Osin '5 sao' ở Sài Gòn, lương chục triệu - Kỳ 2: Sống được, Tây thương

30/06/2016 08:39 GMT+7

Từng là đầu bếp tại một khách sạn 3 sao ở trung tâm TP.HCM với mức lương 8 triệu đồng/tháng, Vân Anh cuối cùng quay lại làm "osin 5 sao" - nghề quản gia vì chất lượng sống lẫn thu nhập đều vượt trội.

Quản gia đa quốc gia
Trong số các quản gia từng được đào tạo tại Trung tâm, Nguyễn Thị Lệ có lẽ là một trong những người hành nghề lâu năm và có nhiều kinh nghiệm "đa quốc gia" nhất.
Lệ ra trường từ khóa đầu tiên của ngành quản gia tại Phước Lộc cách đây 10 năm, đã làm việc cho các gia đình người Singapore, Hàn Quốc, New Zealand, Ấn Độ, Tây Ban Nha và hiện nay là Pháp.
Nấu ăn tưởng chừng là thứ khó khăn nhất bởi sự khác biệt quá lớn trong văn hóa ẩm thực ở các gia đình này. Nhưng Lệ quả quyết: "Lúc còn ở trường, em được dạy rất kỹ các kỹ năng nấu ăn cơ bản, được học về an toàn thực phẩm, về cách bài trí món ăn, dọn bàn, cắt tỉa trái cây... Dù chỉ học món Âu, món Việt 3 miền chứ chưa từng được học qua món Ấn, món Hàn nhưng một khi đã nắm các nguyên tắc cơ bản, với sự hướng dẫn thêm của gia chủ, em có thể ứng biến khá nhanh".
Còn ngôn ngữ? Cô gái miền quê ở Hà Nam chỉ học hết lớp 10 cho biết ở Phước Lộc, tiếng Anh là môn luôn được chú trọng. "Suốt 1 năm em học nghề chỉ có một cô giáo người Việt dạy ngữ pháp, còn lại em liên tục được học với nhiều người nước ngoài khác nhau, làm quen với đủ giọng khác nhau nên không gặp khó khăn nhiều trong vấn đề giao tiếp", Lệ tự tin.
Các kỹ thuật nấu món Âu cơ bản ở trường đã giúp Lệ đáng kể khi đi làm. PXH
Với hành trang cơ bản như thế cùng với "kinh nghiệm đầy mình", mức lương của Lệ hiện nay là 600 USD/tháng (khoảng 13 triệu).
"Chế độ làm việc của em không khác gì mấy so với nhân viên văn phòng, cũng nghỉ ngày cuối tuần, ngày lễ, cũng có 12 ngày phép/năm, cũng có tháng lương 13, làm việc từ 8-10 giờ/ngày, được trả tiền ngoài giờ (70.000/giờ)", Lệ nhận xét. Ngoài ra, cũng có những thời gian chủ nhà về nước một vài tháng, Lệ vẫn được nhận đầy đủ 600 USD.
Nhân viên nhiều trong một
Đỗ Thị Vân Anh vào học ngành quản gia khi mới hết lớp 8, được yêu cầu cùng lúc học bổ túc văn hóa cho xong lớp 9 vì đây là điều kiện tối thiểu để có thể được cấp bằng quản gia.
Nữ tu Lê Thị Tríu, người sáng lập chương tình đào tạo quản gia tại Phước Lộc giải thích: "Nghề quản gia đòi hỏi các em không chỉ có kỹ năng về nội trợ mà còn cần biết tính toán, quản lý thu chi trong gia đình hay việc tính toán tỷ lệ các khẩu phần ăn sao cho khoa học".
Thống kê sau 10 năm đào tạo quản gia, nữ tu Tríu cho biết 73% học viên đầu vào có trình độ từ lớp 10-12, cá biệt 1% đã có bằng trung cấp.
Các hoạt động ngoại khóa, văn nghệ giúp học viên quản gia thêm vui vẻ, yêu nghề PXH
Quay lại với Vân Anh, vốn đã thích nấu ăn nhưng cô không ngờ sở trường của mình là thứ cô chưa từng thử, chưa từng nấu trước ngày vào trường: món Âu. Chính vì thế, sau khi tốt nghiệp, Vân Anh lập tức được giới thiệu đến làm quản gia cho một gia đình người Pháp.
Sau một thời gian hành nghề quản gia, Vân Anh quyết định "đổi món", rẽ sang làm đầu bếp cho một tại khách sạn 3 sao hơn 70 phòng ở trung tâm quận 1, TP.HCM với mức lương 8 triệu/tháng. Nhưng ngày nào cũng phải thức từ 3 giờ để nấu buffet sáng, thói quen sống nề nếp, giờ giấc ổn định bị đảo lộn hoàn toàn. Vân Anh nhận thấy nghề quản gia cho cô cuộc sống quy củ hơn hẳn.
Hiện cô đang nấu ăn cho 3 gia đình người Pháp, riêng một gia đình kiêm thêm công việc trông trẻ. Dẫu thế, Vân Anh cho biết cô cũng chỉ làm từ 8-10 giờ/ngày, nghỉ 2 ngày cuối tuần. Thu nhập của cô ở mức 14 triệu đồng/tháng.
Vân Anh quyết định bám trụ với nghề quản gia vì chất lượng sống tốt. K.O
Bà Delphine Rousselet, một trong các gia chủ của Vân Anh chia sẻ: "Tôi biết thu nhập của cô ấy còn cao hơn một số trợ lý trong văn phòng của tôi nhưng tôi nghĩ cô ấy hoàn toàn xứng đáng. Cô ấy cung cấp dịch vụ chất lượng cao và rất hữu ích".
Được biết bà Rousselet, quốc tịch Pháp hiện đang làm việc cho một dự án hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Bà chia sẻ ở Pháp chỉ có thể thuê người dọn dẹp hoặc thuê vú em, còn với một quản gia như Vân Anh, đó là một nhân viên "nhiều trong một", vừa trông trẻ, vừa nấu ăn, vừa có thể tư vấn, giúp đỡ mọi thứ cần thiết cho một người nước ngoài như bà, từ tìm chỗ sửa xe đến mua máy móc...
Bao luôn 1.000 USD viện phí
Có lần Vân Anh bị tai nạn giao thông nghiêm trọng, bà Rousselet đã đưa cô đến phòng khám Pháp CMI, sau đó chuyển vào bệnh viện phẫu thuật. Toàn bộ chi phí điều trị trên 1000 USD, bà đều trả hết. "Tôi cũng sẽ làm chính xác như vậy nếu nó xảy ra với con tôi", Rousselet chia sẻ, cho biết thêm sau vụ này bà đã rút kinh nghiệm luôn mua bảo hiểm y tế cho Vân Anh.
"Và cô ấy là một đầu bếp cừ khôi thật sự, lần nào bạn tôi đến nhà cũng yêu cầu được ăn lasagna vì lasagna của cô ấy là số 1, chẳng ở đâu ngon bằng", Rousselet hài lòng.
"Cách cô ấy quản lý tiền bạc, viết sổ sách, chăm sóc trẻ khoa học... cũng cho thấy cô ấy đã được huấn luyện rất bài bản", Rousselet nói thêm.
Osin 5 sao và giấc mơ xây nhà
Thông thường, mức lương của các "osin 5 sao" tại các gia đình người Việt không cao bằng tại các gia đình nước ngoài.
Như trường hợp của Nguyễn Thị Kim Thùy, một quản gia nhiều kinh nghiệm đang làm việc cho người Việt ở TP.HCM. Thu nhập của cô ở mức 7.800.000 và mỗi tuần chỉ nghỉ một ngày chủ nhật. Nhưng Thùy vẫn rất hài lòng vì công việc đó đã giúp cô tích góp mua được một mảnh đất trị giá 130 triệu ở huyện Tri Tôn (An Giang). Hiện cô đang tiếp tục tiết kiệm tiền cho mục tiêu xây nhà.
Một quản gia đang làm việc. PXH
Kể về chuyện mua đất, Thùy vừa cười vừa cho biết ấy là vì lúc đầu cô được yêu cầu phải làm thế. Lập kế hoạch chi tiêu dựa trên thu nhập và xác định mục tiêu trong cuộc sống là 2 môn ai cũng phải học ở Phước Lộc.
Tới hồi tốt nghiệp, trong vài tháng đầu đi làm, quản gia nào cũng phải thực hành: phải ký thác một phần thu nhập cho Câu lạc bộ quản gia gởi ngân hàng hộ, dẫu muốn dẫu không. Nhờ thế mà Thùy đã hình thành thói quen tiết kiệm, dẫu sau này không còn "bị ép" nữa. Dần dà cô tích góp được một số tiền lớn, vay thêm một phần từ quỹ ký thác chung của câu lạc bộ để mua đất. Các thành viên khác của Câu lạc bộ quản gia khi có kế hoạch chi tiêu tương tự, dẫu là đóng tiền học đại học, chữa bệnh cho người nhà hay mở cửa hàng buôn bán nhỏ... đều có thể vay từ nguồn quỹ này.
Liệu họ có... chạy làng? Đem câu hỏi này với người phụ trách Câu lạc bộ thì tôi nhận được cái lắc đầu "chưa thấy". Có lẽ các bài học về giá trị của lòng trung thực ngày nào ở trường đã ăn sâu, bén rễ trong lòng các cô gái?
Chị Huỳnh Hoàng Sa (ở quận 10. TPHCM) biết giờ giấc làm việc là vấn đề ban đầu chị "lăn tăn" nhất khi tuyển quản gia Phước Lộc vì "giờ cao điểm" của gia đình chị là vào chiều tối, mà hợp đồng lao động quy định quản gia chỉ làm việc tối đa 9 giờ/ngày. Nhưng rồi chị cũng mau chóng thích ứng: buổi sáng để quản gia đi học nghề, giờ làm việc bắt đầu từ trưa đến tối. Và chị hài lòng với lựa chọn của mình: "Em quản gia của tôi rất lễ phép, làm việc có trách nhiệm, sắp xếp khoa học và rất trung thực".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.