Trẻ khiếm thị được học hát xẩm

22/10/2014 14:50 GMT+7

Một lớp dạy hát xẩm miễn phí đang được triển khai cho các học sinh trường khiếm thị Hải Phòng.

Thầy trò anh Đào Bạch Linh biểu diễn tại Hội diễn văn nghệ của Hải Phòng - Ảnh: L.T
Thầy trò anh Đào Bạch Linh biểu diễn tại Hội diễn văn nghệ của Hải Phòng - Ảnh: L.T 

“Dự án” này bắt đầu từ ý tưởng của anh Đào Bạch Linh, 32 tuổi, hiện là chuyên viên của Sở Ngoại vụ Hải Phòng. Anh còn được gọi là Linh Xẩm, một người có duyên và tâm huyết với hát xẩm.

Gần chục năm trước, khi còn là sinh viên ngành công nghệ thông tin tại Hà Nội, anh đã cất công tìm kiếm và học hỏi các nghệ nhân hát xẩm. Anh đã gặp nghệ nhân Hà Thị Cầu và được bà truyền dạy. Anh cũng được gặp nghệ nhân mù Lý Văn An tại Hải Phòng. Cuộc gặp gỡ này khiến anh nảy ra ý tưởng dạy hát xẩm cho học sinh khiếm thị. Và lớp dạy hát xẩm dành cho học sinh trường khiếm thị Hải Phòng đã ra đời vào tháng 11.2013.

Thầy Nguyễn Văn Chuyền, Hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng, cho biết khi anh Linh đặt vấn đề, nhà trường rất ủng hộ và ngay sau đó lớp học được triển khai. Kết quả là trong lễ khai giảng vừa qua, khi các học viên của nhóm hát xẩm lên biểu diễn, các em đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của toàn trường.

Nhờ được dạy dỗ, nhiều học sinh khiếm thị đã phát huy được năng khiếu của mình. Học sinh Đặng Văn Điều (quê ở xã Thái Sơn, H.An Lão,TP.Hải Phòng) là một trong những học trò như thế. Vào trường khiếm thị đã 12 năm và có năng khiếu về âm nhạc, Điều từng tự đi bán tăm, hát rong để kiếm sống. Khi được dạy, năng khiếu, cộng với sự chăm chỉ rèn luyện đã khiến Điều trở thành một người hát xẩm có nghề.

Học sinh Ngô Thị Ngọc Huyền (13 tuổi, quê ở xã An Thắng, H.An Lão, TP.Hải Phòng) cũng là một trường hợp đặc biệt. Huyền là người nhỏ tuổi nhất lớp, do sinh non tới 5 tháng nên em bị mất thị lực hoàn toàn và không thể chữa khỏi. Tuy thiệt thòi nhưng, từ nhỏ, Huyền luôn tự lập và đặc biệt rất đam mê ca hát.

Chị Hoàng Thị Thơm, mẹ của Huyền, kể: “Thấy con đam mê ca hát và có năng khiếu, gia đình luôn tạo điều kiện tốt nhất cho cháu. Khi được biết, thầy Linh đang dạy hát xẩm cho trẻ em khiếm thị, tôi đã dẫn cháu đến xin học. Huyền học hát xẩm rất nhanh và tỏ ra thích thú”.

Tháng 8.2014 vừa qua, anh Linh và hai học trò Đặng Văn Điều, Ngô Thị Ngọc Huyền đã đoạt giải vàng tại Hội diễn nghệ thuật Nghị lực và tình thương lần thứ 2, do Hội người khuyết tật VN tổ chức.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Anh Tuân, Giám đốc Sở Ngoại vụ Hải Phòng, bày tỏ sự ủng hộ đối với anh Đào Bạch Linh trong việc truyền bá niềm đam mê hát xẩm. “Linh hiện là chuyên viên tin học của chúng tôi, hoạt động hát xẩm được anh ấy triển khai ngoài giờ làm việc và chúng tôi coi đó là một việc tốt nhằm bảo tồn văn hóa, góp phần vào công tác đối ngoại”, ông Tuân nói.

Lê Tân

>> Truyền dạy hát xẩm cho học sinh tiểu học
>> Mỹ Linh 'cúi đầu' nghe Hoài Lâm hát xẩm
>> Nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu qua đời
>> Nhà thơ Nguyễn Duy... hát xẩm
>> Người đàn ông hát xẩm giữa đêm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.