Quận 5 - nơi không hào nhoáng nhất nhưng đông vui nhất, không lãng mạn nhất nhưng vẫn hấp dẫn các bạn trẻ nhiều nhất, đơn giản vì khu vực lâu đời này sở hữu một kho tàng vô giá: nền ẩm thực cực kỳ phong phú và tinh thần phục vụ không chê vào đâu được của cư dân khu vực.
Nơi chốn làm nên ký ức thị giác và vị giác
Nếu phải chọn món ăn tiêu biểu của vùng Chợ Lớn, trước hết phải kể đến món mì với đủ loại: mì sườn, mì xá xíu, mì vịt tiềm, mì cật, mì sủi cảo… Sợi mì ngon có màu vàng óng, ăn từ lúc đầu đến khi hết sợi mì vẫn dai, giòn, không bở. Nước lèo là linh hồn của tô mì, mà bí quyết nấu nước lèo cũng chỉ có người trong gia đình của những “mì gia” mới tỏ tường. Các gia vị dùng để chấm không thể thiếu chai nước tương nắp xanh và chai dấm Tiều có nắp đỏ. “Xanh tương, đỏ dấm” là đặc trưng bất thành văn đã được các thế hệ người Hoa trên đất Việt thuộc nằm lòng.
Trong ký ức của nhiều người Sài Gòn, các xe mì quận 5 ngoài tô mì ngon thần sầu thì còn là nơi chắp cánh cho trí tưởng tượng tuổi thơ: Trên thành xe mì là các ô kính vẽ tranh kể chuyện Tam quốc, Phong Thần… Biển hiệu trước quán với các bức vẽ bác đầu bếp bụng bự bê đĩa vịt quay, hay hình bàn tay thon thả cầm ly sinh tố… chính là những ký ức thị giác tuổi thơ đẹp đẽ của không ít người Sài Gòn.
|
Công nghệ thổi làn gió thời đại lên phố xưa...
Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển, nhưng sự hiếu khách và nhanh nhạy của các chủ quán quận 5 vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Ngày trước, các phổ ky (người phục vụ) ở quán ăn quận 5 sẵn sàng đi bộ vài chục mét để bưng đồ ăn tới cho khách gọi đang ngồi ở quán khác. Ngày nay, khi thành phố trở nên đông đúc gấp đôi, thậm chí là gấp ba, những người đã xây nên nền ẩm thực giàu cảm xúc vị giác lẫn thị giác lại có thể tiếp tục tận tâm phục vụ thực khách ở những nơi xa hàng cây số nhờ tận dụng công nghệ: Hàng quán "bắt trend" tấp nập mọc lên, tài xế giao hàng đứng chật ken trước quán... Từ bao giờ, bên cạnh tiếng gọi món đã có thêm tiếng "ting ting" của máy báo đơn.
Cách các chủ quán quảng bá món ăn cũng khác xưa: Họ "lên app", trưng bày quầy hàng "ảo" đẹp xinh chẳng kém gì các quầy thức ăn tại quán... Bên cạnh lượng khách quen cũ, nhờ những "tiếng rao" mới, mỗi ngày họ đón nhận thêm hàng trăm khách hàng ở nơi xa. Chị Trương Lệ Ngọc, chủ tiệm chè gần chợ An Đông cho biết ngày cuối tuần, có khi chị nhận được đơn hàng cả chục ly chè của khách ở tận… Bình Thạnh. Qua lời kể của bạn shipper GrabFood vui tính, chị mới biết khách của mình là một nhóm sinh viên, nghe tiếng chè quận 5 từ khi mới lên thành phố học đại học, giờ thấy có gian hàng nhìn bắt mắt trên app nên liền đặt ngay.
|
Từ bao giờ, bên cạnh bảng hiệu, xe đẩy quen thuộc, những nét đặc sắc của ẩm thực thành phố thời 4.0 ẩn hiện trên những chiếc điện thoại, qua những bộ sưu tập "món ngon quận 5" hay những chuyến xe cần mẫn giao món ăn nối liền hai đầu Sài Thành. Có thể nói, sự xuất hiện của các dịch vụ giao thức ăn không chỉ đổi mới cách hàng quán quảng bá món ăn, mà còn có ý nghĩa thời đại ở khía cạnh nối liền văn hóa ẩm thực.
Không khó để nhận thấy, nhờ việc quảng bá cho các hàng quán, các nền tảng giao thức ăn đóng góp lớn trong việc lan tỏa văn hóa ẩm thực. Hòa mình vào văn hóa ẩm thực địa phương, bản thân dịch vụ giao thức ăn cũng trở thành một nét đặc sắc của nền ẩm thực Sài Gòn nói chung và quận 5 nói riêng. Trên mọi nẻo đường thành phố, giờ đây gần như chẳng bao giờ thiếu bóng dáng chiếc áo xanh và thùng thức ăn tươm tất in chữ GrabFood. Nụ cười tươi tắn của người giao hàng và thực khách khi gặp nhau đã trở thành một phần trong bức tranh văn hóa ẩm thực tại thành phố sôi động nhất cả nước…
Vào ngày 11 - 12.1.2019, Lễ hội ẩm thực Chợ Lớn Food Story do UBND quận 5 phối hợp cùng GrabFood và Outbox Consulting tổ chức sẽ diễn ra tại Công viên Văn Lang, phường 9, quận 5, TP.HCM, mở cửa miễn phí. Nằm trong dự án quảng bá ẩm thực Chợ Lớn, lễ hội quy tụ những món ngon tiêu biểu của quận 5, hứa hẹn mang đến cho người dân những trải nghiệm trực quan nhất về sự phong phú và bề dày của văn hóa ẩm thực Chợ Lớn.
|
Bình luận (0)