Phạt nguội giao thông ở TP.HCM: Chờ tự nguyện, gần 40 tỉ vẫn chưa có người đóng

08/04/2019 12:12 GMT+7

Trong năm 2018, TP.HCM có 58.955 trường hợp vi phạm giao thông qua hình ảnh nhưng chỉ khoảng 20% (khoảng 10 tỉ đồng) trong số đó chấp hành xử phạt. 80% quyết định xử phạt (khoảng 40 tỉ đồng) còn lại thì nhiều người vẫn chưa chịu đóng, vì sao?

Đóng phạt nguội dựa trên sự tự nguyện của người vi phạm!

[VIDEO] 80% người vi phạm không đóng “phạt nguội” tại CSGT TP.HCM
Đại úy Trần Minh Thức, Phó Đội trưởng Đội Chỉ huy và điều khiển đèn tín hiệu giao thông, cho biết CSGT TP.HCM gặp nhiều khó khăn trong quá trình xử lý vi phạm qua hình ảnh. Thứ nhất, do hệ thống giám sát hiện tại chỉ tập trung ở những khu vực trọng điểm, chưa rộng khắp trên địa bàn thành phố.
Thứ hai, một số chủ phương tiện khi nhận được thông báo vi phạm qua hình ảnh thì không đến cơ quan chức năng để chấp hành quyết định xử phạt.
Năm 2018, CSGT TP.HCM xử lý khoảng 58.955 trường hợp vi phạm qua hình ảnh nhưng chỉ có khoảng 12.000 trường hợp chấp hành xử phạt (tức khoảng 20%). Như vậy, có tới 80% số người vi phạm không đóng phạt.
Đại úy Thức cũng cho biết, Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) không chuyển danh sách phương tiện vi phạm qua hình ảnh đến các trung tâm đăng kiểm để đề nghị dừng đăng kiểm (vì chưa đủ cơ sở pháp lý). Việc đóng phạt còn đang dựa trên tinh thần tự nguyện của chủ phương tiện.
 Do đó, CSGT TP.HCM chỉ thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác như: tuyên truyền, phối hợp với công an địa phương trong việc chuyển thông báo vi phạm và nhắc nhở người dân chấp hành thông báo hoặc gửi thông báo đến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải để công ty buộc tài xế đến nộp phạt.
 
CSGT trích xuất hình ảnh từ camera để ra thông báo vi phạm Vũ Phượng
Trước đó, nhiều người bức xúc vì bị từ chối đăng kiểm do chưa đóng phạt nguội, Cục Kiểm tra Văn bản đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải xử lý nội dung việc dừng đăng kiểm do chưa nộp phạt nguội.
Phòng PC08 không chuyển danh sách phương tiện vi phạm qua hình ảnh đến các trung tâm đăng kiểm để đề nghị dừng đăng kiểm. Việc đóng phạt còn đang dựa trên tinh thần tự nguyện của chủ phương tiện.
Cục này cho rằng quy định xe ô tô phải được kiểm tra định kỳ về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, cơ quan đăng kiểm là kiểm tra, đánh giá về an toàn kỹ thuật của phương tiện, trong khi từ chối kiểm định với lý do chưa nộp phạt không thuộc về kỹ thuật.
Do vậy, PC08 cũng đề xuất cần có luật quy định rõ ràng, hoặc biện pháp chế tài để buộc người vi phạm qua hình ảnh đến đóng phạt.
Như vậy, việc đóng phạt nguội hiện nay chỉ dựa trên tinh thần tự nguyện, chưa có chế tài hoặc quy định rõ ràng để người vi phạm bắt buộc đến nộp phạt. Vậy việc xử lý vi phạm qua hình ảnh liệu còn hiệu quả?
Theo CSGT TP.HCM, chỉ có 20% người vi phạm qua hình ảnh đến đóng phạt nguội VŨ PHƯỢNG

Trường hợp từng bị phạt nguội cao nhất: 7,5 triệu đồng

“Phạt nguội” hay còn gọi là xử lý vi phạm qua hình ảnh là hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với các phương tiện tham gia giao thông sau khi những vi phạm đã xảy ra.
Hiện tại, đối với công tác xử lý vi phạm qua hình ảnh, đối tượng tập trung xử lý chủ yếu của PC08 là xe ô tô. Đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy thì PC08 tập trung phát hiện và xử lý ngay tại hiện trường.
Ở TP.HCM, các phương tiện vi phạm trong quá trình lưu thông trên đường có gắn camera sẽ được ghi lại, hoặc CSGT cầm camera ghi hình những trường hợp vi phạm. Những hình ảnh này được chuyển về Đội chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông để nơi này trích xuất hình ảnh, gửi thông báo xử phạt đến chủ xe.
Các phương tiện vi phạm qua hình ảnh vi phạm nhiều lỗi, đa phần tập trung vào những lỗi dừng, đỗ không đúng quy định, chạy quá tốc độ, chạy xe không đúng làn đường, vượt đèn đỏ. Trường hợp bị phạt nguội với số tiền phạt cao nhất mà PC08 từng xử lý là 7,5 triệu đồng.
Hình ảnh được trích xuất từ các camera trên đường hoặc CSGT đi ghi hình Vũ Phượng
Một thông báo vi phạm VŨ PHƯỢNG
PC08 cho biết hiện nay vẫn còn một số người tham gia giao thông chỉ chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông khi có bóng dáng CSGT hoặc thấy camera trên một đoạn đường nào đó. Trong khi việc chạy xe đúng luật, không chỉ thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật mà còn để đảm bảo an toàn cho chính người chạy xe và những người tham giao giao thông khác.

Cần có quy định riêng về phạt nguội

Theo Luật xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong vòng 7 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.

Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật này thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản.

Chưa kể, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 1 năm nên qua 1 năm thì biên bản đó không còn hiệu lực, người vi phạm không có nghĩa vụ phải đóng phạt nữa.

Mặt khác, CSGT phải có nghĩa vụ chứng minh chủ xe là người điều khiển phương tiện tại thời điểm ghi hình thì mới ra quyết định xử phạt chủ xe được. Vì nguyên tắc là phạt người điều khiển phương tiện chứ không phải chủ xe (đối với các lỗi thông thường). Do đó, hiện tại việc đóng phạt nguội chỉ phụ thuộc vào ý thức tự giác.

Theo tôi, việc phạt nguội rất cần thiết vì sẽ góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, nhưng cần có một quy định riêng, nghị định riêng về phạt nguội để việc xử phạt được hợp tình, hợp lý và đúng các quy định của pháp luật.

Thạc sĩ - luật sư Huỳnh Công Thư (Đoàn Luật sư tỉnh Long An)

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.