Phạt tiểu bậy là việc phải làm, nhưng đồng thời phải làm thêm thật nhiều nhà vệ sinh công cộng, là ý kiến của không ít bạn đọc khi đọc bài Ra quân phạt... tiểu bậy trên Thanh Niên số ra ngày 22.3.
Xử phạt là hợp lý
Cháu tôi 6 tuổi, ở Canada theo mẹ về VN chơi. Khi nhà tôi đưa cháu đi Vũng Tàu chơi, dọc đường cháu muốn đi tiểu. Nhưng dù bác tài đề nghị “giải quyết” ở ven đường hay bãi biển thì cháu đều từ chối. Chỉ đến khi tới được một chỗ tắm nước ngọt có nhà vệ sinh mới chịu đi tiểu. Qua đó, nếu trẻ em được dạy và có ý thức từ nhỏ thì phạt là biện pháp sau cùng. Còn với ý thức kém của một số người dân thì phạt cũng hợp lý. Chỉ mong nó được thực hiện lâu dài, không là phong trào.
Hoài Yên (TP.HCM)
Nên có nhiều nhà vệ sinh công cộng
Để người bị xử phạt tâm phục khẩu phục thì cần bố trí nhiều nhà vệ sinh di động ở các tuyến phố có đông người đi bộ. Bên cạnh đó, cần có quy định các nhà hàng, khách sạn, các cây xăng, siêu thị... phải cho người có nhu cầu bức bách sử dụng nhà vệ sinh, có thể thu phí. Có chỗ để “xả” mà lại “xả bậy” thì việc xử phạt mới thực sự thuyết phục.
Nguyễn Thế Ban (Q.Tân Phú, TP.HCM)
Phải phạt triệt để
Theo tôi cần gắn thêm nhiều camera trên các tuyến phố để kịp thời phát hiện, xử lý người vi phạm vệ sinh nơi công cộng. Đã không làm thì thôi, làm thì làm triệt để, đừng làm theo phong trào, làm cho có thì bệnh “lờn thuốc” ngày một nặng hơn.
Hồ Tấn Phúc (P.3, Q.4, TP.HCM)
Nhân rộng cả thành phố
Hoan nghênh chính quyền Q.1, TP.HCM đã ra quân dẹp nạn tiểu bậy. Đã đến lúc công dân phải có trách nhiệm ở nơi công cộng, trách nhiệm giữ gìn hình ảnh của chính mình, cũng là bộ mặt của thành phố nói riêng và người dân Việt nói chung.
Nguyễn Trần Huy Tùng (P.4, Q.8, TP.HCM)
An ninh ở nhà vệ sinh công cộng
Để xóa nạn tè bậy, ngoài xây dựng nhà vệ sinh công cộng sạch đẹp còn phải chú ý đến vấn đề an ninh cho người đi vệ sinh. Người VN chủ yếu đi lại bằng xe máy, khi có nhu cầu, tìm nhà vệ sinh là một chuyện, tìm được người giữ xe để yên tâm đi vệ sinh lại là chuyện khó hơn. Đó là chưa kể đến chuyện dễ bị quấy rối trong nhà vệ sinh. Các vấn đề này cần đảm bảo trước khi tiến hành xử phạt đại trà, xử phạt nặng.
Nguyễn Phạm Công Minh (P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Đinh Trúc Ly (Q.8, TP.HCM)
Huỳnh Duy Hiệu (Q.8, TP.HCM)
T.T - Thanh Đông (thực hiện)
|
Bình luận (0)