Diện tích lúa Hè - Thu của toàn tỉnh Quảng Trị năm nay đang gánh chịu nhiều loại dịch bệnh gây hại như rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ, khô vằn, sọc vi khuẩn...
Nhưng đặc biệt nguy hiểm và lây lan trên diện rộng vẫn là bệnh lùn sọc đen. Theo số liệu thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thì đến nay đã có hơn 1.000 ha lúa nhiễm bệnh nặng.
Theo chân chị Lê Thị Lương, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Cam An (huyện Cam Lộ), chúng tôi được tận mắt chứng kiến những cánh đồng lúa nghiêng ngả, bạc màu vì dịch bệnh.
Theo chị Lương, Cam An hiện là trọng điểm bệnh lùn sọc đen của huyện Cam Lộ với khoảng 81 ha nhiễm bệnh và hơn 10 ha nằm trong diện “cần tiêu hủy hoàn toàn”, tình cảnh người dân nơi đây rất ngặt nghèo.
Lấy khăn chùi mồ hôi, bà Hoàng Thị Mai (50 tuổi, thôn Trúc Kinh) buồn bã nói: “Nhà tui có 4 sào mà chừ mất trắng 2 sào vì nhiễm lùn sọc đen rồi. Công sức bỏ ra chưa tính nhưng cứ sơ sơ mỗi sào vốn mua giống, phân... cũng là mất hơn 500.000 đồng”.
Không riêng gì ruộng nhà bà Mai mà ở cánh đồng đầu làng Trúc Kinh này có tới gần 5 ha lúa nhiễm bệnh... Ông Bùi Văn Hát, 60 tuổi tiếc rẻ: “Mới vụ Đông - Xuân đây thôi ruộng của tui đạt năng suất 52 tạ/ha, giá bán thời điểm đó là hơn 400.000 đồng/tạ, vậy mà chừ trắng tay rồi...”.
|
Dù đã cố gắng hết sức để vớt vát được một chút gì đó trong vụ Hè - Thu này nhưng cuối cùng nhiều hộ dân nơi đây đã lâm vào cảnh bất lực và buông xuôi.
Trong khi đó, để tránh sự lây lan trên diện rộng, thì những diện tích lúa này buộc phải bị tiêu hủy hoàn toàn. Người nông dân một lần nữa sẽ phải cắn răng để nhìn công sức đổ ra sau những ngày vất vả tiêu tan.
Ông Hoàng Bình, Chủ tịch UBND xã Cam An cho biết: “Việc tiêu hủy hay không còn phải chờ quyết định của huyện, nhưng mục đích cuối cùng là phải làm sao để hạn chế thiệt hại cho người nông dân đến mức thấp nhất...”.
Đáng buồn rằng, xã Cam An (huyện Cam Lộ) không phải là nơi có những “cánh đồng lùn sọc đen” duy nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Các vùng bị “dính” bệnh nặng còn lại cần phải kể đến như xã Vĩnh Long, xã Vĩnh Lâm (huyện Vĩnh Linh); xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ); phường Đông Lễ, phường Đông Lương (TP Đông Hà)...
Ngay sau khi bùng phát dịch lùn sọc đen, chính quyền và các ban ngành liên quan địa phương đã vào cuộc cùng người nông dân cứu lúa, tránh một mùa vụ đổ bể hoàn toàn.
Cụ thể, tại xã Cam An, cứ mỗi ha lúa bệnh người dân đã được hỗ trợ 50 gói thuốc Applass-basa để phun đại trà. Tuy nhiên vì hiện nay chưa có thuốc đặc trị lùn sọc đen nên lúa vẫn héo hon như thường...
Ông Lê Mạnh Kết, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị cho biết: “Nhà nước sẽ hỗ trợ 4 triệu đồng/ha lúa bị tiêu hủy, thậm chí sẽ xuất gạo ra cứu đói cho người dân nếu tình trạng xấu nhất xảy ra. Tuy nhiên, việc tiêu hủy lúa để dập dịch, xét việc hỗ trợ tiền cho người dân cần phải qua rất nhiều khâu và có sự thống nhất đối chiếu giữa các bên nên không thể giải quyết ngày một ngày hai được...”.
Cũng theo Chi cục Bảo vệ thực vật thì hiện nay mới có khoảng 200 ha lúa được “đề nghị tiêu hủy” và chỉ có 0,9 ha đã tiêu hủy tại huyện Gio Linh.
Còn ông Nguyễn Thanh Hiền, Trưởng phòng Trồng trọt (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị) thì cho biết: “Điều thực sự gây lo lắng là phải tận diệt nguồn bệnh sau vụ Hè - Thu này để không còn mầm bệnh ảnh hưởng tới vụ Đông - Xuân sang năm, để không còn cảnh người nông dân tiếp tục điêu đứng...”.
|
Châu chấu tàn phá hoa màu ở Quảng Ngãi |
Hơn 10 ngày qua, từng đàn châu chấu đủ kích cỡ bất ngờ xuất hiện dày đặc, hoành hành trên nhiều cánh đồng ở xã Tịnh An, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), khiến hơn 35 ha bắp, hàng chục ha cỏ voi dùng làm thức ăn cho trâu, bò trở nên xơ xác. Hàng ngàn đám bắp non - nguồn thu nhập chính của hàng trăm hộ dân thôn An Phú - bị châu chấu cắn phá, hư hại nghiêm trọng. Mặc dù người dân đã phun thuốc bảo vệ thực vật nhưng chỉ diệt trừ được phần nào loại châu chấu nhỏ. Được biết, châu chấu đẻ một lần tới 200-300 trứng, vòng đời của mỗi con khoảng 50 ngày nên tốc độ phát triển của chúng rất nhanh. Hiển Cừ |
Bài và ảnh: Nguyễn Phúc
Bình luận (0)