VN có nhiều loại trái cây nhiệt đới mà các nước không thể cạnh tranh nhưng hiện chỉ mới xuất khẩu được rất ít, như thanh long vào Mỹ, Nhật, Hàn Quốc. Chôm chôm, nhãn xuất sang Mỹ và xoài thâm nhập thị trường New Zealand, nhưng số lượng chưa nhiều. Thị trường tiêu thụ trái cây lớn nhất hiện nay vẫn là xuất tiểu ngạch vào Trung Quốc, nhưng luôn bấp bênh.
|
Lý giải về tình trạng này, TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam, cho rằng xuất phát từ việc thị trường Trung Quốc dễ dãi, không cần thương hiệu và cũng không đòi hỏi xuất xứ hàng hóa như nhiều nước khác. Chính điều này đã tập cho nông dân thói quen sản xuất mà không quan tâm đến chất lượng và thương hiệu, hễ cái gì bán được thì cứ trồng, hoặc thấy ai trồng cây gì hiệu quả thì bắt chước trồng theo. Hậu quả là mỗi khi thị trường biến động, cung vượt cầu, thì nông dân sẽ là người đầu tiên phải gánh chịu thiệt hại.
Thật đáng tiếc khi tiềm năng trái cây của VN có nhiều lợi thế, nông dân vùng ĐBSCL nhiều kinh nghiệm sản xuất giỏi, đặc biệt là kỹ thuật xử lý ra hoa nghịch vụ đối với nhiều loại trái cây như sầu riêng, xoài, bưởi, chôm chôm… Vậy mà tình trạng trái cây bị “dội chợ” vẫn cứ lặp đi lặp lại do thị trường tiêu thụ bị phụ thuộc, nông dân thì mạnh ai nấy trồng.
TS Lê Hữu Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang, thì cho rằng tình trạng giá nông sản cứ bấp bênh là do hệ thống phân phối của mình còn quá dở. “Không chỉ chuyện xuất khẩu mà ngay ở thị trường nội địa cũng thiếu sự liên kết giữa các vùng miền. Chính vì vậy mà vào mùa thu hoạch rộ, trong khi trái cây ở vùng này ế ẩm, nông dân khóc ròng vì bán như cho, thì ở vùng khác lại không có, hoặc có thì giá rất cao. Cái dở này là do khâu vận chuyển và phân phối, mà vận chuyển và phân phối lâu nay hoàn toàn do thương nhân làm. Hậu quả là khi nhãn rớt giá thì nông dân đốn nhãn, trồng sầu riêng. Lúc sầu riêng ế ẩm thì đốn sầu riêng trồng nhãn. Cái vòng luẩn quẩn cứ lặp đi lặp lại”, TS Hải nói.
Để không tái diễn tình trạng được mùa mất giá, TS Nguyễn Minh Châu cho rằng dứt khoát phải quy hoạch lại vùng nguyên liệu để tạo ra sản lượng lớn và sản xuất theo quy trình chung, đồng thời phải tập hợp nông dân lại theo mô hình hợp tác xã. Không thể chậm hơn nữa việc xây dựng thương hiệu cho trái cây, bởi xu hướng tiêu dùng của thế giới bây giờ không chỉ là an toàn mà còn phải ngon và rẻ. Mà muốn có giá thành rẻ thì phải trồng quy mô và đúng quy trình kỹ thuật để có năng suất cao. Hơn nữa, nếu thông qua hợp tác xã thì đường đi của trái cây sẽ ngắn hơn, giá sẽ cạnh tranh hơn vì bớt khâu trung gian.
Tồn tại lớn nhất hiện nay là chưa có sự liên kết giữa nông dân với nông dân và cũng chưa có sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, chủ yếu là nông dân phải “tự bơi”. Để thoát khỏi tình trạng trúng mùa mất giá, theo TS Nguyễn Minh Châu thì mô hình xuất khẩu trái cây của New Zealand là rất đáng học tập. “New Zealand chỉ có 2 công ty chuyên xuất khẩu trái cây nhưng là 2 thương hiệu lớn của thế giới. Chính phủ New Zealand xác định táo và kiwi là sản phẩm chủ lực quốc gia, vì vậy đã giao nhiệm vụ xuất khẩu táo cho Công ty Enza, còn kiwi thì do Zespri đảm nhiệm. Nghe thì hơi lạ nhưng đây là mô hình rất thành công. Không có chuyện mạnh ai nấy làm và tranh giành xuất khẩu chỉ vì lợi ích riêng”, TS Châu nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Hoàng Phương
>> Xuất khẩu trái cây, tôm cá khả quan
>> Mở thêm thị trường cho trái cây
>> Thê thảm giá trái cây
Bình luận (0)