(TNO) “Qua theo dõi, từ đầu tháng 4 đến nay, có hơn 10 lượt rùa biển vào bờ, làm tổ nhưng chúng không đẻ. Có thể rùa mẹ phát hiện lớp cát ở phía dưới không đủ độ ẩm nên đã quay trở lại vùng biển”, sáng 4.7, ông Nguyễn Sĩ Hùng, Trưởng phòng Bảo tồn biển thuộc Vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận) cho biết.
Sau khi vào bờ sinh sản nhân viên Vườn đưa rùa trở lại với biển - Ảnh: Vườn quốc gia Núi Chúa cung cấp
|
Theo ông Hùng, định kỳ, rùa biển vào khu vực bãi Thịt và bãi Ngang của vườn sinh sản kéo dài từ tháng 4 đến tháng 11 hằng năm. Đây là nơi duy nhất ở đất liền và là khu vực thứ hai ở Việt Nam (sau Vườn quốc gia Côn Đảo) có quần thể rùa biển đến sinh sản, được nhân viên của vườn bảo vệ nghiêm ngặt.
Đến mùa sinh sản, rùa mẹ vào bờ, đào hố sâu khoảng 0,5 m rộng 0,4 m để làm tổ. Sau khi sinh sản xong, rùa mẹ lấp lớp cát lên miệng tổ trứng và quay về biển. Mỗi con rùa mẹ đẻ khoảng 70 - 130 trứng, tỉ lệ nở thành công từ 50 - 70% tùy theo điều kiện thời tiết.
“Qua theo dõi, từ đầu tháng 4 đến nay, có hơn 10 lượt rùa biển vào bờ, làm tổ nhưng chúng không đẻ. Có thể rùa mẹ phát hiện lớp cát ở phía dưới không đủ độ ẩm nên đã quay trở lại vùng biển”, ông Hùng nói.
Ông cho biết thêm nguyên nhân là do khu vực bãi Thịt, bãi Ngang nhiều tháng qua không có mưa, lớp đất cát ở phía dưới rất khô hanh, không đủ độ ẩm nên chúng “nín đẻ”, quay trở lại vùng biển.
Tổ trứng rùa biển nằm sâu dưới lớp cát
Sau khi sinh nở, rùa con được đưa về biển
|
Ông Hùng phân tích, rùa biển có khả năng “nín đẻ” nhiều ngày; khi lên bờ nhiều lần mà không tìm được nơi thích hợp để sinh sản, thì lượng trứng trong bụng rùa mẹ có thể tiêu biến trở thành nguồn dinh dưỡng để nuôi chúng hoặc đẻ rớt dưới lòng biển.
Về khả năng bơm nước tưới, tạo độ ẩm ở khu vực bãi Thịt và bãi Ngang, ông Hùng cho biết, rùa biển vào bờ sinh sản trong môi trường tự nhiên, nên khó có thể thích hợp khi có sự tác động từ con người.
Được biết, vào thời điểm này năm ngoái, đã có 10 lượt rùa mẹ lên bờ đẻ trứng thành công ở khu vực bãi Thịt và bãi Ngang.
Bình luận (0)