Những người đam mê đình làng Việt

05/01/2015 09:39 GMT+7

Một nhóm người có lòng đam mê các kiến trúc cổ của đình làng Việt đã tự nguyện bỏ công sức và khoản kinh phí không nhỏ để nghiên cứu về di sản văn hóa độc đáo này. Họ lập ra ngôi nhà chung là Facebook Đình làng Việt với nhiều hoạt động thú vị.

Một nhóm người có lòng đam mê các kiến trúc cổ của đình làng Việt đã tự nguyện bỏ công sức và khoản kinh phí không nhỏ để nghiên cứu về di sản văn hóa độc đáo này. Họ lập ra ngôi nhà chung là Facebook Đình làng Việt với nhiều hoạt động thú vị. 

 Từ việc tìm hiểu về đình làng, người thăm quan thấy trân trọng hơn di sản văn hóa Việt
Từ việc tìm hiểu về đình làng, người thăm quan thấy trân trọng hơn di sản văn hóa Việt - Ảnh: Quốc Vũ
Thành viên của nhóm có đủ mọi thành phần, người là nhà nghiên cứu, người chỉ làm nghề tự do, có cả những người còn đang là sinh viên, nhưng có chung một niểm đam mê nên họ thân thiết như người trong một gia đình. Facebook này là nơi kết nối họ lại với nhau. Những tâm sự chia sẻ không ngoài chủ đề văn hoá đình làng. Qua face, họ thông báo cho nhau những kế hoạch của nhóm, đồng thời trao đổi với nhau về những kết quả nghiên cứu. Qua đó, có thể giúp cho nhà quản lí đưa ra những chính sách về bảo tồn, tôn tạo các di tích văn hoá.
Tháng 11.2014, họ đã thực hiện thành công 2 chuyến điền dã, từ đình Tây Đằng (Hà Nội) tới đình Ngọc Canh, Thổ Tang (Vĩnh Phúc), khiến người tham gia cảm thấy đình làng Việt có một sức cuốn hút kì lạ. Họ đã cho ra đời một “kho” ảnh khá phong phú khiến người xem không khỏi ngỡ ngàng và bất ngờ trước những công trình sáng tạo kì vĩ của cha ông.
Điểm nổi bật của đình làng là các khối mảng chạm khắc tinh xảo của các nghệ nhân dân gian. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình, Trường ĐH Mỹ Thuật Việt Nam nhận xét: “Những mảng chạm khắc ấy thể hiện khát vọng của người nông dân thời kì văn minh lúa nước, nó trong sáng hồn nhiên như ước mơ con người, được bay lên uốn lượn cùng những chiếc râu rồng, vần xoay, uyển chuyển cùng vũ điệu của phượng múa. Song để kiến giải được những điều sâu kín, ẩn chứa trong những mảng chạm khắc ấy không thể phán đoán một cách hồ đồ. Có thể phải mất nhiều thời gian lắm các nhà nghiên cứu mới đưa ra được đáp án, dựa vào những căn cứ mang tính khoa học và niên đại của tác phẩm…”
Điều đáng nói, những phát hiện của nhóm, có thể không mang tầm vĩ mô như một dự án nghiên cứu nào đó, nhưng điều quan trọng là từ những chuyến đi này người ta cảm thấy yêu hơn văn hóa Việt. Đến đâu đoàn cũng được đón tiếp nồng hậu, hướng dẫn, chỉ bảo, giới thiệu di tích một cách tỉ mỉ, chu đáo. Được thưởng thức món bánh hòn, cháo se, một đặc sản của Hương Canh (Vĩnh Phúc), đã để lại những kỷ niệm khó quên…
Điều thú vị hơn là sự cống hiến nhiệt tình của các thành viên trong nhóm mà phải kể đến đầu tiên là vợ chồng nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình. Cả 2 vợ chồng ông đều công tác trong lĩnh vực mỹ thuật, nên đều có lòng đam mê với các kiến trúc cổ. Họ đã khởi xướng và mang đến cho các thành viên của nhóm sức lôi cuốn kỳ lạ. Chính vì thế, diễn đàn của ông không chỉ thu hút giới nghệ sĩ mà còn lôi kéo được cả những người ngoại đạo. Anh Nguyễn Văn Khởi- một người mới ngoài 30 tuổi, làm nghề máy khâu ở tận Thái Bình cũng lặn lội đêm hôm từ quê lên Hà Nội để tham gia chuyến đi, với bộ đồ nghề chụp ảnh như dân chuyên nghiệp. Hoặc anh Nguyễn Hoài Nam, cũng là một người làm nghề tự do, nhưng đam mê nghệ thuật đã rong ruổi cùng đoàn để ghi lại những nét văn hóa độc đáo của đình làng thông qua nhiếp ảnh. Đặc biệt, trong chuyến đi này, có rất nhiều người trẻ, họ là những hoạ sĩ, nhà báo, sinh viên luôn có những đam mê, trăn trở về mĩ thuật của đình làng. Họ tự bỏ kinh phí tham gia một cách hào hứng và say mê. Điều đó cho thấy di sản văn hóa của cha ông không chỉ cần được gìn giữ mà cần được lan tỏa bằng nhiều những hoạt động như thế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.