Nữ cựu tù Côn Đảo bán nhà làm từ thiện: ‘Lương tâm bảo mình phải làm thế!’

12/03/2019 12:07 GMT+7

Khi dì Mười quyết định bán căn nhà mặt tiền ở quận Phú Nhuận (TP.HCM) để làm từ thiện, ai cũng khuyên dì nên suy nghĩ lại. Nhưng dì cho hay vì lương tâm mách bảo nên dì quyết không thay đổi.

Những ngày đầu tháng 3, rất khó để tôi hẹn gặp được dì Mười vì dì thường xuyên đi vắng. Hỏi ra mới biết, dì bận tham gia các hoạt động Đảng, Đoàn thể ở địa phương.
Mở cửa đón tôi tại một căn nhà trong hẻm đường Lê Tự Tài (P.4, Q.Phú Nhuận), dì Mười khiến tôi rất bất ngờ vì sự nhanh nhẹn và minh mẫn của mình. Dáng người khẳng khiu, mái tóc bạc trắng được cắt tỉa gọn gàng, nếu không biết trước tuổi của dì, tôi cũng không thể đoán được dì đã... 89 tuổi.

Cả một đời gian truân

Dì Mười, tên thật là Lê Thị Tâm, quê ở Phú Yên. Từ năm 14 tuổi, dì Mười đã tham gia hoạt động trong lực lượng công an tỉnh Phú Yên, sau đó chuyển sang làm việc trong quân đội.
Kể về cuộc đời mình, dì Mười cho biết đó là một hành trình rất dài, mà bây giờ nhắc lại dì vẫn luôn tự hào. Từng có 9 năm bị giam cầm trong Khám Chí Hòa - nhà tù do Pháp cho xây dựng để giam giữ những tù nhân chính trị chống lại chế độ thực dân Pháp, và 3 năm bị giam cầm ở Côn Đảo với nhiều màn tra tấn dã man, dì Mười vẫn kiên quyết không khai bất cứ điều gì liên quan tới hoạt động của tổ chức.
“Thời gian bị giam trong chuồng cọp ở Côn Đảo đúng là sống không bằng chết. Tôi vẫn còn nhớ như in vì không lấy được lời khai của tôi nên quản ngục rọi đèn pha vào thẳng hai mắt khiến đôi mắt tôi sưng và lồi ra ngoài; hay chích điện vào vùng kín, đau đớn vô cùng. Mỗi ngày tôi chỉ được cho ăn một chén cơm với ít muối. Tới khi được giải thoát thì tôi chỉ còn da bọc xương”, dì Mười nhớ lại.

Bán nhà giúp ích cho đời

Sau giải phóng, dì Mười công tác tại UBND quận Phú Nhuận. Với những cống hiến cho hoạt động cách mạng, dì được cấp một căn nhà ở số 78 đường Đặng Văn Ngữ, phường 14, quận Phú Nhuận.
Cuối năm 1999, cơn lũ lịch sử khiến các tỉnh miền Trung chìm trong biển nước, trong đó 2 tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất là Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam.
Di Mười năm nay 89 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn Vũ Phượng
Dì Mười tâm sự: “Nhớ lại những năm tôi tham gia cách mạng, đi đâu cũng được dân nuôi nên chứng kiến cảnh bao nhiêu người dân mất trắng, đói khát vì lũ tôi không đành lòng nên quyết định bán căn nhà của
Với dì đây không phải là làm từ thiện, mà là trách nhiệm của lớp người đi trước. Bao nhiều đồng đội của dì đã ngã xuống, dì may mắn còn được tới ngày hôm nay nên việc chia sẻ khó khăn với mọi người như nghĩa vụ của dì

Dì Mười

mình đi để trích một phần tiền mua gạo cứu trợ”.
Nhiều người dân xung quanh và đồng đội cũ khi nghe ý định này của dì thì vội vã ngăn cản, nói dì nên suy nghĩ lại: “Bà già rồi, bán nhà rồi lấy gì ở?”, “Giúp trong khả năng của mình là được rồi, sao phải bán nhà”… Vậy nhưng được người con gái duy nhất ủng hộ, dì vẫn cương quyết bán đi căn nhà ở vị trí đắc địa của mình.
Dì Mười chia sẻ: “Nhà đó là được nhà nước cấp cho, rồi lúc đó thấy người dân như vậy mình không chia sẻ thì không chịu được. Bán nhà mặt tiền, tôi tìm căn nào trong hẻm nhỏ hơn, có chỗ ở là tốt rồi”.
Sau khi bán căn nhà lúc đó được 120 cây vàng, dì Mười mua 14 tấn gạo rồi nhờ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM thuê xe chở gạo ra các tỉnh miền Trung. Dì Mười cũng tặng 500.000 đồng và 50 kg gạo/người cho 20 mẹ Việt Nam anh hùng ở các tỉnh miền Trung. Với đồng đội cũ, dì tặng mỗi người một chỉ vàng.
Dì Mười lúc trẻ NVCC
   

Năn nỉ dì thôi đừng gửi nữa vì thấy dì cực quá...

Từ ngày nghỉ hưu năm 2010, dì Mười được phường đều đặn cấp cho 3 tờ báo giao tới tận nhà mỗi ngày để dì đọc khuây khỏa lúc tuổi già. Cũng nhờ vậy mà dì không bỏ lỡ những sự kiện, dấu mốc nào quan trọng.
Đọc thấy hoàn cảnh nào khó khăn, dì lại gọi đến tòa soạn, xin số của phóng viên viết bài để tìm cách liên hệ với nhân vật trong bài viết.
Dì Mười kể: “Có lần đọc báo thấy bài Hoa sóng nhà giàn, tôi đã liên hệ với tòa soạn để xin số điện thoại tác giả bài báo, qua đó, tôi nhờ kết nối với người thân của liệt sĩ và gửi đến gia đình một khoản, tuy ít nhưng nó là tấm lòng của tôi. Các chiến sĩ nhà giàn DK1 đã không tiếc máu xương hi sinh để bảo vệ biển đảo, mình chia sẻ được nỗi đau mất mát với gia đình đó là sự tri ân”.
"Bán nhà mặt tiền, tôi tìm căn nào trong hẻm nhỏ hơn, có chỗ ở là tốt rồi,” dì Mười chia sẻ Vũ Phượng
Lần khác, qua báo chí, dì Mười biết đến lớp học i tờ còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nằm ở rừng già Cát Tiên, Lâm Đồng. Lại đau đáu trong lòng, lấy số tiền lương hưu tích cóp còn lại, dì mua sách vở, bút mực gửi lên tận nơi. Suốt 2-3 năm như vậy, các thầy cô và học sinh của trường sau khi biết câu chuyện của dì phải năn nỉ dì thôi đừng gửi nữa vì thấy dì cực quá…
Tâm sự với tôi một hồi lâu, dì Mười bảo: “Với dì đây không phải là làm từ thiện, mà là trách nhiệm của lớp người đi trước. Bao nhiều đồng đội của dì đã ngã xuống, dì may mắn còn được tới ngày hôm nay nên việc chia sẻ khó khăn với mọi người như là nghĩa vụ của dì”.
Có lẽ vì vậy nên bây giờ, dù ở trong một căn nhà nhỏ hơn, ít tiện nghi hơn nhưng gia đình của dì Mười luôn hạnh phúc và tràn ngập tiếng cười vì những nghĩa cử cao đẹp giúp ích cho đời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.