Rác thải 'bức tử' làng quê: Đốt rác như đốt vàng mã

01/11/2017 08:38 GMT+7

Hiện rác ở nông thôn chủ yếu được đốt và chôn lấp, nhưng công nghệ xử lý lạc hậu càng làm gia tăng tình trạng ô nhiễm .

Vượt quá khả năng của địa phương
Hiện việc xử lý rác thải đang là vấn đề nhức nhối ở nhiều địa phương. Trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Mạnh Cường, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết theo thống kê, mỗi ngày khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh thải ra 585 tấn rác, nhưng lượng rác thải được thu gom, xử lý chỉ khoảng 400 tấn/ngày.
Trong khi đó, cơ sở hạ tầng về xử lý rác thải chưa đáp ứng được nhu cầu xử lý, việc thu gom và xử lý rác thải đều do các hợp tác xã vệ sinh môi trường các địa phương đảm nhiệm. Ở một số xã, rác thải mới chỉ được thu gom tại những khu vực tập trung đông dân cư và biện pháp xử lý chủ yếu là đốt tự do hoặc chôn lấp thông thường.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND xã Chấn Hưng (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), cũng cho biết phần lớn rác thải ra từ nhiều khu dân cư do người dân tự đốt gây mùi ô nhiễm. UBND xã nhiều lần tổ chức tuyên truyền người dân không đốt rác tự phát, nhưng rác nhiều thì không có cách nào ngăn chặn.
“Khó nhất của chính quyền địa phương là không có nguồn đầu tư lò đốt rác. Phí thu gom rác áp dụng toàn xã là 2.000 đồng/người/tháng, cả năm chỉ được hơn 100 triệu đồng, trong khi phải chi gần 20 triệu đồng/tháng cho nhân công gom rác. Xã cũng không có nhiều nguồn thu nên vấn để xử lý rác thải vượt ngoài khả năng”, ông Thắng nói.

tin liên quan

Rác thải 'bức tử' làng quê
Ở nhiều vùng nông thôn, rác thải sinh hoạt (RTSH) không được xử lý triệt để, ứ đọng trong các khu dân cư, khiến cuộc sống người dân khốn đốn vì ô nhiễm.
Tại thôn Trát Cầu (xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội), tình trạng đốt rác thải như đốt vàng mã cũng thường xuyên xảy ra ở bãi rác tự phát ven cánh đồng. Ông Hồ Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND xã Tiền Phong, cho hay rác thải từ các hộ làm chăn, ga, gối, đệm là rác thải làng nghề, nên không có hỗ trợ thu gom. Nếu địa phương cấm, người dân cũng không biết đổ đi đâu.
Nồng độ khí dioxin gấp hàng nghìn lần
Báo cáo hiện trạng ô nhiễm dioxin trong môi trường Việt Nam công bố tháng 11.2014 do Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất da cam/dioxin ở Việt Nam (Bộ Tài nguyên - Môi trường) cho thấy, nhiều mẫu khí thải, nước thải trong các lò đốt rác thải ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Hải Dương có nồng độ dioxin và các độc tính giống dioxin vượt mức cho phép từ vài lần đến hàng nghìn lần.
Nguyên nhân được chỉ ra là phần lớn các lò đốt rác công suất nhỏ tại Việt Nam đang sử dụng công nghệ xử lý lạc hậu. Theo thông tin từ Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên - Môi trường), cả nước hiện có 100 lò đốt rác cỡ nhỏ có công nghệ lạc hậu, không có hệ thống xử lý khí thải, nước thải dẫn tới phát thải ô nhiễm.
Theo Bộ Tài nguyên - Môi trường, tính chất rác thải sinh hoạt trước đây so với hiện giờ đã có nhiều thay đổi. Nếu trước đây chủ yếu là rác hữu cơ dễ phân hủy thì hiện nay gia tăng chất thải độc hại như ni lông, nhựa các loại, pin, bóng đèn…, là nguy cơ phát thải dioxin và các loại khí thải độc hại. Trong khi đó, để xử lý khí thải dioxin phát thải trong quá trình đốt rác phải sử dụng lò đốt công nghệ cao với nhiều quy trình xử lý.
Ông Nguyễn Thành Yên, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên - Môi trường), thừa nhận: việc tái chế rác thải sinh hoạt còn rất nhiều hạn chế, nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai các lò đốt công suất nhỏ ở quy mô cấp xã, dẫn tới việc xử lý chất thải phân tán, khó kiểm soát việc phát thải ô nhiễm thứ cấp vào môi trường không khí. (Còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.