Mặc dù trước khi về tết hứa hẹn sẽ lên Hà Nội ngày mùng 8 tết, nhưng giúp việc nhà chị Lê Ngọc Dung ở phố Bùi Ngọc Dương (quận Hai Bà Trưng) vẫn bặt tăm. Chị Dung than thở: “Thằng bé 2 tuổi quấn bác giúp việc lắm, mình không muốn tìm người mới vì ngại thay đổi, con lại phải làm quen từ đầu. Cả tuần nay, hai vợ chồng thay nhau nghỉ làm để trông con, nhà cửa bề bộn, trong khi bác giúp việc lúc thì nói nhà giỗ xin lên muộn, sau lại khất bảo bị ốm. Mình đã cố nhịn chờ đến qua rằm, gọi điện thoại năm lần bẩy lượt mới nghe, cuối cuối cùng bác ấy chốt lại 1 câu: chồng không cho đi”.
Bị giúp việc “bỏ bom” là câu chuyện đến hẹn lại lên tại các thành phố sau mỗi kỳ nghỉ tết. Có người lên muộn vì lý do gia đình, nhưng cũng có những người viện lý do chồng ốm, con đau, giỗ chạp… nhằm mục đích đưa ra “yêu sách” tăng lương.
Chung cảnh ngộ với chị Ngọc Dung, để giữ chân giúp việc, ngoài túi quà tết, lì xì, chị Đỗ Thị Quyên ở khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) còn thưởng lương tháng thứ 13, thế nhưng giúp việc vẫn một đi không trở lại. Chị Quyên mệt mỏi cho biết: “Tôi trả cho giúp việc 4 triệu đồng/tháng. Nhà ở chung cư, công việc không nhiều nhặn cho lắm, 2 đứa trẻ đi học cả ngày, ngoài 2 bữa sáng và chiều, còn lại là dọn dẹp nhà cửa. Trước tết, bác giúp việc có gợi ý tăng lương, mình đã hẹn nếu làm tốt năm nay sẽ tăng thêm 500.000 đồng. Vậy mà... giờ lại phải nhờ mẹ chồng già yếu lên trông con giúp”.
Khảo sát tại một số trung tâm giới thiệu giúp việc trên địa bàn Hà Nội, từ ngày 13.2, người giúp việc tại các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Phú Thọ, Tuyên Quang… bắt đầu lục tục lên Hà Nội làm. Tuy nhiên, nguồn cung không nhiều. Mỗi ngày chỉ có từ 3-4 người. Giá giúp việc sau tết cũng trong khoảng từ 4-5 triệu đồng/tháng, tăng 500.000 đồng so với năm 2016.
Chị Hà, nhân viên tư vấn Trung tâm giúp việc gia đình tại Linh Đàm (quận Hoàng Mai) cho hay: “Ngày nào cũng có hàng chục cú điện thoại gọi điện đến tìm người giúp việc. Nhu cầu các gia đình ở thành phố ngày càng cao, trong khi người giúp việc ngày càng ít. Để có nguồn, từ trong tết chúng tôi đã phải về các tỉnh, nhờ cộng tác viên “săn” tìm người hoặc tìm kiếm lực lượng sinh viên bổ sung cho gói giúp việc theo giờ”.
tin liên quan
Chủ nhà bị osin trộm 80 lượng vàng viết 'tâm thư' cảm ơn công anCảm động trước chiến công phá án xuất sắc của lực lượng công an, gia đình bị hại đã gửi thư cảm ơn.
Theo bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, sau tết luôn là thời điểm biến động về giúp việc gia đình. “Sở dĩ năm nay sau nghỉ tết khan hiếm giúp việc hơn những năm trước còn bởi kết thúc thời gian nghỉ lễ cũng là lúc vào vụ lúa xuân nên nhiều người còn ở nhà cấy hái xong rồi mới đi làm. Bên cạnh đó, nhiều người giúp việc đi làm ở thành phố nhiều năm có kinh nghiệm nên thường viện cớ “làm giá” đòi tăng lương”, bà Liễu nói.
Để tránh tình trạng giúp việc “bùng” sau tết, theo bà Liễu, gia chủ nên giữ lại một phần lương, không nên thanh toán hết tiền. Nên có sự khuyến khích, động viên thưởng người giúp việc nếu lên sớm. Ngược lại, giúp việc vi phạm hợp đồng hoặc phá vỡ hợp đồng cũng cần phải phạt.
Ngoài ra, để đỡ mất thời gian tìm người giúp việc không ưng ý, mất công đổi đi đổi lại nhiều lần, theo bà Liễu, tốt nhất nên nhờ gia đình, bạn bè tìm người trực tiếp. Trong trường hợp tìm người qua trung tâm, các gia đình nên đưa ra nguyện vọng càng cụ thể càng tốt như: độ tuổi, kinh nghiệm, quê quán, mô tả công việc, mức lương…
Ngược lại, cũng phải yêu cầu trung tâm cung cấp thông tin đầy đủ của người giúp việc như: tên tuổi, quên quán, kinh nghiệm, kỹ năng và một vài thông tin cơ bản về gia đình, con cái... “Các gia đình nên tìm hiểu kỹ thông tin từ các trung tâm uy tín, xem xét kỹ nhân thân, các điều khoản hợp đồng. Mức lương giúp việc hiện tại phổ biến 4 triệu đồng/tháng, đừng vì bức xúc nhu cầu tìm người mà “phá giá” thị trường, càng khiến các trung tâm được đà đẩy giá lên cao”, bà Liễu khuyến cáo.
Bà Ngô Thị Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng cho rằng: “Đặc điểm chung của giúp việc gia đình đều xuất thân từ những vùng nông thôn. Họ không được qua đào tạo bài bản mà làm việc dựa trên kinh nghiệm. Do phải xa gia đình nên rất dễ tủi thân, mặc cảm. Vì vậy, trước hết gia chủ phải yêu thương, đối đãi có tình có nghĩa thì người giúp việc mới tận tâm, gắn bó với gia đình”.
Bình luận (0)