Triển vọng từ đề án tôm - lúa

15/03/2013 10:16 GMT+7

Tuy đạt hiệu quả khá cao trong 2 lĩnh vực nuôi tôm và trồng lúa, song năng suất bình quân tôm - lúa của Cà Mau vẫn thấp hơn so với cả nước và các tỉnh thành ĐBSCL. Đề án tôm - lúa ra đời đã tạo một bước đột phá trong phát triển kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Triển vọng từ đề án tôm - lúa
Mô hình tôm - lúa đang được triển khai thực hiện có hiệu quả ở Cà Mau

Triển vọng từ đề án tôm - lúa
Nhiều mô hình tôm - lúa kết hợp nuôi cua, cá được nông dân áp dụng thành công

Hướng đi mới

Nhằm làm chuyển biến rõ rệt trong sản xuất tôm - lúa, năm 2009, UBND tỉnh Cà Mau đã ký quyết định phê duyệt đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất tôm - lúa tỉnh Cà Mau giai đoạn 2009 - 2012, định hướng đến năm 2015”. Theo đó, đến năm 2012, năng suất tôm tăng khoảng 20%, đến năm 2015 là 30%; năng suất lúa tăng khoảng 15%, đến năm 2015 là 25% so với năm 2008, tạo tiền đề vững chắc cho phát triển ở những năm tiếp theo...

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đã tăng cường năng lực và cơ sở vật chất cho lực lượng khuyến nông, khuyến ngư, quản lý nhà nước trong lĩnh vực giống từ tỉnh đến cơ sở. Bên cạnh đó, tỉnh cũng xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất tôm giống, giống lúa chất lượng cao, mô hình nuôi tôm công nghiệp, nuôi quảng canh cải tiến năng suất cao, tôm sinh thái, tôm - lúa, mô hình liên kết “4 nhà”, mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả…

Thời gian qua, một số vấn đề lớn đã được tỉnh tập trung thực hiện. Đối với con tôm, Cà Mau tiếp tục nâng cao chất lượng tôm giống; sắp xếp lại các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống trong tỉnh; công bố rộng rãi các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống đạt chất lượng để người nuôi tôm biết... Đối với lúa, hỗ trợ giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng cho hộ sản xuất giống; đầu tư trại sản xuất giống; xây dựng mạng lưới sản xuất lúa giống cộng đồng và mạng lưới cung cấp giống vệ tinh đảm bảo chất lượng; nâng cao trình độ chuyên môn, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất…

Hiệu quả cao

Cà Mau có lợi thế với hơn 294.000 ha nuôi trồng thủy sản và hơn 97.000 ha canh tác lúa. Thêm vào đó, cơ cấu mùa vụ phong phú, với các hình thức như lúa mùa, lúa lấp vụ 2, 1 vụ lúa - 1 vụ màu… Qua hơn 3 năm triển khai, đề án tôm - lúa đã tạo ra bước chuyển biến rõ rệt. Năng suất lúa bình quân từ 3,65 tấn/ha tăng lên 4,36 tấn/ha; năng suất tôm từ 356 kg/ha tăng lên 471 kg/ha. Tính đến cuối năm 2012 đã có 70% số hộ nuôi tôm, trồng lúa nắm vững các quy trình, kỹ thuật cơ bản trong sản xuất.

H.Trần Văn Thời là điạ phương có nhiều mô hình sản xuất mới, điển hình như trang trại với quy mô lớn, HTX nông nghiệp. HTX 26.3 (ở ấp Minh Hà B, xã Khánh Bình Đông) là một trong những HTX tiêu biểu của tỉnh. Năm 2000, ấp Minh Hà B đã chuyển dịch cơ cấu từ trồng lúa sang nuôi tôm. Nông dân mạnh dạn đưa vào thử nghiệm các mô hình sản xuất, góp phần phá vỡ thế độc canh, đa dạng hóa các ngành nghề kinh tế ở nông thôn. Bước đầu, con tôm đã giúp nhiều nông hộ thoát nghèo. Thế nhưng không lâu sau, nguy cơ tái nghèo nơi đây lại rất cao, bởi con tôm chưa phù hợp với vùng đất phèn nặng. Hiện nay, vùng đất này đã hoàn toàn thay da đổi thịt từ đề án tôm - lúa. Anh Hoàng Văn Tuấn, xã viên HTX 26.3, cho biết năm nay, mô hình lúa - tôm kết hợp của gia đình anh cho năng suất khá cao. Vừa thu hoạch hết vụ tôm, anh thả tiếp lứa cá chẽm. Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó chủ nhiệm HTX 26.3, không giấu được niềm vui: “HTX thành lập năm 2011, đến nay có tất cả 13 xã viên, với tổng diện tích 32,5 ha. Có nằm mơ tôi cũng không ngờ vùng đất phèn như Khánh Bình Đông, xưa kia ví như đất “cầm trâu” mà nay lại phát triển kinh tế theo mô hình lúa - tôm có hiệu quả thế này”.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Dũng, qua 3 năm thực hiện đề án tôm-lúa, tỉnh đã gặt hái được những kết quả khả quan và tích cực. Phấn đấu từ nay đến năm 2015, năng suất tôm nuôi toàn tỉnh bình quân đạt 640 kg/ha; năng suất lúa 4,55 tấn/ha; trên 90% số hộ nuôi tôm, trồng lúa nắm vững các quy trình kỹ thuật sản xuất cơ bản...

Chí Tín

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.