Bờ vịnh Hạ Long, Bái Tử Long kéo dài hơn 30 km từ TP.Hạ Long đến TP.Cẩm Phả (Quảng Ninh) nhưng có tới hàng trăm cống nước thải xả trực tiếp ra môi trường, trong đó có cả nước thải nhiễm kim loại nặng từ các khai trường của ngành than trút xuống vịnh Bái Tử Long.
Ghi nhận của PV Thanh Niên tại TP.Cẩm Phả, từ khu vực P.Quang Hanh đến P.Mông Dương có trên 20 cống thoát nước hằng ngày đổ hơn 20.000 m3 nước thải ra vịnh Bái Tử Long. Ở khu 4, P.Cẩm Trung, TP.Cẩm Phả, cống nước thải dài gần 500 m luôn có màu đen kịt, kèm theo mùi hôi thối. Bà Phó Thị Huyền (70 tuổi, khu 6, P.Cẩm Trung, TP.Cẩm Phả) cho biết: “Nước thải sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân đều tập trung về đây rồi cứ thế xả ra biển. Vào ngày mưa, nước thải ồ ạt đổ về kèm theo đủ các loại rác rưởi, xác động vật… Không thể chịu nổi mùi hôi thối”.
|
Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Theo ghi nhận, môi trường tại khu vực P.Quang Hanh và cụm công nghiệp Cẩm Thịnh (P.Cẩm Thịnh, TP.Cẩm Phả), nước thải nhiễm kim loại nặng từ hoạt động sàng rửa than đổ trực tiếp vào hệ thống cống của khu dân cư và cứ thế hòa vào dòng chảy, đổ ra biển. Ông Trần Văn Vũ (ở khu 3, P.Cẩm Trung, TP.Cẩm Phả) ngao ngán nói: “Đó là nguyên do trước đây ven bờ vịnh Bái Tử Long có rất nhiều rừng ngập mặn nhưng đến nay không còn. Vịnh không chỉ bị "bức tử" bởi đủ loại nước thải mà còn bị xâm lấn. Người dân chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị nhưng đâu lại vào đó”.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại vịnh Hạ Long. Nước thải của hàng nghìn hộ dân cũng như hệ thống khách sạn, nhà hàng cứ thế đổ trực tiếp ra biển. Vào những ngày mưa lớn, nước biển chuyển từ màu xanh sang màu nâu, kèm theo mùi hôi thối. Dọc bờ biển Hạ Long với chiều dài hơn 10 km, nay đã vắng bóng rừng ngập mặn. Một số nơi còn sót lại chút rừng thì cây cũng đang bị lụi tàn và chết dần.
Đáng chú ý, cứ vào những ngày mưa lớn, nước thải từ các khai trường than của Công ty than Núi Béo, Công ty than Hà Tu lại đổ trực tiếp ra suối Lộ Phong (P.Hà Phong, TP.Hạ Long), người dân quanh vùng lội suối, ngăn dòng để tận thu hàng trăm tấn than trôi ngay tại miệng cống.
Đại diện UBND TP.Cẩm Phả và TP.Hạ Long thừa nhận, việc xử lý nước thải của hai địa phương này rất hạn chế. Mỗi ngày vẫn còn hàng chục nghìn mét khối nước thải ô nhiễm buộc phải đổ thẳng ra vịnh Hạ Long, Bái Tử Long. Cụ thể, tại TP.Cẩm Phả, mỗi ngày có khoảng 20.000 m3 nước thải đổ ra vịnh Bái Tử Long. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại TP.Hạ Long. Theo Công ty môi trường đô thị Hạ Long, mỗi ngày lượng nước sinh hoạt đổ ra vịnh Hạ Long là khoảng 30.000 m3, nhưng chỉ có khoảng 30% được xử lý trước khi đổ ra vịnh.
Năm 2017, Sở TN-MT Quảng Ninh đã tiến hành lấy mẫu quan trắc tại một số khu vực ven bờ vịnh Hạ Long, Bái Tử Long. Kết quả cho thấy, môi trường nước ở đây bị nhiễm kim loại nặng gấp 3 lần cho phép.
Tháng 8.2018, một nghiên cứu của đoàn chuyên gia quốc tế của UNESCO, Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã cảnh báo về tình trạng ô nhiễm môi trường tại vịnh Hạ Long. Ông Jake Bruner, Trưởng nhóm thuộc IUCN của các nước Đông Nam Á, lo ngại khi nước trên vịnh Hạ Long không còn xanh trong như trước.
Nguyên nhân là kỳ quan này đang hằng ngày phải tiếp nhận hàng nghìn mét khối nước thải từ cống thoát nước đổ ra, chưa tính đến nước thải từ hoạt động của khoảng 500 tàu du lịch. Ông Phạm Văn Kính, Phó chủ tịch UBND TP.Cẩm Phả, cho biết để xử lý được nguồn nước thải phải có một nguồn kinh phí rất lớn. Vì vậy, ngoài việc đổ thẳng ra biển thì địa phương này chưa có phương án nào khác.
Còn theo một vị lãnh đạo Sở TN-MT Quảng Ninh, địa phương này đang làm hồ sơ vay vốn ODA của Nhật Bản cho dự án xử lý nước thải sinh hoạt TP.Hạ Long. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 150 triệu USD, trong đó vốn vay ODA dự kiến là 125 triệu USD, số còn lại là vốn đối ứng. Theo thiết kế, dự án khi đi vào hoạt động sẽ thu gom và xử lý cơ bản nước thải sinh hoạt của thành phố, trước khi đổ ra vịnh Hạ Long. Tuy nhiên đến nay dự án vẫn giậm chân tại chỗ và điều đó đồng nghĩa với việc vịnh xanh vẫn đang hằng ngày, hằng giờ bị "bức tử".
Bình luận (0)