lo làm ăn với một tâm thế khác hòa hợp vào thời cuộc thị trường, biết tận dụng những lợi thế tiềm năng của vùng đất để làm giàu.


Người dân Lý Hòa phải mua từng can nước để sử dụng - Ảnh: T.Q.N

Hiện nay, hơn nửa số hộ dân có nhà từ 2 tầng trở lên. Một làng mà có đến cả trăm chiếc xe tải lớn, xe khách, xe ô tô con và xe vận tải nhỏ; nhiều doanh nghiệp tư nhân kinh doanh đa ngành nghề. Chỉ tính doanh thu từ nghề biển thì mỗi năm Lý Hòa đạt khoảng 18 tỉ đồng. Lý Hòa bây giờ như rồng thêm vây, phượng hoàng thêm cánh, sôi động với một loạt ngành nghề mới. Nhiều người đầu tư dây chuyền hiện đại chế biến thủy hải sản, vận chuyển đi khắp nơi. Thu nhập bình quân một lao động từ 17 - 22 triệu đồng/năm. Mỗi năm nộp vào ngân sách Nhà nước từ 1,4 - 1,6 tỉ đồng.

Thiếu đất và thiếu nước

Lý Hòa thiếu nước sạch chứ nước nhiễm mặn thì vô khối, thứ nước ấy chỉ dùng để rửa, còn  dùng cho ăn uống phải mua. Những năm trước đây, người Lý Hòa phải chắt chiu từng giọt nước ngọt. Nước mua từ xã Đồng Trạch bên kia sông Lý Hòa với giá 500 đồng/can, về bán lại 2.500 đồng/can. Nhà ai cũng có những cái thùng to được che chắn cẩn thận, trong đó có cái quý nhất là nước. Bây giờ đã có dự án nước sạch nhưng chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu, nên người Lý Hòa vẫn tiếp tục mua nước.

Một người Lý Hòa tự hào viết rằng: “Không chỉ đẹp nhờ có cả núi, sông, biển, làng Lý Hòa đã trút bỏ dáng vẻ làng quê vốn có và khoác lên mình bộ cánh mới, thành một trong những vùng đất giàu có nhất của tỉnh Quảng Bình”.

Điều nan giải nhất hiện nay là đất ở. Toàn bộ diện tích làng chưa đầy 2 km2 đã hơn một nửa là đất nghĩa địa. Lại thêm quá trình xâm thực của sông và biển đã nuốt không ít ngôi nhà, ăn không ít đất đai. Người dân phải làm kè lấn sông lấn biển. Làng Lý Hòa hiện đại uốn hình vòng cung theo con sông, nhìn từ QL 1A rất đẹp nhưng vào trong mới thấy sự bức bối, ngột ngạt bởi những con hẻm nhỏ vừa đủ lọt chiếc xe máy. Theo thống kê của UBND xã Hải Trạch, hiện Lý Hòa có 2.050 hộ dân với gần 11.000 khẩu nhưng chỉ có 35 ha đất ở.

Một người cao tuổi của làng than thở: “Đất chật người đông sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Nhất là chuyện sinh hoạt, nhà ở liền kề nhau nhưng hệ thống các công trình sinh hoạt không có. Nước không nhiễm mặn thì người dân cũng đối mặt với nước ngầm bị ô nhiễm bởi nghĩa địa và nhà vệ sinh. Giếng đó, mồ mả rồi nhà vệ sinh cũng đó thì không ô nhiễm mới là chuyện lạ”.

Chủ tịch UBND xã Hải Trạch Hồ Thăng Long cho biết: “Quỹ đất ở của làng còn rất ít, mỗi lần đưa ra đấu giá thì người có hoàn cảnh khó khăn như các đối tượng chính sách lại không đủ tiền để tranh đua. Chúng tôi đã trình phương án di dân vào các vùng còn nhiều đất trống như ở Thanh Khê nhưng chưa được chấp nhận”.


Một góc làng Lý Hòa, xã Hải Thạch, H.Bố Trạch, Quảng Bình - Ảnh: T.Q.N

Trương Quang Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.