Tri ân bậc tiền nhân
Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và nghệ nhân Cao Văn Lầu - Ảnh T.T.P |
Được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh từ năm 1997, đến năm 2013, Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và nghệ nhân Cao Văn Lầu được trùng tu và mở rộng với diện tích 12.500 m2, tổng mức đầu tư hơn 70 tỉ đồng. Công trình gồm các hạng mục: đài phun nước nghệ thuật, đài nguyệt cầm; tượng bán thân nhạc sĩ Cao Văn Lầu; nhà trưng bày tài liệu, hiện vật, hình ảnh các nhạc sĩ; vườn tượng các loại nhạc cụ dân tộc; nhà trưng bày nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và sân khấu cải lương; sân khấu biểu diễn ĐCTT…
Đặt chân đến Khu lưu niệm, du khách sẽ ấn tượng với bản chuẩn Dạ cổ hoài lang - “bản nhạc lòng” bất hủ đã thăng hoa trở thành bản vọng cổ - được lồng khung với chữ khắc bằng vàng cùng với bức tượng bán thân của người nghệ nhân tài hoa sáng tạo ra nó được đặt trang trọng trong khu vực đặc biệt trưng bày về ĐCTT, cải lương nhằm thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Bên cạnh đó, còn có những hạng mục, công trình giúp người thưởng lãm có cái nhìn khá đầy đủ về cuộc đời, sự nghiệp của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, về nghệ thuật ĐCTT Nam bộ như vườn tượng các loại nhạc cụ dân tộc được chạm khắc bằng đá xanh Thanh Hóa, ở vị trí trung tâm có 4 nhạc cụ tứ tuyệt trong ĐCTT (đờn tranh, đờn kìm, đờn cò và đờn bầu).
Không gian đậm chất tài tử
Trong khuôn viên Khu lưu niệm, tại tượng đài ống tre, lối vào chính phía trên của nhà hành chính là cầu thang lên khu vực có biểu tượng cây đờn kìm và hình ảnh nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Cây đờn kìm được cách điệu từ đốt tre và xung quanh phần đài ống tre khắc họa 20 bản tổ của ĐCTT: 3 bản Nam, 6 bản Bắc, 4 bản Oán và 7 bản lớn. Đặc biệt, các bậc thang trên đài ống tre dẫn lên khu đặt lư hương để mọi người hành lễ, tưởng niệm được bố trí theo các bậc số: 2, 4, 6, 8, 16, 32 và 64 - tượng trưng cho cung bậc, nhịp phách của ca cổ, cải lương tương ứng với từng nghệ nhân sáng tác. Đó là nhịp 2 của Cao Văn Lầu, nhịp 4 của Trịnh Thiên Tư, nhịp 8 của Lư Hòa Nghĩa, nhịp 16 của Mộng Vân, nhịp 32 của Trần Tấn Hưng và nhịp 64 của Lý Khi. Nơi đây quả thật là một không gian hữu tình đậm chất tài tử!
Còn nhiều nét hấp dẫn khác mà chỉ khi được đặt chân vào Khu lưu niệm, mọi người mới có thể cảm nhận hết “hơi thở”, không gian sống động của nghệ thuật ĐCTT được tái hiện lại. Thật đúng với chủ đề mà Festival ĐCTT quốc gia lần thứ nhất đã chọn, Bạc Liêu không chỉ có những con người nghĩa tình, hiếu khách, lịch thiệp, mà còn có cả những công trình văn hóa - nghệ thuật đậm chất “Tình người, tình đất phương Nam”. Khu lưu niệm này là điểm du lịch đặc biệt của Bạc Liêu.
Mới đây, tại buổi khánh thành, bà Nguyễn Thị Ái Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Tổ chức Festival ĐCTT quốc gia, cho rằng Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và nghệ nhân Cao Văn Lầu sẽ như một bảo tàng chuyên đề về ĐCTT Nam bộ, về cải lương, vọng cổ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Mục đích của việc làm này để ghi nhớ, vinh danh công ơn của những bậc tiền nhân đã dày công làm cho đất Nam bộ, đất Bạc Liêu thêm nhân văn và chan chứa tình người. Dịp này, Bộ VH-TT-DL đã trao quyết định xếp hạng Khu lưu niệm là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Trần Thanh Phong -Tiến Trình 2: Khu vườn tượng các loại nhạc cụ dân tộc (ảnh: T.T.P)
Bình luận (0)