Quán cà phê đầy ắp đồ cổ cho người Sài Gòn vừa nhâm nhi, thưởng thức

10/09/2017 12:06 GMT+7

Khách ghé quán không chỉ để nhâm nhi ly cà phê đá, mà còn để tìm kiếm những món đồ yêu thích, hay được dịp hoài niệm về một thời của Sài Gòn xưa cũ.

Từ thời còn là sinh viên, tôi đã có sở thích đi lang thang ngắm đồ cổ, và cả đồ cũ… ở khắp các ngóc ngách của Sài Gòn.
Song, tôi không phải một “tay chơi đồ cổ”, bởi tôi chỉ thích thú với những câu chuyện ẩn sau những món đồ có số tuổi gấp n lần số tuổi của tôi, thay vì quan tâm đến chất lượng và giá trị (quy thành tiền) của chúng.
VIDEO: Quán cà phê chỉ dành riêng cho giới mê đồ cổ ở Sài Gòn
Thực hiện: Lưu Trân
Đó cũng là lý do cho việc tôi đồng ý đi cà phê với đứa bạn “đã lâu không gặp”. Nói thế nào nhỉ, tôi không biết uống cà phê, và cũng không thích uống cà phê, nhưng vẫn đồng ý bởi lời rủ rê của bạn: “Đi đi, không uống cà phê thì đến ngắm đồ cổ”.
Quán không tên, nằm ngay số nhà 35 Nguyễn Thái Bình (quận 1). Không gian quán khá rộng rãi, 2 bên tường là rất nhiều những chiếc tủ kiếng trưng bày vô số đồ vật, được xếp san sát nhau Ảnh: Lưu Trân
Khoảng trống ở giữa được chủ quán sắp xếp khoảng 10 bộ bàn ghế gỗ để khách uống cà phê. Chúng tôi ghé quán tầm 10 giờ sáng, khách lúc này khá đông, vài người chơi cờ tướng, một số đang bàn luận rôm rả về mấy món đồ mới tậu được, người thì nhẹ tay lau dọn, sắp xếp đồ đạc hay chỉ ngồi trước cửa, bâng quơ nhìn ngắm phố xá…
Bất giác, tôi cảm thấy như cái nhịp sống ồn ào của Sài Gòn đã bị bỏ quên bên ngoài kia, ở đây chỉ có những con người thư thái, nhàn nhã và bình yên đến lạ lùng.
Thu hút sự chú ý của tôi là một ông cụ ngồi nơi góc quán, đang cẩn thận lau chùi chiếc bình gốm màu trắng ngà pha xanh, thỉnh thoảng ông lại nhấp một ngụm cà phê rồi ngửa mặt lên trời, ra chiều thích thú lắm.
Đứa bạn vỗ vai tôi cái bốp, nói: “Ông Tư đó, ổng 90 tuổi rồi, lớn tuổi nhất ở đây, sở hữu cũng cả kho đồ cổ chứ chẳng chơi. Mày ngồi đó ngơ ngác một hồi, thể nào ổng cũng kêu mày lại hỏi chuyện à”.
Bên ly cà phê, ván cờ, những câu chuyện về đồ cổ không bao giờ cạn, chủ đề từ Nam ra Bắc, từ Đông sang Tây… Ảnh: Lưu Trân
Mà đúng thật, bạn tôi vừa dứt lời thì ông Tư đã ngoắc tay về phía tôi rồi nói lớn: “Người mới hả con, muốn tìm gì, tới trao đổi hay mua?”.
Sau khi nghe tôi nói về lý do tìm đến quán, ông Tư cười khà khà: “Mày y chang tao hồi trẻ, mê đồ cổ mà không có tiền chơi. Đoán thử xem cái này bao nhiêu năm tuổi? Đúng thì tao tặng luôn”, vừa nói ông vừa xoa xoa chiếc bình gốm cổ.
Ông Tư vui vẻ khoe món "đồ chơi" yêu thích Ảnh: Lưu Trân
Đón chiếc bình từ tay ông Tư, tôi bị mê hoặc bởi sự mềm mại lộ rõ trong từng nét vẽ, những đường chạm trổ kỳ diệu, tuyệt mỹ. Theo lời ông, chiếc bình có xuất xứ từ Quảng Ninh, tính từ lúc ra đời cho đến nay cũng “mấy trăm năm tuổi”, giá trị của nó có thể lên đến hàng chục triệu đồng. Song, do không đoán được nên tôi cũng không được ông tặng cho chiếc bình.
Họ ra đây như một thói quen, dù biết không có đồ để mua, chưa có gì mới để xem, hoặc không đủ tiền mua Ảnh: Lưu Trân
Chúng tôi rảo một vòng khắp quán, đếm hết thảy có tổng cộng 23 chiếc tủ kiếng, tủ nào cũng chất đầy những món đồ và được khóa cẩn thận. Đứa bạn đi cùng tôi thích thú khi tìm ra được cái chân nến bằng đồng hình cô gái mất đầu, nó kéo tôi lại thì thầm: “Mày thấy chưa, cả một kho luôn đó. Tao ưng cái chân đèn này quá, đẹp quá”.
Đáp lại sự hưng phấn của bạn tôi, ông Trần Văn Chí (57 tuổi, chủ quán) nói: “Chơi đồ cổ ngó vậy mà cũng phải có duyên hết đó, nhiều người cũng khoái cái chân đèn này mà rồi không ai mua, tại nó chỉ có lẻ 1 cái chứ không đủ nguyên cặp”.
Ông Chí bên cạnh 1 trong số những chiếc tủ cổ vật của mình Ảnh: Lưu Trân
Ông Chí quê gốc ở Nam Định, vốn là dân sưu tập tranh, sau khi chọn mảnh đất phía Nam làm nơi “an cư lập nghiệp” vào năm 1990, ông mở quán cà phê và biến nơi đây thành “chợ đồ cổ”, hay còn được nhiều khách gọi là “quán cà phê chỉ dành cho người mê đồ cổ” ở Sài Gòn.
Nói về ý tưởng mở quán cà phê này, ông Chí cho biết: “Tôi thì mê đồ cổ lắm, nhưng không đủ điều kiện để chơi nhiều. Ngày xưa tôi chỉ mở quán bán cà phê bình thường thôi, sau này có được chút vốn mới bắt đầu sưu tầm đồ cổ về đây. Rồi anh em gần xa họ cũng tìm tới, trao đổi, mua bán, dần dần tự hình thành một hội đồ cổ, thân với nhau đến giờ luôn”.
Ông cũng nói thêm, đồ ở đây chủ yếu là do nhiều người đem đến ký gửi, nếu có ai muốn trao đổi hay mua bán gì thì ông sẽ liên hệ với chủ nhân của món đồ Ảnh: Lưu Trân
Khi tôi hỏi thu nhập của ông chủ yếu từ quán cà phê hay từ các món đồ cổ, ông nháy mắt, nói nửa thiệt tình nửa giỡn chơi: “Hỏi là thu nhập chính từ cái nào thì khó trả lời lắm. Cà phê tôi pha không ngon đặc sắc nhưng nó có cái vị đặc trưng riêng, và vẫn có lượng khách quen uống mỗi ngày. Còn về đồ cổ, ai cũng biết giá trị đồ cổ rất vô chừng, tùy thuộc vào độ hiếm và độc đáo mà có giá càng cao. Buôn bán mặt hàng này thì tùy vào mức độ hên, xui. Chủ yếu là tôi mê và yêu đồ cổ”.
Cũng như ông Chí, khách đến đây không chỉ đơn thuần để mua bán thanh lý đồ cũ mà còn để thưởng thức, tìm về hương sắc Sài Gòn xưa Ảnh: Lưu Trân
Biết tôi có ý định viết bài về quán, ông Chí nhìn xa xăm, nói như tâm sự: “Đồ vật cũng như con người, đều có tâm tư, tình cảm và cả một cuộc đời đầy đủ quá khứ, hiện tại, tương lai. Không dễ gì tiếp xúc ngày một ngày hai mà có thể hiểu hết được. Nhưng tôi tâm đắc một điều, phải có tình yêu với món đồ thì mới thấy nó đẹp, mới thấm thía cái tình, mới “chín bỏ làm mười” mà viết thành câu chữ được”.
Quán chỉ mở cửa từ 7 giờ sáng đến 5g30 chiều, theo lời ông chủ thì “giờ đó anh em tụ tập với nhau, bàn về đồ cổ là chính, ai thích thì kêu nước uống, không thì cứ tới ngồi chơi cũng được” Ảnh: Lưu Trân
Những điều ông nói, tôi có phần hiểu, phần không.. Nhưng nó lại khiến tôi nghĩ rất nhiều về những chuyện không hay vẫn thường xảy ra trong việc buôn bán đồ cổ.
Rõ ràng, ai cũng biết đồ cổ “thật, giả lẫn lộn”, đối với người “sành” đồ cổ thì việc nhận biết sẽ vô cùng đơn giản, còn người mới tìm hiểu thì phải mất thời gian “đèn sách” và học hỏi mới phân biệt được… “Nghề chơi” cổ vật cũng vì vậy mà lắm công phu.
Người bán kẻ mua dù làm nghề gì cũng có chung niềm đam mê, yêu thích đồ cổ, họ trân trọng từng lưu vật bé nhỏ của tiền nhân Ảnh: Lưu Trân
Ông Ngô Hưng (60 tuổi), “tay chơi” đồ cổ lâu năm chia sẻ: “Tôi thường ghé quán bởi thích cái không khí ở đây, yên ắng, rất thích hợp để tôi có cơ hội được gặp gỡ, trò chuyện, trao đổi với những người cùng chung sở thích sưu tầm đồ cổ. Có khi chịu khó lượm lặt cũng được nhiều món thú vị giá tốt như tem, tiền xưa, huy hiệu, bàn ủi…
Một món cổ vật có “giá” phải đạt các tiêu chí: “nhất dáng, nhì da, tam toàn, tứ tuổi” Ảnh: Lưu Trân
Ông đưa cho tôi xem chiếc đĩa sứ nhỏ cỡ bàn tay người lớn, họa tiết trên chiếc đĩa rất đơn giản nhưng lại vô cùng bắt mắt. Ông gật gù, nói: “Một món cổ vật có “giá” phải đạt các tiêu chí: độc đáo, hiếm, không phụ thuộc vào số lượng. Giống như chiếc đĩa này, “nhất dáng, nhì da, tam toàn, tứ tuổi” nghĩa là nó phải có kiểu dáng đặc biệt, chất liệu độc đáo, còn nguyên vẹn và có thời gian, niên đại lâu đời”.
Đến quán của ông Chí rồi mới thấy, đồ cổ chẳng phải là thứ gì to tát lắm, cũng chẳng lấp lánh ánh vàng, ánh bạc hay chạm rồng khắc phụng… nó còn là những vật dụng hằng ngày của người dân như chiếc lư hương, chiếc hộp quẹt, cặp chân đèn, ấm nước, bức tranh… cho đến những vật chỉ có ở nhà quan hay người giàu như tấm hoành phi, liễn, câu đối…
Có thể thấy đồ cổ chính là sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại... Ảnh: Lưu Trân
Cả những vật tâm linh để thờ cúng, tượng Phật các loại. Thậm chí còn có thể tìm thấy từ cái nút áo cho đến chai rượu Tây, đồng tiền xu đến đồ nghệ thuật gốm sứ, đồ gỗ, tranh pháo… thuộc nhiều niên đại. Hàng có được từ nhiều nguồn, thu mua từ trong nước và nước ngoài đều có đủ.
...níu giữ thời gian Ảnh: Lưu Trân
... giúp người đời tìm về các giá trị cổ xưa Ảnh: Lưu Trân
Ngẫm nghĩ thấy, tôi vốn chỉ là một “tay mơ” trong “nghề chơi đồ cổ”, nhưng được tiếp xúc, được sờ tận tay những món cổ vật, tự dưng tôi lại xúc động.
Sự xúc động hệt như khi con người ta đứng giữa một thành phố xa hoa, đầy rẫy những cao ốc chọc trời và may mắn vớ được một nơi chốn nhuốm màu hoài cổ, và cũ... Cũ như ông bà, như cha mẹ, như là một nốt trầm bình lặng đối với những con người hiện đại đem lòng yêu thích những điều từ thuở xa xưa. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.