Ở đất nước mà quán xá, cửa hàng đóng cửa vào cuối tuần

23/10/2016 20:02 GMT+7

Vào ngày chủ nhật, hầu như tất cả các điểm kinh doanh ở Áo đều đóng cửa. Những thành phố lớn nhất nước như Vienna, Salzburg, Graz lặng ngắt, đường phố hiu hắt không người qua lại.

Ngày thường, các cửa hàng cũng chỉ mở cửa từ 8 giờ sáng đến 7 giờ tối; các quán cà phê, quán ăn có thể đóng cửa muộn hơn.
Thành phố nghỉ sớm
Graz, thành phố lớn thứ hai của Áo sau Vienna có sân bay quốc tế, được mệnh danh là thành phố sinh viên vì có tới 6 trường đại học với khoảng 40.000 sinh viên trong tổng dân số chừng 300.000 người. Khu phố cổ của Graz được UNESCO xếp vào danh sách di sản thế giới. Thế nhưng, Graz cũng không là ngoại lệ của nguyên tắc nghỉ bán buôn vào ngày chủ nhật ở Áo, khi thành phố hoàn toàn đóng cửa vào ngày này và chúng tôi đành phải vào siêu thị nhỏ ở nhà ga trung tâm để mua một ít quà lưu niệm.
Cuối tuần các trung tâm mua sắm lớn đều đóng cửa, đường phố thưa thớt bóng người và du khách nước ngoài như chúng tôi cảm thấy lạc lõng trong một xã hội coi trọng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Dù là nước châu Âu phát triển, nhưng Áo khác phần còn lại, khi bữa ăn tối cuối ngày đối với họ rất quan trọng và trở thành chuẩn mực của hạnh phúc gia đình. Người Áo dành ngày cuối tuần cho các hoạt động gia đình và chủ nhật thường là thời gian để các bậc bố mẹ đưa con cái về thăm ông bà ở làng quê, cùng thưởng thức bữa tối, tham gia dã ngoại.
Cũng vì đóng cửa sớm, nên các hoạt động liên quan đến du lịch đều phải hoàn tất trước khi trời tối. Đoàn phóng viên VN do Vietravel và Turkish Airlines tổ chức để khảo sát các điểm đến châu Âu sau bữa tối ở thành phố Salzburg tìm đường vào khu phố cổ nhưng mới 19 giờ mà phố xá vắng hoe, chỉ vài quán bia mở cửa. Rất may, Bảo tàng Mozart có chương trình hòa nhạc, đây là tối thứ bảy duy nhất trong tháng bảo tàng mở cửa.
Ở đất nước đóng cửa vào cuối tuần 1
Làng Hallstatt thơ mộng bên hồ Ảnh: N.T.Tâm
Ngôi nhà Mozart
Người ta gọi Salzburg là thành phố Mozart, vì còn bảo tồn hai điểm quan trọng trong cuộc đời của nhà soạn nhạc Amadeus Mozart (1756 - 1791). Đó là nhà nơi ông được sinh ra (số 9 Getreidegasse) và nhà cũ của ông.
Gia đình ông sống trong căn hộ ở tầng 3 từ năm 1747 đến 1773. Căn nhà cổ này xây dựng từ thế kỷ 12, đến nay vẫn còn gần như nguyên vẹn. Trong các căn phòng của căn nhà còn lưu giữ cây đàn violon mà Mozart chơi từ thời bé, các bức chân dung của ông và những thành viên trong gia đình, đặc biệt còn có trưng bày cây đàn violon mà Mozart đã dùng sáng tác bản nhạc bất hủ The Magic Flute (Cây sáo thần). Ở tầng 1 còn trưng bày nhiều vật dụng của một gia đình điển hình Áo thế kỷ 18.
Mozart ở căn nhà số 9 Getreidegasse đến năm 1773 và sau đó chuyển đến một căn nhà khác tại Salzburg tới năm 1781 thì chuyển tới Vienna sống phần đời còn lại. Thật không may, căn nhà thứ hai đã bị phá hủy trong Thế chiến thứ 2 và đã được xây dựng lại để đón du khách vào năm 1996. Căn nhà mới hiện được làm bảo tàng của Mozart, nơi du khách tìm hiểu cả đời thường lẫn đời sống âm nhạc của ông.
Salzburg nói riêng, cả nước Áo nói chung, đều gắn liền với Mozart, với âm nhạc của ông. Áo còn là quê hương của nhiều nhà soạn nhạc thiên tài như Johann Strauss; Gustav Mahler; Franz Schubert; Franz Joseph Haydn, nhà soạn nhạc xuất chúng của nền âm nhạc cổ điển, “người cha của giao hưởng” và chính là thầy dạy của Ludwig van Beethoven.
Di sản uống cà phê
Dù không hề là nước sản xuất hay trồng cây cà phê, nhưng Áo lại nổi tiếng với văn hóa cà phê khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Uống cà phê ở Áo là nghệ thuật và khắp đất nước, đâu đâu cũng thấy quán cà phê. Các quán cà phê ở trung tâm Vienna được xây dựng ra ngoài vỉa hè, khách thường uống cà phê và ăn kèm bánh ngọt. Loại cà phê đặc biệt ở Áo là Einspanner, đựng trong ly thủy tinh, gồm cà phê đen ở dưới, trên phủ một lớp kem và bột đường.
Thủ đô của Áo từ xưa đã được mệnh danh là Thành phố âm nhạc (City of Music) và Áo là đất nước của âm nhạc. Chỉ riêng tại Vienna, có gần 400 nhà hát thính phòng. Âm nhạc hiện diện khắp nơi trong thành phố, và dĩ nhiên, du lịch cũng không thể tách rời với âm nhạc khi tượng đài của các nhà soạn nhạc, nhà ở xưa kia của họ được giới thiệu như một điểm tham quan.
Làng đẹp đến nỗi Trung Quốc cũng nhái
Cách Vienna khoảng 3 giờ xe chạy là thành phố Salzburg, từ Salzburg chạy khoảng 1 giờ nữa là đến làng Hallstatt. Làng và khu vực xung quanh đã được UNESCO công nhận di sản thế giới. Hallstatt chỉ có 1.000 dân, sinh sống trong những ngôi nhà ở ven bờ hồ Hallstättersee xanh trong, phẳng lặng như một mặt gương và cũng có nhiều nhà được dựng trên lưng chừng vách núi. Dãy núi Dashstein bao quanh làng và hồ nước, khiến Hallstatt như tách rời với thế giới bên ngoài.
Mỗi năm có hàng trăm nghìn du khách khắp nơi trên thế giới về đây thưởng ngoạn; các khách sạn nhỏ trong làng luôn kín phòng. Ngôi làng xưa kia cực kỳ thịnh vượng nhờ vào mỏ muối. Mỏ muối ở làng Hallstatt được xác định cổ nhất thế giới, khai thác vào 7.000 năm trước. Con người đã đến đây để khai khoáng mỏ muối và ở lại, đến khoảng thế kỷ 17 các mỏ muối ở Ba Lan được khai thác nhiều hơn, khiến những mỏ muối ở làng Hallstatt dần đóng cửa. Tới thế kỷ 19, muối nhập khẩu, muối công nghiệp dần thay thế và Hallstatt trở thành một làng du lịch. Các mỏ muối cũng được tận dụng để cho khách tham quan.
Những ngôi nhà trong làng Hallstatt chủ yếu xây dựng bằng gỗ khoảng 400 - 500 năm trước, các con đường rải đá và ô tô không được phép đi vào trong làng. Có những ngôi nhà được xây ngay trên mặt nước, soi bóng xuống hồ, tạo thành cảnh đẹp lung linh, huyền ảo. Hồ có diện tích gần 9 km2, chiều dài khoảng 6 km và nơi sâu nhất tới hơn 120 m. Có rất nhiều thứ để khám phá tại làng, chứ không đơn giản là ngắm hồ, ngắm núi và những ngôi nhà cổ.
Hallstatt được nhiều tạp chí du lịch quốc tế uy tín xếp vào danh sách những ngôi làng đẹp nhất thế giới và là 1 trong 20 ngôi làng đẹp nhất châu Âu. Thậm chí, Trung Quốc đã xây dựng một khu dân cư cao cấp ở Huệ Châu (Quảng Châu) với phong cách kiến trúc và cảnh quang nhái y hệt làng cổ Hallstatt của Áo. Tập đoàn Trung Quốc xây khu dân cư này không hề giấu giếm việc đã nhái ý tưởng kiến trúc của làng cổ Hallstatt và từng gây ồn ào dư luận thế giới khi được khai trương vào năm 2012.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.