Phòng khám không phép “nổ” trên Facebook: Tiền mất tật mang!

20/11/2016 19:03 GMT+7

Cảnh giác với các lời rao quảng cáo trên mạng xã hội, đừng quá cả tin mà tiền mất tật mang... Đó là ý kiến nhiều bạn đọc sau khi đọc bài Phòng khám không phép “nổ” trên Facebook đăng trên Thanh Niên ngày 19.11.

Quảng cáo dày đặc
Thời gian gần đây có rất nhiều loại... thần dược, phòng khám giỏi được chạy quảng cáo trên mạng xã hội. Họ quảng cáo rất có nghệ thuật, dùng hình ảnh, phóng sự của truyền hình để quảng cáo cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, những ai rành công nghệ và nhạy cảm một chút đều nhận ra đó là những hình ảnh, phóng sự được cắt ghép nhằm đánh lừa người xem. Dẫu vậy hàng trăm người nhẹ dạ, cả tin đã “dính bẫy”.
Đừng tin những gì trên mạng xã hội, hãy thẩm định thật kỹ trước khi bỏ tiền ra mua những thứ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mình.
Đặng Hồ Hoàng Tuấn (H.Bình Chánh, TP.HCM)

tin liên quan

Phòng khám không phép 'nổ' chữa bệnh khó trên Facebook
Hai phòng khám đông y lên Facebook quảng bá chữa được nhiều loại bệnh khó... thu hút hàng ngàn lượt chia sẻ. Nhưng khi cơ quan y tế kiểm tra thì cả hai đều hành nghề không phép cùng rất nhiều vi phạm.
Hành nghề phải có lương tâm
Nghề y liên quan đến sinh mạng, sức khỏe con người mà làm ăn thất đức thì rồi thế nào cũng gánh lấy hậu quả. Bày ra đủ thứ chiêu trò như quảng cáo phòng khám trên mạng, phóng đại năng lực, cường điệu tác dụng của thuốc... là việc cấm kỵ của nghề này. Bởi thế nên có nhiều vị danh y rất ít khi đề cập đến khả năng của mình. Họ cứu người một cách thầm lặng và rất dị ứng với các vị “lương y rởm”, chuyên lừa người lấy tiền. Về mặt nhà nước thì phải xử phạt các phòng khám này, nhưng về mặt y đức, thiết nghĩ hội y học cổ truyền cũng phải tẩy chay, lên án hoạt động phi đạo đức, làm vẩn đục nghề nghiệp của những vị xưng danh thầy thuốc mà làm ăn không tử tế.
Ngọc Thiên (TP.Biên Hòa, Đồng Nai)
Lập lờ đánh lận...
Qua mô tả trong bài báo, tôi hình dung được cách thức mà các vị lương y này làm ăn. Người có tâm, chính trực không thể ghi toa thuốc điều trị bệnh mà lại bán toàn thực phẩm chức năng. Người bình thường cũng phân biệt được 2 loại này khác nhau như thế nào, chả lẽ người hành nghề y lại không biết? Đây là sự “lập lờ đánh lận con đen” để lừa lấy tiền người bệnh. Cho nên việc rà soát thường xuyên và tăng nặng hình thức xử phạt các cơ sở khám điều trị tư nhân vi phạm là việc làm rất cần thiết. Đồng thời theo tôi, cũng đặt vấn đề trách nhiệm cụ thể với cơ quan quản lý ngành ở địa phương. Một phòng khám mở ra và hoạt động kiểu như vậy, cơ quan này không thể nói là không biết!
Nguyễn Thọ (Q.Gò Vấp, TP.HCM)

       
Việc thanh tra, xử lý ngay 2 phòng khám không phép nhưng quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội là việc làm rất đáng hoan nghênh của Thanh tra Sở Y tế TP.HCM. Việc này cần làm liên tục và rộng khắp các địa bàn bởi hiện nay việc quảng cáo thuốc đặc trị, thần dược cũng như quảng cáo các phòng khám “trị đâu hết đó” đang khá rầm rộ trên mạng.
Bùi Vũ Minh Trị (H.Dĩ An, Bình Dương)
       
Chiêu thức khiến những mẩu quảng cáo thuốc, phòng khám trên mạng xã hội hay dùng là cho nhân viên, người nhà... vào comment dưới các mẩu quảng cáo. Đọc các comment như: “Thuốc hay lắm, uống vài lần là khỏi, cảm ơn nhiều, gửi thêm cho mình nhé” hay “người nhà mình điều trị ở đây rồi, 2 tuần là khỏi”... thì nhiều người tin ngay. Cơ quan chức năng cũng cần có quy định, kiểm soát chặt chẽ hành vi quảng cáo thuốc chữa bệnh, phòng khám trên mạng xã hội.
Nguyễn Hoàng Minh (H.Bến Lức, Long An)
An Phong - Duy Khang (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.