"Ông Bụt" mặc áo quân hàm xanh...

08/11/2008 10:26 GMT+7

Suốt 4 năm qua, "ông Bụt" Danh Trường Danh đã dẫn hai bé thơ mồ côi khỏi cảnh bi thương. Dẫu lao đao trong khốn khó, anh vẫn chưa một mảy may phụ lòng gửi gắm của người đồng đội đã khuất.

Bốn năm rồi, tôi mới trở lại hòn đảo nhiều nắng gió, tràn ngập rừng già sương lạnh Phú Quốc. 60km từ thị trấn An Thới ngược lên điểm tận cùng tây nam của tổ quốc (bắc đảo) vẫn già nửa là đường đất. Không ngờ, cũng trong bốn năm qua, một người lính biên phòng dân tộc Khmer - "cố nhân" của tôi - ở đồn 754 Gành Dầu đã lập nên một kỳ tích làm rơi lệ cả nhiều người trong tỉnh, cũng như ở Bộ Tư lệnh Biên phòng.

Đại uý Danh Trường Danh đã hứa nuôi hai đứa con côi cho hai vợ chồng người đồng đội đều qua đời vì căn bệnh AIDS, anh vuốt mắt cho trung uý Dương Thành Ghi: "Mày yên tâm, tao sẽ nuôi hai con mày lớn khôn, thương chúng nó như thương con tao". Anh Ghi bấy giờ mới ngậm cười, nhắm mắt. Không ngờ, một trong hai cháu bé con của người đồng đội xấu số lại bị nhiễm HIV từ cha mẹ.

Nỗi đau chồng lên... nỗi đau

Suốt 4 năm qua, "ông Bụt" mặc áo quân hàm xanh Danh Trường Danh đã dẫn hai bé thơ mồ côi khỏi cảnh bi thương. Dẫu lao đao trong khốn khó đủ bề, anh vẫn chưa một mảy may phụ lòng gửi gắm của người đồng đội đã khuất.

Nhà có 11 anh em, sống rất nghèo ở huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, Danh say mê màu áo xanh, quân hàm xanh của lực lượng biên phòng từ nhỏ. Lá đơn xung phong đi lính biên phòng của anh đã làm nhiều người xúc động, tổ chức điều thẳng Danh ra bắc đảo Phú Quốc và gắn bó với rẻo đất tận cùng xa xôi.

Danh ở đồn Gành Dầu xa xôi này đã 16 năm ròng. Tại đây, anh và Dương Thành Ghi đã thành đồng chí, đồng đội, anh em gắn bó như chân với tay. Tại đây, Danh cưới một cô gái bán hàng tạp hoá ở gần đồn, sinh con và hoá "ông Bụt mặc áo quân hàm xanh" khi Dương Thành Ghi cùng vợ đổ bệnh rồi chết.

Bắc đảo Phú Quốc đã từng ám ảnh tôi với hình ảnh những người lính biên phòng dầm mình giữ biển Tây. Đường sá trắc trở mấy chục cây số, vượt qua những cái hoang sơ đã được đặt thành tên đồn biên phòng như Gành Dầu (gành toàn cây dầu); Rạch Tràm (rạch nước tràn ngập cây tràm)..., bữa cơm của họ chỉ có mắm kem (nước mắm khô quánh) và trứng vịt muối mặn chát.

Vừa là đảo vắng, vừa là miền rừng hoang thẳm, chồng chất khó khăn. Những hàng mít trước đồn, bị gió táp quanh năm, lá không tài nào mọc được. Bão đến, có đợt có tới vài trăm thi thể người chết trôi dạt vào bắc đảo.

Tận bây giờ, ngôi nhà cổ tích của Danh Trường Danh vẫn ngun ngút trong cỏ rậm. Cỏ bời bời dạt ra theo từng bước chân Danh. Ngôi nhà lá dừa nước tơ tướp giữa cỏ rả năm xưa đã biến mất, Bộ Tư lệnh Biên phòng nghe báo cáo về nghĩa cử của Danh, đã xúc động cắt kinh phí tặng vợ chồng anh một ngôi nhà trị giá ba chục triệu đồng.

Nhà bớt tiêu điều, nhưng cái nghèo khó thì vẫn thế. Năm miệng ăn chỉ trông vào đồng lương hơn hai triệu đồng/tháng của Danh. Trong khi bé Dương Kim Chi đang cần được điều trị và chăm sóc, khẩu phần ăn đặc biệt, bởi căn bệnh AIDS của bé đã đến giai đoạn nặng, lở loét, máu mủ, gào khóc thâu đêm.'

Vợ Danh, chị Lê Thị Ngọc Bích đã nhiều lần ngồi khóc bởi lo toan, bất lực, vì sự thiếu túng và vì không biết phải làm sao với hai đứa trẻ mồ côi, lại còn bị AIDS. Liên tiếp, anh Dương Thành Ghi và chị Quyên (vợ anh Ghi) chết vì căn bệnh mà xung quanh hàng xóm hãi hùng: AIDS. Rồi lại phát hiện con gái của họ, bé Kim Chi nhiễm HIV ở giai đoạn cuối.

Danh vay tiền đưa cháu vào đất liền xét nghiệm, rồi chạy vạy đưa cháu về thăm quê nội, ai dè, ông bà nội "kỳ thị" đến mức đem cả mấy bộ quần áo của bé Kim Chi ra đốt vì sợ lây bệnh. Nhiều khi, ba đứa trẻ ốm (anh Danh và chị Bích có một đứa con gái mới 2 tuổi), nuôi chung trong căn nhà chật, nhìn cháu Chi lở loét chảy mủ xanh, máu đen sậm ra tai, ra mũi, chính anh Danh cũng hoảng hồn. Anh Danh tìm đọc sách, tìm hỏi chuyên gia để nỗ lực chăm sóc cháu. Bé Kim Chi trong veo, hồn nhiên không biết HIV là thứ gì, chính điều đó đã làm Danh bật khóc nhiều lần.

Thằng Dương Quốc Bảo - con anh Ghi quá cố cũng đã học lớp 5, biết nói với khách: "Em cháu bị siđa", rồi nó ngồi buồn rầu một góc nhìn em gái, mắt trong veo. Mắt bé Chi cứ xanh rờn đi mỗi ngày khiến anh Danh càng tin rằng nó chẳng ở được với anh chị bao lâu nữa, anh lại ôm bé Chi vào lòng, ghì riết. Cơ thể nó dù lở loét, mặt nó vẫn thanh thản, bình yên, đáng yêu như bất cứ đứa trẻ nào trên đời.

Hoạ vô đơn chí, đang nức nở lo đám tang cho người đồng đội xấu số Dương Thành Ghi vào mùng 4 Tết năm 2004, thì hai ngày sau, con trai anh Danh là cậu bé Danh Trường Quốc đi học về, ngã xuống suối thiệt mạng. Tang bạn, tang vợ bạn, tang con trai mình xong, anh Danh rơi vào tột cùng hoang mang. Lúc ấy, lời của người đồng đội đang hấp hối vang lên như vọng vào từ rừng Phú Quốc, từ biển Tây hùng vĩ.

Lời hứa giữa rừng và biển

Nhà Danh đã nghèo, nhà vợ cũng nghèo, với 14 anh chị em ly hương tứ tán kiếm ăn. Mười chín tuổi, chị Lê Thị Ngọc Bích về làm vợ chiến sĩ biên phòng người Khmer đen sạm, chân chất như đá đảo Danh Trường Danh. Chị làm nghề bán hàng tạp hoá, họ hàng anh chị em ruột rà với chị, cũng ở dạng ai may mắn thì lo đủ cơm lạt qua ngày. Thế nên, khi nhà nội của các bé Quốc Bảo, Kim Chi hắt hủi các cháu, chị Bích, anh Danh cũng chẳng biết bấu víu vào ai.

Năm miệng ăn, đồn biên phòng thương Danh thật thà, thương xót Ghi "trót dại" rồi hẩm phận, họ tìm mọi cách chăm sóc hai cháu bé mồ côi. Họ đưa thằng Bảo ra đồn sống và ăn học, vì căn nhà lá dừa của "ba Danh" quá chật chội. Nhưng rồi Danh lại nằng nặc xin đón cháu về. Anh muốn cháu ở bên mình, như tâm nguyện của người đồng đội đã khuất. Đồn trưởng Lê Doãn Bá thở dài: Đồn mỗi tháng "hỗ trợ" vợ chồng Danh hai trăm nghìn gọi là giúp hai cháu ăn học, nhưng rồi kinh phí cũng chẳng còn, đành ngậm ngùi "cắt".

Đã khốn khó, lại thêm cái hoạ bị dẹp mất tiệm tạp hoá vì... HIV. Chẳng là, người ở xóm 4 ấy còn nặng nề trong việc phân biệt đối xử với người có "H" lắm. Hai người chết, một người đang lở loét, người ta sợ, chẳng ai dám đến mua hàng nữa. Thế là chị Bích phải bỏ nghề, ở nhà chăm 3 đứa nhỏ ăn uống, ngủ nghỉ và làm sao cho chúng... không lây bệnh sang nhau.

Cháu Kim Chi càng gãi, máu mủ càng chảy ra, máu mủ chảy qua mũi, qua tai, qua các vùng lở loét ở cổ và lưng cháu, cháu nằm trên đệm, đệm dấp dính toàn máu mủ. Làm nhiệm vụ trở về nhà, anh Danh lại loay hoay chăm sóc, tắm rửa, lau rửa vết lở loét cho bé Chi như một hộ lý, một y tá cần mẫn nhất.

Giữa bối cảnh chạy ăn từng bữa kia, có người khuyên vợ chồng anh Danh, hãy tìm một con đường tình nghĩa mà cũng chẳng phải là phụ bạc gì với vợ chồng người đồng đội đã khuất, ấy là gửi cháu Kim Chi vào trung tâm chăm sóc người có HIV ngoài tỉnh, trên thành phố. Như thế cháu sẽ được chăm sóc tốt hơn, bởi đội ngũ y - bác sĩ chuyên nghiệp, được cấp các loại thuốc kháng virut HIV của thế giới.

Danh nghe cũng có lý. Vợ chồng anh liên hệ, gói ghém quần áo cho bé Chi đi. Bé Chi cứ ngồi chơi chắt chơi chuyền, bé không biết buồn đau khi nhà trẻ trong ấp người ta sợ hãi không cho bé đi mẫu giáo, bé không biết mình sắp phải chia tay "ba Danh", "má Bích"... Sự hồn nhiên ấy làm anh Danh, chị Bích cùng nức nở. Danh thấy vọng vào từ biển Tây, từ rừng già lạnh toát của đảo Phú Quốc cái lời trăng trối của người đồng đội Dương Thành Ghi. Anh không thể xa bé Chi, bé phải ở nhà anh!

Danh nghĩ cách đôn đáo vượt 30km rừng già ra thị trấn Dương Đông xin thuốc điều trị cho bé Chi. Bé Chi, giả dụ có chết vì HIV, cũng phải chết trên tay anh. Thằng Bảo - anh bé Chi, năm nào cũng đạt học sinh tiên tiến, chăm ngoan.

Trước khi chia tay bắc đảo trong đêm lạnh toát ở cực tây nam tổ quốc, để trở về thị trấn Dương Đông, tôi phải nhờ Danh đưa đường, vượt qua những con đường bời bời cỏ dại. Giữa rừng đêm, Danh mới rụt rè bày tỏ hy vọng: "Kim Chi nó uống thuốc của Chương trình quốc gia phòng, chống HIV/AIDS vào, bệnh nó lui trông thấy. Cháu khoẻ, mắt không còn xanh lèo như mắt mèo nữa. Cháu sẽ sống, sẽ khoẻ, rồi thế giới người ta sẽ tìm ra thuốc chữa cho cháu!".

Danh luôn rụt rè như vậy. Nhưng, trong ánh điện lom lom ở căn nhà nhỏ của Danh, tôi đã thấy có rất nhiều bằng khen các loại, trong đó có cả hai cái Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (hạng Nhì và hạng Ba) do Chủ tịch nước Cộng hoà XHCNVN tặng Danh Trường Danh. Và, sắp tới, cuối năm 2008, anh sẽ là một đại diện xuất sắc cho lực lượng biên phòng tỉnh Kiên Giang ra Hà Nội dự Đại hội Thi đua Quyết thắng của biên phòng toàn quốc.

Cán bộ chiến sĩ và bà con ở Gành Dầu gọi Danh là "ông Bụt" mặc áo quân hàm xanh là vì thế.

Phóng sự của Đỗ Doãn Hoàng (Báo Lao Động)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.