Nông dược cho thu nhập cao gấp 3 - 5 lần trồng lúa

04/05/2016 08:00 GMT+7

Vài năm gần đây, xu hướng trồng nông dược bắt đầu lan rộng ở một số vùng quê như Nghĩa Hưng, Hải Hậu (Nam Định); Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà (Lào Cai)... với các loại như đinh lăng, đương quy, chè dây, actisô...

Theo bà con nông dân ở đây, trồng cây dược liệu cho thu nhập cao hơn từ 3 - 5 lần so với trồng lúa. Anh Đỗ Văn Hải (xã Hải Toàn, H.Hải Hậu, Nam Định) cho biết năm 2011, nhờ được hướng dẫn của các kỹ thuật viên Công ty cổ phần Traphaco, gia đình anh tham gia trồng đinh lăng theo tiêu chuẩn GACP - WHO (Good Agricultural and Collection Practices - Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới). Sau 3 năm, đã có thu nhập từ 60 - 70 triệu đồng/sào.
Sau đó, rất nhiều hộ gia đình ở đây bắt đầu chuyển sang canh tác thêm loại cây này, khi kết thúc vụ lúa mùa. Đến nay, trên địa bàn hai huyện Nghĩa Hưng và Hải Hậu của tỉnh Nam Định có khoảng hơn 200 hộ dân, phát triển vùng trồng trên 28 ha cây đinh lăng mỗi năm.
Ứng dụng CNTT giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của Traphaco Ảnh: Minh Tuấn
Tại Sa Pa (Lào Cai), chỉ tính riêng cây actisô, 200 hộ dân tại đây mỗi năm thu hoạch gần 2.000 tấn lá tươi và được Công ty TNHH MTV TraphacoSapa thu mua với giá trị gần 4,5 tỉ đồng (tính trung bình mỗi ha cây actisô thu hơn 200 triệu đồng).
Người dân Bắc Hà phát triển dược liệu đương quy cũng đang cho thu nhập trung bình từ 60 - 70 triệu đồng/ha. Còn tại H.Bát Xát, người dân đang trồng và thu hái chè dây theo GACP - WHO cũng đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng/năm.
Thào A Cáng, một thanh niên ở thôn Má Tra, xã Sa Pả, H.Sa Pa cho biết năm trước, gia đình anh đã mua được một chiếc xe máy từ việc thu hoạch cây actisô. “Trồng actisô nhàn hơn trồng lúa, không phải chăm bẵm nhiều, thu nhập lại cao hơn 3 - 4 lần, nên nhà nào cũng thích”, anh Thào A Cáng nói.
Ông Lê Tân Phong, Phó chủ tịch UBND H.Sa Pa cho biết một trong những động lực để bà con nơi đây mạnh dạn đầu tư vào việc trồng cây nông dược là do có đầu ra ổn định. Hằng năm, Công ty TraphacoSapa đều ký hợp đồng với từng hộ nông dân về việc bao tiêu sản phẩm. Nhờ đó, mỗi thanh niên thuộc độ tuổi lao động ở Sa Pa tham gia trồng cây actisô đều có mức thu nhập trung bình từ 5 - 7 triệu đồng/người, mức thu nhập này cao hơn từ 3 - 5 lần so với trồng lúa.
Được biết, Công ty Traphaco hiện có hơn 35.000 ha dược liệu được trồng trọt, thu hái và kiểm soát theo tiêu chuẩn GACP-WHO, tập trung ở các tỉnh phía Bắc và một số tỉnh miền Trung. Các vùng dược liệu của Traphaco chủ yếu tập trung vào các loại đinh lăng, actisô, rau đắng đất, bìm bìm, đương quy, đan sâm, đảng sâm, hà thủ ô đỏ... Ngoài việc đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu dược phẩm, các vùng dược liệu này đang góp phần đẩy mạnh kinh tế vùng của các xã, miền núi tại địa phương, tạo được nhiều công việc cho thanh niên, người dân đang trong độ tuổi lao động.
Cả nước hiện có 180 doanh nghiệp dược. Thống kê cho thấy các nhà máy dược trong nước đang phải nhập khẩu tới 90% nguyên liệu làm thuốc. Định hướng tới đây của ngành dược thể hiện qua luật Dược (sửa đổi) là: “Ưu đãi đầu tư sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc, thuốc thiết yếu, thuốc phòng, chống bệnh xã hội, vắc-xin, sinh phẩm, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc hiếm; ưu đãi nghiên cứu khoa học về công nghệ bào chế, công nghệ sinh học để sản xuất các loại thuốc mới” (trích điểm 3, điều 7). Như vậy, nếu các doanh nghiệp này tập trung phát triển các dòng sản phẩm sử dụng nguồn dược liệu trong nước, người nông dân ở nhiều địa phương sẽ có cơ hội thâm canh các loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, tạo thêm thu nhập cho người nông dân bên cạnh cây lúa truyền thống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.