Ổ núi lửa mới của thế giới

16/08/2017 21:59 GMT+7

Các nhà khoa học đã phát hiện một khu vực có mật độ núi lửa trên diện tích lớn nhất thế giới, ở độ sâu trung bình khoảng 2 km từ bề mặt băng ở phía tây Nam cực.

Dự án do Đại học Edinburgh (Scotland) thực hiện đã tìm được tổng cộng 91 núi lửa nằm chen chúc dưới thềm băng Nam cực, với ngọn cao nhất phải xấp xỉ núi Eiger, cao 3.970 m ở Thụy Sĩ. Các nhà địa chất học khẳng định cả khu vực rộng lớn này dễ dàng đè bẹp Đông Phi, nơi trước kia từng là trung tâm núi lửa của thế giới với các ngọn Kilimanjaro, núi Nyiragongo, núi Longonot... Bên cạnh đó, mức độ nguy hiểm của cộng đồng núi lửa phía tây Nam cực cũng nghiêm trọng hơn nhiều.
“Chỉ cần một núi lửa ở đây phun trào, các thềm băng sẽ bị hủy hoại, đẩy nhanh tốc độ tan băng ra biển”, theo tờ Guardian dẫn lời chuyên gia băng hà Robert Bingham, một trong các tác giả của báo cáo. Và một câu hỏi cần được nhanh chóng giải quyết là các núi lửa này hoạt động ở mức nào?
Được công bố trên chuyên san Geological Society, cuộc khảo sát núi lửa của nhóm chuyên gia Edinburgh đã được triển khai dựa trên các chỏm núi nằm trồi bên trên mặt băng, lọt vào tầm quan sát của những nhà thám hiểm vùng cực suốt thế kỷ qua. Thế nhưng, có bao nhiêu núi lửa đang nằm ẩn mình trong lòng Nam cực?

tin liên quan

Bất thường ở siêu núi lửa Yellowstone
Siêu núi lửa Yellowstone ở công viên quốc gia Mỹ cùng tên đã trải qua nửa tháng hỗn loạn với những cơn địa chấn nối tiếp nhau, làm dấy lên quan ngại “quái vật dưới lòng đất” có thể thức tỉnh.
Để tìm câu trả lời, các nhà nghiên cứu phân tích những dữ liệu đo đạc bằng radar xuyên băng và những công cụ khác. Kế đến, họ so sánh kết quả thu với các thông số dữ liệu từ vệ tinh và địa chất từ các cuộc khảo sát trên không. Chuyên gia Bingham cho biết cái mà họ tìm kiếm chính là chứng cứ về các chóp núi lửa lộ ra khỏi bề mặt băng tầng. Khi đối chiếu mọi thứ, các nhà khoa học đếm được 91 núi lửa chưa từng được biết trước đó, bổ sung vào danh sách 47 mỏm núi được tìm thấy trong thế kỷ trước.
Số núi lửa vừa được khoanh vùng có chiều cao dao động từ 100 - 3.850 m, toàn bộ đều bị băng bao phủ, với một số thậm chí còn nằm vùi trong nhiều tầng băng tạo nên độ dày hơn 4 km ở khu vực. Tất cả đều tập trung ở khu vực có tên gọi hệ thống tách giãn tây Nam cực, kéo dài 3.500 km từ thềm băng Ross đến bán đảo Nam cực.
Đây là phát hiện vô cùng quan trọng bởi vì hoạt động của những núi lửa trên có thể tác động đến phần còn lại của địa cầu. Nếu một núi lửa bùng nổ, tình trạng của các thềm băng ở đây càng trở nên bất ổn trong bối cảnh băng tầng Nam cực đang bị đe dọa bởi nhiệt độ ấm lên toàn cầu. “Chúng tôi chẳng biết gì về tình hình hoạt động trong quá khứ của chúng”, chuyên gia Bingham thừa nhận. Tuy nhiên, ông đưa ra giả thuyết đầy báo động. Dựa trên các kết quả quan sát tại những nơi khác trên thế giới, các núi lửa bị tước mất lớp phủ băng dày bên trên, như tại Iceland và Alaska, trở nên hoạt động tích cực hơn, có xu hướng phóng thích áp lực bị kiềm giữ nhiều năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.