Hiện có rất nhiều dự án du lịch đang được UBND tỉnh Bình Thuận cấp phép tại khu vực này. Tiềm năng du lịch của Mũi điện Kê Gà đang trở thành hiện thực.
Tiềm năng biển
|
Du khách đến Mũi điện Kê Gà được thưởng thức nhiều món ngon từ biển. Dân chài ở thôn Kê Gà (thuộc xã Tân Thành, H.Hàm Thuận Nam) chủ yếu đánh bắt gần bờ. Từ sáng sớm tinh mơ, những chiếc thuyền thúng cập vào bờ bán cá. Chợ cá không đông lắm, nhưng có đủ thứ hải sản từ biển, tươi roi rói. Những con cua, ghẹ còn bò lổn ngổn trong thúng như mời gọi du khách. Mới hừng đông, những cặp vợ chồng trẻ gỡ lưới trên bãi cát trắng mịn, nở nụ cười tươi đón du khách. Những đứa trẻ nô đùa, nhảy cò, chơi ô quan trên bãi cát, tạo nên cảnh yên bình lạ thường trên biển Mũi điện Kê Gà.
|
Nhiều người ví von: “Nếu du khách đến đây mà chưa đến tham quan ngọn hải đăng Kê Gà, coi như chưa đến biển Kê Gà”. Chỉ cần bỏ vài chục nghìn đồng, ngư dân sẽ đưa khách lên những chiếc thuyền nhỏ vượt qua eo biển chừng vài trăm mét để tiếp cận đảo nhỏ có ngọn hải đăng hùng vỹ. Nếu vào ngày con nước cạn, du khách có thể đi bộ theo triền cát lên đảo mà chỉ mất chưa đầy nửa tiếng. Du khách có thể vào bên trong ngọn tháp hải đăng, leo lên 183 bậc thang xoáy chôn ốc, đến ngọn đèn và ngắm toàn cảnh biển Mũi điện Kê Gà.
Theo những người già sống lâu năm ở đây, do đặc thù của vùng biển Kê Gà thường có sóng rất to, dòng chảy xiết và nhiều đá ngầm nên cực kỳ nguy hiểm. Từ hàng thế kỷ trước, khi người Pháp vận chuyển vũ khí theo đường biển, rồi những con tàu buôn to qua lại vùng này, không xác định được tính chất phức tạp của dòng nước nên đã bị đắm chìm xuống đây. Ngay cả khi xây dựng ngọn hải đăng cao nhất Đông Nam Á này, nhiều công nhân, kỹ sư người Pháp đã phải bỏ mạng nơi đây. Hiểu được điều này, nên người Pháp đã cho thiết kế và chở vật liệu sang xây dựng ngọn hải đăng này nhằm cảnh báo cho tàu thuyền đi theo hướng từ Vũng Tàu ra Phan Rang né tránh không va phải đá ngầm.
Phát huy lợi thế
Không chỉ có biển, mà Mũi điện Kê Gà còn là điểm đến của di tích văn hoá và tâm linh. Phía đối diện ngọn hải đăng có một ngôi Miếu được dân chài nơi đây xây dựng từ hàng chục năm nay. Ông Năm Giang, một người phụ trách cúng tế ngôi Miếu cho biết: “Hàng năm, cứ vào ngày 20 tháng Giêng là ngày ngư dân cúng vía Ông (cá Voi). Ngày Rằm tháng Tư là ngày cúng vía Bà (cá voi cái). Mấy năm gần đây, năm nào cũng có vài ba Ông vào với bà con vùng biển của chúng tôi. Trước khi Ông vào (cá voi chết trôi dạt vào bờ biển- PV) chừng 2 ngày, thế nào cũng có sóng to gió lớn”.
Chị Yến Ngọc, chủ đầu tư một dự án du lịch tại Mũi điện Kê Gà, cho biết: “Trước đây biển Kê Gà như một vùng biển “chết” mà không ai để ý. Bây giờ, UBND tỉnh Bình Thuận đang dần hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho toàn khu vực. Nhiều dự án đã bắt tay vào xây dựng. Mỗi tuần, Mũi điện Kê Gà đã đón hàng nghìn lượt du khách đến thăm quan bãi biển và ngọn hải đăng. Tiềm năng du lịch của vùng biển này là rất lớn. Nơi đây không chỉ có phong cảnh non nước hữu tình, mà còn là nơi có truyền thuyết văn hoá tâm linh được lưu truyền từ bao thế hệ nay. Nếu được đầu tư và khai thác đúng mức, tôi tin Mũi điện Kê gà sẽ không thua gì Mũi Né”.
Quốc Hanh
Bình luận (0)