Nguy cơ bùng phát dịch tay chân miệng

17/11/2014 09:08 GMT+7

Từ giữa tháng 9, tại Đà Nẵng, dịch bệnh tay chân miệng có dấu hiệu gia tăng khá mạnh và trở thành mối lo ngại với các bậc phụ huynh.

Hướng dẫn HS thường xuyên rửa tay sạch sẽ cũng là cách phòng bệnh tay chân miệng - Ảnh: D.H

Chính vì vậy, ngành y tế hết sức khẩn trương triển khai những giải pháp để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh này. Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP.Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, tổng số ca mắc bệnh tay chân miệng tại Đà Nẵng là 1.300 ca. Nhưng số ca mắc tập trung từ đầu tháng 9 đến thời điểm hiện tại, với bình quân mỗi ngày 60 trường hợp. Chính bởi sự gia tăng của dịch tay chân miệng, khiến cho khoa Y học nhiệt đới (Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng) luôn trong tình trạng quá tải bởi lượng bệnh nhân đến khám, điều trị, nhập viện khá đông. Đó là chưa kể đến rất nhiều trường hợp phụ huynh đưa trẻ đi khám bác sĩ tư và khi bệnh ở cấp độ nhẹ thì tự điều trị ở nhà. Những trường hợp phải nhập viện là do không điều trị đúng cách, không phát hiện bệnh sớm gây ra những biến chứng nặng.

Đà Nẵng là địa phương không chỉ điều trị cho bệnh nhân của TP, mà còn tiếp nhận điều trị một lượng lớn bệnh nhân từ các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi. Các ca chuyển viện đều là những trường hợp đã chuyển sang bệnh nặng, nên càng tăng số lượng bệnh nhân nhi điều trị tay chân miệng tại Đà Nẵng. Bên cạnh đó, mang theo mầm bệnh ở các nơi khác vào Đà Nẵng khiến dịch ngày càng lan rộng hơn.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tam Lãm, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm (Trung tâm Y tế dự phòng TP.Đà Nẵng), cho biết qua theo dõi tình hình dịch bệnh các năm, thì thời điểm này được xem là đỉnh dịch thứ 2 trong năm đối với dịch tay chân miệng. Cũng theo ông Nguyễn Tam Lãm, với tình hình thời tiết thất thường như hiện nay, thì nguy cơ dịch bùng phát là vô cùng dễ xảy ra. Chính vì vậy, ngành y tế nói chung và Trung tâm Y tế dự phòng TP.Đà Nẵng nói riêng đã triển khai tổng lực để đối phó, ngăn chặn tình trạng lây lan của dịch bệnh tay chân miệng tại TP.Đà Nẵng. Cùng với việc tập trung điều trị bệnh nhân, không để xảy ra trường hợp bệnh nhân tay chân miệng bị những ảnh hưởng của biến chứng nặng, thì ngành còn tập trung tuyên truyền, giám sát, xử lý nhửng ổ dịch, tư vấn cho người nhà bệnh nhân có thể chăm sóc tốt bệnh nhân. Bên cạnh đó, ngành y tế còn phối hợp với Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng tăng cường công tác giám sát tại các trường học, nhất là bậc học mầm non; hướng dẫn học sinh giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để hạn chế sự xâm nhập của dịch bệnh này.    

Trong khi đó, ông Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.Đà Nẵng khuyến cáo ngay khi phát hiện trẻ có dấu hiệu sốt, mệt mỏi, và phát mụn nước ở vòm miệng, lưỡi, tay, chân... cần phải nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị đúng cách.

Diệu Hiền

>> Bệnh tay chân miệng tăng đột biến ở TP.HCM
>> Số ca bệnh tay chân miệng tăng cao ngay đầu mùa dịch
>> Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng
>> Sản xuất vắc xin phòng bệnh tay chân miệng
>> Số ca tay chân miệng nhập viện cao hơn sởi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.