“Vua” tôm giống

09/05/2013 10:08 GMT+7

Nhờ áp dụng quy trình sản xuất tôm sú giống chất lượng cao, mang lại nguồn thu nhập hàng chục tỉ đồng mỗi năm, ông Dương Văn Hùng (ngụ ấp Bình Điền, xã Long Điền Tây, H.Đông Hải, Bạc Liêu) được người nuôi tôm ở miền Tây gọi là “vua” tôm giống.

Từ nhổ răng thành… “vua” tôm giống

Ông Hùng quê ở Hậu Giang, trước khi trở thành “vua” tôm giống, cuộc sống gia đình ông rất nghèo khó. Trước năm 1980, có một thời gian dài ông đi dạy học, nhưng đồng lương giáo viên lúc bấy giờ không đủ sống, ông đã “học lóm” thêm nghề nhổ, trám răng. Sau đó, gia đình ông “khăn gói” xuống tận vùng đất ven biển Bạc Liêu để mưu sinh. Ông Hùng kể: “Khoảng năm 1983, trong lần tình cờ đi nhổ răng cho một kỹ sư chuyên sản xuất tôm giống tại thị trấn Gành Hào (nay thuộc H.Đông Hải), tôi được mách nghề sản xuất tôm giống đang ăn nên làm ra. Từ đó, tôi ấp ủ ý định đổi đời nhờ sản xuất tôm giống”.

Qua tìm hiểu, ông quyết định gom hết tiền dành dụm bao năm ra tận các tỉnh miền Trung mua tôm giống về thuần, bán lại cho bà con kiếm lời. Thời điểm đó, ở các tỉnh miền Tây không có doanh nghiệp hay hộ nào sản xuất được tôm sú giống. Trước tình trạng nguồn tôm giống “cung không đủ cầu”, ông đã tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm về mở cơ sở sản xuất tôm giống tại Bạc Liêu. Nghề sản xuất tôm sú giống rất gian nan nhưng bằng quyết tâm vượt lên chính mình, ông đã đạt được thành công. Từ một trại tôm giống nhỏ ban đầu, đến nay ông trở thành chủ DNTN tôm giống Dương Hùng, với quy mô khu sản xuất lên đến 20 ha. Trong đó, ông xây dựng 70 trại sản xuất tôm giống, với 1.400 hồ, mỗi hồ sản xuất từ 400.000 - 500.000 con giống. Trung bình mỗi năm ông bán ra thị trường gần 2 tỉ con tôm giống.

“Vua” tôm giống
Ông Hùng kiểm tra tôm giống trước khi xuất bán cho bà con

Tôm không “sạch” sẽ trả tiền cho dân

Trước yêu cầu khắt khe của các nước nhập khẩu thủy sản trên thế giới, ông Hùng đã ứng dụng quy trình sinh học trong sản xuất tôm giống. Ông Hùng cho biết: “Người dân muốn nuôi tôm thành công đòi hỏi phải có con giống tốt, sạch bệnh. Trước đây, người sản xuất tôm giống chỉ cho sinh sản 1 - 2 lần rồi thả tôm mẹ ra biển; còn hiện nay, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, người sản xuất có thể cho tôm mẹ sinh sản gần 10 lần để bán kiếm lời. Do đó, nếu người dân mua nhầm những mẻ mà tôm mẹ đã đẻ nhiều đợt thì tôm giống sẽ bị “còi”, nuôi hoài không lớn”.

Theo ông Hùng, để sản xuất tôm giống sạch bệnh, chất lượng cao cần áp dụng quy trình khép kín, nghiêm ngặt. Hồ cho tôm sinh sản phải xây dựng kiên cố, tôm giống bố mẹ mạnh khỏe, được khai thác từ vùng biển Cà Mau. Tôm bố mẹ chỉ cho đẻ 2 lần để tôm giống đảm bảo sức đề kháng, nuôi mau lớn. Trong suốt quá trình thuần dưỡng tôm bố mẹ đến lúc sinh sản, kể cả các hồ ương tôm giống, nguồn nước tuyệt đối không xử lý hóa chất mà được xử lý bằng các chế phẩm và men vi sinh. Trong 1.400 hồ sản xuất tôm giống của doanh nghiệp, ông không cho tôm sinh sản liên tục mà xoay vòng từ hồ số 1 đến hồ 1.400. Khi đó, các hồ đã được vệ sinh, cách ly mầm bệnh để nuôi tôm giống chất lượng cao.

“Vua” tôm giống
Ông Hùng (bên phải) được Hội Nghề cá Việt Nam trao giải “Chất lượng vàng thủy sản Việt Nam”

“Tôm giống do ông Hùng sản xuất rất tốt và luôn đảm bảo uy tín. Ông sẵn sàng cho bà con lấy mẫu tôm giống đi xét nghiệm. Nếu đạt thì mua; còn không đạt, tôm có mầm bệnh, ông Hùng sẽ hoàn tiền xét nghiệm và tự hủy hồ tôm giống kém chất lượng đó”, ông Võ Hồng Ngoãn, một nông dân nuôi tôm ở xã Vĩnh Trạch Đông (TP.Bạc Liêu), cho biết. Do sản xuất tôm giống chất lượng cao nên giá bán ra thị trường từ 100 - 150 đồng/con, cao gấp 2 - 3 lần so với các cơ sở khác. Tuy nhiên, tôm giống của ông vẫn không đủ đáp ứng cho bà con trong khu vực.

Hiện nay, nhiều hộ dân ở các tỉnh, thành ĐBSCL đã chuyển khá lớn diện tích sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Nắm bắt cơ hội này, ông Hùng đã chủ động nhập khoảng 5.000 cặp tôm bố mẹ từ đảo Hawaii (Mỹ) về sinh sản nhân tạo, bán giống cho người dân.

Trần Thanh Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.