Rác thải “bức tử” làng quê: Sẽ kiến nghị làm rõ trách nhiệm quản lý

02/11/2017 07:31 GMT+7

Xung quanh tình trạng rác thải sinh hoạt nông thôn gây ô nhiễm, PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Yên, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên-Môi trường).

Theo ông, nguyên nhân nào khiến tình trạng rác thải sinh hoạt ở nông thôn chưa được xử lý triệt để?
Trước hết, ở cấp T.Ư hiện nay về quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn chia lẻ trong quản lý giữa một số bộ, ngành. Chính phủ phân công trách nhiệm cho các Bộ Tài nguyên-Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học- Công nghệ và Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn. Theo phân công hiện nay chưa rõ Bộ nào là đầu mối chịu trách nhiệm về quản lý chất thải rắn phát sinh từ khu vực nông thôn.
Trong khi đó, UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư chịu trách nhiệm tổ chức quản lý, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Nhưng thực tế, nhiều địa phương chưa chủ động ban hành các quy định cụ thể về quản lý chất thải rắn, chưa đảm bảo kinh phí cho hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn ở địa phương; nhiều địa phương còn trông chờ nguồn ngân sách từ T.Ư. Công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý môi trường địa phương và các cơ quan chuyên môn khác thuộc địa phương còn có sự chồng chéo trong phân công thực hiện. Ở nhiều địa phương, quản lý chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu giao cho Sở Xây dựng quản lý, nhưng thường chưa rõ ràng trách nhiệm của các sở ban ngành.
Thưa ông, hiện nay công nghệ xử lý rác còn quá lạc hậu, có phải do cơ quan chức năng thiếu trách nhiệm?
Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện chưa đồng bộ, hiện đại. Nhà nước chưa có định hướng về sử dụng công nghệ, chưa có tiêu chí lựa chọn thiết bị, công nghệ phù hợp. Hiện nay, chưa có địa phương nào có mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt hoàn thiện đạt được cả các tiêu chí về kỹ thuật, kinh tế, xã hội và môi trường. Hoạt động tái chế chất thải rắn còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, chưa phát triển thành quy mô, thiếu sự quản lý và kiểm soát của các cơ quan hữu quan có thẩm quyền về bảo vệ môi trường ở địa phương…

tin liên quan

Kêu cứu vì rác thải
Ngày 12.10, trong cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Long An, ông Nguyễn Văn Út, Bí thư Huyện ủy Đức Hòa báo cáo tình hình rác thải, xử lý rác của huyện này từ đầu năm 2017 đến nay.
Vậy đã có trường hợp nào bị kỷ luật vì để xảy ra tình trạng làng quê ngập rác không thưa ông?
Quy định xử phạt về hành vi xả rác bừa bãi đã được ghi rõ trong các văn bản luật nhưng việc triển khai thực hiện chưa được. Thực tế, rất khó phạt được người dân xả rác bừa bãi ở nông thôn do địa bàn rộng, ý thức người dân chưa cao. Từ trước đến nay cũng chưa có trường hợp nào bị kỷ luật vì để xảy ra tình trạng làng quê ngập rác thải.
Theo ông, phải làm gì để xử lý hiệu quả rác thải ở nông thôn?
Trước mắt, Bộ Tài nguyên-Môi trường sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường nông thôn một cách hệ thống và đồng bộ, kiến nghị cấp có thẩm quyền phân định và làm rõ trách nhiệm của các bộ, các cơ quan của địa phương trong quản lý rác thải sinh hoạt nông thôn, tránh sự chồng chéo giữa các bộ ngành và địa phương. Rà soát, quy định rõ trách nhiệm của UBND từ cấp tỉnh tới cấp huyện, cấp xã; trách nhiệm các cơ quan chuyên môn; trách nhiệm của tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp; trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và của cộng đồng dân cư trong công tác quản lý chất thải.
Bộ Tài nguyên-Môi trường cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn theo hướng giảm thiểu lượng chất thải rắn chôn lấp, tăng cường tỷ lệ tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ chất thải và đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.