Những năm qua, đảm bảo an toàn các bãi thải của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam luôn là nỗi lo của chính quyền và người dân tỉnh Quảng Ninh, nhất là trong mùa mưa bão. Các bãi thải này hình thành từ khoảng 100 năm trước và cao như núi, nằm dọc quốc lộ 18, từ thị xã Đông Triều đến thành phố Cẩm Phả, trong khi phía dưới là hàng nghìn hộ dân đêm ngày lo tai nạn sạt lở.
Theo Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, trên địa bàn tỉnh hiện có 6 bãi thải lớn, mỗi năm ngành này cũng bóc xúc, đổ thải 250 - 300 triệu m3 đất đá tại các mỏ lộ thiên và gần 1,3 triệu m3 xít thải của các nhà máy tuyển than. Lượng đất đá, chất thải ngày càng tăng do các mỏ lộ thiên ngày một khai thác xuống sâu trong khi nhiều bãi thải đã đạt và vượt ngưỡng cho phép.
Trong khi đó, từ cách đây 2 năm, các dự án tại Quảng Ninh cần hàng trăm triệu tấn đất đá, phải khai thác tại các khu đồi tự nhiên, gây hệ luỵ xấu về môi trường. Thời gian tới, địa phương cũng có một loạt dự án san lấp mặt bằng. Cuối tháng 6 vừa qua, tỉnh Quảng Ninh có cuộc làm việc với Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam về việc “giải cứu” các bãi thải.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh, các dự án trọng điểm trên địa bàn đang cần 500 triệu m3 đất đá san nền và đất đá tại các bãi thải đều tương đối thuận lợi cho việc trở thành vật liệu san lấp mặt bằng.
tin liên quan
Dừng toàn bộ các dự án tận thu than tại TX.Đông TriềuBí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đã yêu cầu dừng toàn bộ các dự án tận thu than, cát, đất sét trên địa bàn TX.Đông Triều và hoàn nguyên môi trường các vị trí vừa dừng khai thác...
Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Trước mắt, tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam thống nhất việc quy hoạch địa điểm lấy đất đá từ bãi thải Đông Cao Sơn (thành phố Cẩm Phả) và bãi thải Bắc Bàng Danh (thành phố Hạ Long) để phục vụ các dự án trọng điểm sắp triển khai.
Về phương án vận chuyển, giá vật liệu…, khi nào triển khai từng dự án sẽ có phương án cụ thể giữa các bên và thông báo cho các chủ đầu tư, nhà thầu vị trí lấy đất đá san lấp mặt bằng. “Chúng tôi yêu cầu phải nghiên cứu phương án vận chuyển đất đá từ các bãi thải để không ảnh hưởng đến môi trường”, ông Long nói.
Theo một lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Quảng Ninh, chủ trương lấy đất của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam để san lấp mặt bằng các dự án cũng là để đảm bảo môi trường, tránh việc phải khai thác đất, đá. Việc lấy số lượng đất bao nhiêu, vận chuyển như thế nào sẽ có phương án riêng và có đánh giá tác động môi trường cho từng dự án. Qua khảo sát, đất đá tại các bãi thải của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam phù hợp với việc san lấp mặt bằng.
Bình luận (0)