Nuremberg - thành phố chiến tranh thế giới

03/05/2017 21:02 GMT+7

“Phiên tòa Nuremberg” là cụm từ được nhắc nhiều nhất khi nói về thành phố này ở Đức. Đó là các phiên tòa xét xử những kẻ cầm đầu Đức Quốc xã.

Ghé thăm Nuremberg ngày nay, cảm xúc của du khách sẽ thay đổi như chính sự thăng trầm của thành phố trong suốt chiều dài lịch sử.

tin liên quan

Vancouver thành phố xanh
Nhờ 2 lần đến thăm Vancouver với mỗi lần không dưới 3 tháng, tôi có điều kiện đi đây đi đó, tìm hiểu khá cặn kẽ về miền đất xinh đẹp này và là một trong 5 thành phố đáng sống trên hành tinh của chúng ta.
Huy hoàng thời trung đại
Nuremberg hình thành khá muộn, khoảng đầu thế kỷ 11 nhưng lại đóng vai trò rất quan trọng trong tuyến đường từ thành Roma đến Bắc Âu.
Thành phố còn được coi như thủ đô không chính thức của đế quốc La Mã thần thánh (đế quốc không có thủ đô chính thức) bởi các cuộc họp nghị viện và địa chủ, các phiên tòa và nhiều lần bầu chọn vua Đức đều diễn ra ở đây, ngay trong tòa lâu đài Nuremberg. Trải qua bao biến cố lịch sử gần 1.000 năm, tòa lâu đài vẫn được gìn giữ khá nguyên vẹn.
Tòa lâu đài Nuremberg được xây dựng từ thế kỷ 11 và hoàn chỉnh trong nhiều thế kỷ sau đó. Đây là phức hợp của 3 phần chính: lâu đài hoàng gia (Kaiserburg), lâu đài quý tộc (Burggrafenburg) và hoàng thành (Reichsstädtische Bauten). Bên trong là nhiều công trình như cung điện Palas, ngũ giác đài, tháp phòng ngự Sinwell, nhà nguyện hoàng gia…
Điểm nổi bật của tòa lâu đài là sân rộng bao quanh Nhà giếng sâu - nơi cung cấp nước cho tòa lâu đài. Phần sân hơi dốc nhưng do nằm ở trung tâm, cùng với màu đỏ mái ngói, lối kiến trúc màu sắc sặc sỡ khiến nơi đây trở thành khung nền lý tưởng để chụp hình.
Nằm cạnh phố cổ nhưng hơi cao khiến tòa lâu đài trở thành địa điểm tuyệt vời để ngắm nhìn thành phố. Đi bộ vào sâu bên trong sẽ đến được trái tim của phố cổ - nhà thờ Đức Bà Nuremberg. Đây là công trình tiêu biểu cho kiến trúc gothic được xây bằng gạch từ năm 1352. Bên trong nhà thờ chứa đựng nhiều tác phẩm nghệ thuật thời trung cổ và nhất là phải kể đến chiếc đại phong cầm có từ thế kỷ 15.
Phía trước nhà thờ là quảng trường trung tâm, cạnh đó là đài phun nước Schöner Brunnen có từ thế kỷ thứ 14. Schöner Brunnen mang phong cách gothic, cao đến 19 m, được trang trí khá tỉ mỉ bằng 40 màu sắc và những tượng thánh. Thật ra đây cũng chỉ là bản sao, nguyên bản của nó đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quốc gia Đức nằm ở phía nam thành phố.
Gần đó là nhà thờ thánh Sebaldus có từ thế kỷ 13 với 2 tòa tháp cao nhất phố cổ. Phía sau nhà thờ là tòa thị chính cũ (Altes Rathaus) xây từ thế kỷ 14 khá đồ sộ. Con đường từ tòa thị chính cũ đi thẳng xuống phía nam là cây cầu cổ Fleischbrücke có từ thế kỷ 16.
Cầu bắc qua con sông Pegnitz - chia đôi phố cổ và thành phố thành 2 phần phía bắc và phía nam. Song song với Pegnitz là cây cầu Museumsbrücke (cầu Viện bảo tàng) được nối với dãy nhà Heilig-Geist-Spital nằm cạnh bờ phía bắc. Heilig-Geist-Spital được coi là một trong những bệnh viện lớn nhất thời trung cổ.
Ở phần phía nam có nhà thờ thánh Lorenz được xây dựng từ năm 1250. Tuy nhiên cũng giống như nhà thờ thánh Sebaldus, thánh đường này trở thành sở hữu của Tin lành sau cuộc kháng cách tôn giáo. Ngoài ra, bởi vì tầm quan trọng của Nuremberg trong suốt thời kỳ trung cổ, thành phố còn có vô số nhà thờ và công trình cổ mà du khách có thể bắt gặp trong khi dạo quanh phố cổ.
Ký ức thời Đức quốc xã
Cũng bởi sự huy hoàng của Nuremberg trong đế quốc La Mã thần thánh, cộng với tư tưởng cực đoan, Đức Quốc xã đứng đầu là Hitler, đã coi thành phố này là trái tim, là sự thuần khiết của nước Đức vĩ đại. Chính vì thế Hitler ra lệnh xây dựng quảng trường Đức Quốc xã (Reichsparteitagsgelände) để phục vụ cho các kỳ đại hội.
Một người bạn Đức dẫn tôi đến quảng trường Đức Quốc xã lịch sử ấy. Đây là khu phức hợp rộng lớn nằm ở ngoại ô phía nam thành phố. Công trình chính của phức hợp là Nhà công nghị (Kongresshalle) hình bán nguyệt cao hơn 39 m, đường kính 250 m với sức chứa 50.000 chỗ, hướng về hồ nước nhân tạo rộng lớn.
Phía trước Nhà công nghị là đại lộ duyệt binh rộng 40 m, dài gần 2 km, tuy nhiên lại chưa được sử dụng bao giờ. Gần đó là quảng trường Luitpoldarena và Zeppelinfeld rộng lớn với khán đài tới 360 m. Nơi đây diễn ra các cuộc diễu hành đại hội. Ngoài ra theo thiết kế, phức hợp còn có sân vận động trung tâm lớn nhất thế giới với 400.000 chỗ ngồi và nhiều sân vận động khác.
Quảng trường Đức Quốc xã nằm khá xa ở trung tâm, ít khách tham quan và cũng bởi do tôi đến vào một buổi chiều muộn nên sự vắng lặng trong một khu vực rộng lớn khiến cho tâm trạng sợ hãi trỗi dậy. Đây chính là nơi diễn ra 9 trong số 11 kỳ đại hội Đức Quốc xã, nơi mà hàng chục ngàn người cực đoan tụ họp lại, biểu dương sức mạnh, đưa ra những quyết định đẫm máu.
Nghị quyết kỳ đại hội 1935 đã ra đời luật Nuremberg cho phép tước quốc tịch Đức của những người gốc Do Thái và không phải gốc da trắng Đức, dẫn đến các cuộc thảm sát sau này. Ngày nay, bên trong Nhà công nghị có trung tâm tư liệu mở cửa cho du khách ghé thăm và tìm hiểu thêm về tòa nhà cũng như sự tàn bạo chế độ Đức Quốc xã xưa kia.
Thanh bình thời hậu chiến
Nếu không có dịp đi đến quảng trường Đức Quốc xã, các bạn cũng nên ghé qua qua cung điện tư pháp Nuremberg nằm trong trung tâm thành phố, nơi diễn ra các cuộc xét xử những kẻ cầm đầu Chiến tranh thế giới thứ 2.
Nơi đây được phe đồng minh chọn làm địa điểm phán xét vì tòa nhà vẫn còn nguyên vẹn sau chiến tranh và Nuremberg được coi như trái tim Đức Quốc xã. Nuremberg còn có rất nhiều viện bảo tàng lưu giữ các hiện vật và tư liệu về nước Đức, về thành phố và cả ký ức về cuộc chiến tranh..
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.