Sài Gòn xóm - Kỳ 3: Xóm Gà, 'trường gà oách nhất' chỉ còn mỗi... cái ngã tư

Lưu Trân
Lưu Trân
23/05/2018 09:46 GMT+7

Nơi này trước đây ít người sinh sống, dân chủ yếu chăn nuôi gia súc, gia cầm, đặc biệt là gà các loại... lâu dần người dân gọi khu vực này là Xóm Gà.

Trong cuốn Đại Nam nhất thống chí, phần Lục tỉnh Nam Việt, đời vua Tự Đức năm 1882, có ghi: “Tỉnh Gia Định năm đó có 3 phủ và 9 huyện. Phủ Tân Bình có H.Bình Dương, có xã Bình Hòa”.
Theo đó, khu vực Xóm Gà rộng khoảng 3 - 4km2, thuộc xã Bình Hòa, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (nay thuộc hai quận là Gò Vấp và Bình Thạnh, TP.HCM).
VIDEO: Xóm Gà ở Sài Gòn: Một thời trường gà nở rộ
Trường đá gà nổi tiếng và là nơi xuất phát của nhiều món ngon

“Xóm Gà là quanh khu ngã tư này đây, ngay khúc Lê Quang Định giao với Nguyễn Văn Đậu, đường này trước giải phóng là Ngô Tùng Châu.
Tên Xóm Gà nghe đâu là do người dân tự đặt theo đặc điểm ngành nghề, văn hóa sinh sống ở đây chứ không phải do chính quyền đặt.
Khu này trước đây đồng ruộng, đất đai rộng thênh thang mà người ở thì ít lắm. Người ta chăn nuôi, mà chủ yếu là nuôi gà, bán gà, có thể coi đây là chợ đầu mối gà đầu tiên của Sài Gòn cũng đúng”, ông Nguyễn Văn Giảng (73 tuổi, Tổ trưởng tổ 14, phường 11, quận Bình Thạnh) giải đáp khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc cái tên Xóm Gà.
Cũng theo lời ông Giảng, ngoài việc nuôi và bán gà lấy thịt thì người dân nơi đây còn nuôi thêm nhiều giống gà như: gà tre, gà nòi… để đá độ: “Tôi nghe ông bà ngày xưa kể lại thôi, như là hồi đó ở đây chuyên gà thịt, gà đá nên nhiều người ở tận Hóc Môn, Bình Chánh biết tiếng rồi cũng tự kéo đến thách đấu với gà của dân nuôi. Khoảng tầm những năm 1910 - 1945 thì khu này phải gọi là “trường đá gà” oách nhất”.
Song song với việc nổi tiếng về “võ gà”, xung quanh ngã tư này còn được nhiều người biết đến như một khu ẩm thực với nhiều món như: hủ tiếu mì, cơm tấm, bánh bao, bánh mì, xôi gà… “Đặc biệt là giá rẻ với nhiều đồ ăn lắm, ăn một phần là no căng bụng rồi”, ông Nguyễn Thành Minh (54 tuổi) cho biết.
Bà Nguyễn Thị Mỹ (59 tuổi, ở Xóm Gà từ năm 1972) và ký ức về Xóm Gà ngày cũ Ảnh: Lưu Trân
Qua trí nhớ của ông Minh, chúng tôi còn biết thêm khu vực Xóm Gà này chính là nơi đầu tiên làm ra món bơ trộn hột gà và pa tê để ăn kèm với bánh mì tại Sài Gòn.

“Có một cái đặc biệt nữa là trước giải phóng, khu này có tiệm bán thịt dơi ngon lắm. Rồi không biết sao người ta nghỉ, dẹp tiệm mất tiêu. Giờ tìm khắp Sài Gòn chắc cũng không có nơi đâu bán món thịt dơi này”, ông Minh tiết lộ.
Giang hồ tốt, giang hồ xấu
Cũng từ những trường đá gà này mà nhiều tay anh chị, “du côn” đâm thuê chém mướn cũng ngày một nhiều hơn ở Xóm Gà.
Bà Nguyễn Thị Mỹ (59 tuổi, ở Xóm Gà từ năm 1972) cho biết: “Thời tôi ở thì tệ nạn đã thuyên giảm nhiều rồi, lâu lâu mới có một vụ chứ thời ông cụ ông kỵ thì nhiều à. Hồi còn nhỏ đó thì tôi có nghe bà ngoại kể, khu xóm này ngày trước đa phần là dân ngoại tỉnh tới ở, đi làm thuê này kia, thêm việc ăn thua mỗi lần đá gà, cá độ nữa nên cứ ngày, hai ngày là xảy ra một vụ đánh đấm ghê lắm”.
Ông Nguyễn Văn Giảng (73 tuổi, Tổ trưởng tổ 14, phường 11, quận Bình Thạnh) Ảnh: Lưu Trân

Bà Mỹ cũng nói thêm, “dân anh chị”, giang hồ thì cứ hở tí là đâm, là chém. Song, bên cạnh đó vẫn còn những “anh hùng nghĩa hiệp” không bắt nạt hay đâm thuê chém mướn dân lao động, “ra đường thấy việc chướng tai gai mắt, thấy kẻ mạnh hiếp yếu là họ giúp đỡ ngay”.
“Đây, như chuyện ông Ba Giáp là chuyện mà ngày xưa là tôi với mấy đứa nhỏ trong xóm thích nghe nhất. Ổng quê đâu ở miền ngoài, lưu lạc vô đây rồi ở ngay Xóm Gà luôn. Ông Ba Giáp không vợ, con, sống bằng nghề dạy võ. Du côn khét tiếng ở khu Chợ Lớn ngày đó như Tư Mắt, Năm Liễu hay Sáu Thắm mà nghe danh Ba Giáp đều bái phục. Có lần chùa Ông làm đám chay mà bị bọn du côn ở Hóc Môn kéo xuống phá, mình ông Ba Giáp đấu với hơn 10 tên, ổng thắng, nguyên đám người đó chạy nháo nhào luôn. Sau đó thì không ai dám tới Xóm Gà gây sự nữa. Cả đời ổng cũng đánh đấm vậy chứ rồi quy y cửa Phật, đi tu từ rất sớm.”…
Kể một thôi một hồi, bà Mỹ chốt lại câu: “Thì nói chung nghe kể vậy, chứ thời đó tôi cũng đã đẻ ra đâu mà biết rõ thực hư như thế nào”.
Ngã tư Xóm Gà nằm ngay đoạn Lê Quang Định giao với Nguyễn Văn Đậu Ảnh: Lưu Trân

Vốn là khu của dân lao động, giá cả sinh hoạt không cao như khu trung tâm Sài Gòn nên Xóm Gà cũng từng là nơi ở của khá nhiều văn nghệ sĩ. Khi chúng tôi hỏi có biết nghệ sĩ nào từng ở Xóm Gà không, ông Thanh Minh liền nói một lèo vanh vách: “Có chứ, nếu hỏi ngày xa xưa quá thì tôi không biết, nhưng cái thời nghệ sĩ như Trang Thanh Lan, Tùng Lâm, Hùng Cường thì tôi biết rõ. Mấy người đó ở khúc dưới này nè, đi qua khỏi ngã tư chừng mấy chục mét là tới”.
Nói đoạn, ông Minh im lặng như nén tiếng thở dài: “Tự dưng nhắc cái thời xưa làm tôi nhớ ông bà, cha mẹ quá. Hồi đó còn nhỏ được nghe kể bao nhiêu chuyện, cứ nghĩ chỉ có trong sách vở thôi. Xóm Gà ngày trước ít người, nhà cửa thưa thớt, tệ nạn không hề ít nhưng nó là một phần trong ký ức, trong cuộc đời tôi".
Cũng theo ông Minh, bây giờ xã hội phát triển nên Xóm Gà cũng tiến bộ hơn nhiều, nhà cửa cao tầng, san sát nhau, nhưng cũng từ đó mà ai cũng nhà cao cửa rộng, kín cổng cao tường, không có sự thân thương như bà con lối xóm ngày xưa nữa. Việc nhà ai nhà nấy lo, cũng chẳng còn ai buôn bán gà ở khu này. Cuối cùng thì chỉ còn sót lại mỗi cái ngã tư tên Xóm Gà...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.