Tôi ở… Thượng Thành

19/06/2013 10:29 GMT+7

Cuộc sống khổ cực, môi trường bị ô nhiễm, không gian sống chật chội, nhếch nhác, đó chính là thực trạng mà người dân sống tại Thượng Thành - Eo Bầu thuộc kinh thành Huế phải chịu đựng nhiều năm qua.

Tôi ở… Thượng Thành

Nước thải và rác rưởi trên khu vực Thượng Thành tuôn ra một hồ rau muống bên dưới - Ảnh: M.Trang

Sống chung với rác, chuột

Năm nay tôi mới ngoài 20 tuổi, khi tôi chào đời đã có hàng trăm gia đình sinh sống ở khu vực Thượng Thành, Eo Bầu. Từ vài tuổi tôi bắt đầu làm quen với ruồi nhặng, chuột và cả mùi hôi thối xộc ra từ các bãi rác trong xóm. Lớn lên tôi hỏi ngoại, ngoại bảo sống trên thành là sống tạm bợ. Phần lớn người dân lao động chân tay, suốt ngày quần quật tìm cái ăn thế nên chuyện nhà cửa gia đình đôi lúc thiếu quan tâm. Từ nhỏ tôi đã sống với cố và ngoại. Nghe ngoại kể xưa kia cả nhà 8 người sống trong một ngôi nhà xập xệ chừng 10m2, nằm ngay trong khuôn viên của chợ Xếp thuộc P.Thuận Lộc, TP.Huế. Về sau ngoại chắt chiu được ít tiền mua được mảnh đất trên Thượng Thành để cả nhà cư ngụ hơn gần 30 năm nay. Từ cố đến bọn chúng tôi thành ra 4 thế hệ “tứ đại đồng đường” cùng sống trong một ngôi nhà rộng chỉ gần 70m2 trên Thượng Thành của kinh thành Huế.

 

Theo Quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc phê duyệt dự án đầu tư bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế, số hộ dân dự kiến giải toả di dời ở khu vực Thượng Thành, Eo Bầu đến khu vực tái định cư là 876 hộ trong tổng số 1.035 hộ bị ảnh hưởng. Tổng mức đầu tư dự án trên 1.282 tỉ đồng, trong đó hợp phần bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư trên 784 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2011 đến năm 2015.

 Đ.Toàn

Ngay trước mặt nhà chúng tôi, chỉ cần ngước mắt nhìn quanh cũng dễ thấy mấy chục nóc nhà tôn tre tạm bợ. Những ngày này khi cả thành phố đang hứng chịu cái nắng như thiêu đốt, thì chúng tôi luôn phải thoát ra khỏi nhà, tìm những bóng râm hay điểm nào đó gần mặt hồ để “tám” chuyện. Mùa hè là thế, đến mùa đông lại vất vả hơn nữa. Còn đêm đêm tiếng chuột chạy ầm ầm trên mái nhà, la phông. Từ nhỏ tôi đã “hấp thu” thứ âm thanh ấy, y như rằng không có tiếng đó thì giấc ngủ không tròn vậy. Chuyện vệ sinh thì nơi đây một minh chứng cho sự ô nhiễm. Cả xóm chỉ có một cái nhà vệ sinh chung tạm bợ được che bằng 1 tấm bạt rách rưới ở phía trước, 2 bên chính là 2 vách của bờ thành cũ kỹ, còn phía sau là một khoảng trống mênh mông. Phía dưới nhìn lên, phía trên nhìn xuống đều… thấy rất rõ. Nhà nào có điều kiện thì xây nhà vệ sinh riêng, không thì dùng chung cái “toilet công cộng” đó. Cạnh đó là những đống rác khổng lồ. Khi trời mưa, nước bẩn từ đống rác tuôn chảy len lỏi xuống những cái hồ ra muống. Dưới hồ sáng sáng người ta lại đến hái rau mang ra chợ…

Thấp thỏm “an cư”

Phần lớn các hộ dân sinh sống trên Thượng Thành đã cư ngụ ổn định từ lâu, có nhiều hộ sống từ trước 1975. Năm 1993, khi quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Thượng Thành nằm trong khu vực I vùng bảo vệ di tích.

Đã mấy chục năm qua, người dân ở đây phải sống trong nỗi lo sợ thiên tai. Mỗi lúc mưa to gió lớn là nhà nào nhà nấy đều sợ lắm, sợ “tổ ấm” của mình không đủ sức chịu đựng những cơn gió, cơn bão mạnh hoành hành. Sợ quá thì sửa tạm để chống gió bão, bởi không ai dám xây kiên cố. Phần do quy hoạch, phần do phí phạm khi sau này giải tỏa. Chính thế mà bà con luôn thấp thỏm chuyện “an cư”. Nghe chính quyền địa phương nói chuyện giải tỏa nơi đây đã 18 năm rồi, nhưng đâu vẫn vào đấy. Mỗi lúc nhận được tờ giấy mời họp từ ủy ban phường về việc giải tỏa rồi kê khai tài sản, thì ai ai cũng đều háo hức lắm. Nhưng họp lần này rồi lại họp lần khác, vẫn ở mãi nơi đây. “Nghe nói mai mốt họ đưa mình ra định cư ở phường Phú Hậu hay Hương Sơ chi đó. Thôi thì ráng đợi”, dì Thu ở cạnh nhà ngoại thường nói câu này với mấy cô chú trong xóm.

Với người lớn không biết cái từ “mai mốt” mà dì Thu nói họ nghe bao nhiêu lần rồi, còn tôi thì không nhớ rõ vì quá nhiều. Thấp thỏm chờ tái định cư nên rất nhiều gia đình nhà rộng chừng 60 - 70m2 mà có đến 8 - 9 người ở. Nhà chỉ có thể kê 3 cái giường. Chuyện ngủ ngấy khó khăn mà chuyện sinh hoạt vợ chồng càng tế nhị và khó khăn hơn. Phòng riêng của những đôi vợ chồng chỉ là một góc nhà, kê vừa đủ chiếc giường ngủ được che đậy bởi chiếc tủ áo quần và tấm màn mỏng manh. Chuyện “phòng the” của vợ chồng là nỗi ám ảnh của không chỉ người trong cuộc mà “ngượng chín mặt” cả với những người qua lại.

Mấy năm gần đây đám thanh thiếu niên lạ hoắc từ đâu tới khu vực chúng tôi tiêm chích thản nhiên như chỗ không người. Hưng, thằng bạn ở cách nhà tôi mấy bức vách khi kể về tình trạng này nó còn sởn gai ốc. “Có lần một con nghiện bị sốc thuốc nặng. Ôm cánh trên tay đang chảy máu hắn chạy ào vô nhà xin nước. Mình đưa nước uống cho hắn mà run cầm cập, nhất là khi nhìn đôi mắt hắn phê lim dim. Hắn lấy gáo nước nuốt ừng ực, rồi tưới lên chỗ vết thương đang chảy máu. Ngay cả khi hắn đi thật xa mình vẫn còn sợ.”, Hưng rùng mình.

Minh Trang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.