Săn đại bàng ở Langkawi

24/10/2016 20:14 GMT+7

Langkawi (Malaysia) còn được gọi là đảo đại bàng. Từ đây bạn có thể tận mắt ngắm nhìn những chú đại bàng chao liệng trên mặt biển ở nơi được ví là viên ngọc giữa đại dương.

Langkawi (Malaysia) còn được gọi là đảo đại bàng. Đó không phải là cái tên bắt nguồn từ truyền thuyết nào, mà sự thật bạn hoàn toàn có thể tận mắt ngắm nhìn những chú đại bàng chao liệng trên mặt biển ở nơi được ví là viên ngọc giữa đại dương.

tin liên quan

Tràm Chim mùa nước nổi
Năm 2012, Tràm Chim được chứng nhận là khu Ramsar của thế giới và được xếp vào 1 trong 8 vùng chim quan trọng ở vùng nước ngọt của VN.
Hòn đảo miễn thuế
Mất hơn 1 giờ đồng hồ, chuyến bay từ Kuala Lampur đã đưa chúng tôi đến Langkawi - quần đảo gồm 99 hòn đảo lớn, nhỏ của bang Kedah nằm ở phía bắc eo biển Malacca, gần biên giới giữa Malaysia và Thái Lan.
Từ trên máy bay, chúng tôi vô cùng thích thú khi nhìn thấy chi chít những hòn đảo được bao phủ bởi màu xanh của rừng cây nằm quây cụm cạnh nhau. Ai nấy đều ngạc nhiên khi biết có nhiều hòn đảo được tạo thành từ chính bàn tay của người dân Langkawi. Máy bay đáp xuống hòn đảo chính của Langkawi có tên Pulau,chuyến hành trình khám phá đảo đại bàng của chúng tôi bắt đầu.
Quah Kok Seong, hướng dẫn viên địa phương đón chúng tôi tại sân bay. Hệ sinh thái của Langkawi được bảo tồn khá tốt, nên khi đi trên đảo chúng tôi như ngập trong màu xanh ngắt của những rừng cây nguyên sinh, thỉnh thoảng lại bắt gặp những con chó hoang, khỉ… ở hai bên đường.
Chốc chốc Quah Kok Seong khiến mọi người thót tim với những khúc cua vòng ở tốc độ trên 100 km/giờ. Ông trấn an với lời giải thích rằng ở Langkawi tài xế có thể đi với tốc độ lớn nhưng hoàn toàn tuân thủ luật giao thông. Trên đảo gần như chưa khi nào xảy ra tắc đường. Cũng dễ hiểu vì mật độ dân số ở đây khá thưa, đảo rộng 320 km2 mà chỉ có khoảng trên 50.000 người dân sinh sống.
Săn đại bàng ở Langkawi 1
Nhà dân trên đảo được xây dựng khá đơn giản, nhưng hầu như nhà nào cũng có xe ô tô. Quah Kok Seong cho chúng tôi biết, chính phủ Malaysia miễn toàn bộ thuế hàng hóa trên đảo, như một cách để kích phát triển du lịch tại đây. Bởi vậy giá xe ô tô ở trên đảo rất rẻ, mỗi gia đình thường có ít nhất 1 chiếc làm phương tiện di chuyển.
Không chỉ vậy, chính sách này của chính phủ đã biến Langkawi trở thành hòn đảo miễn thuế nổi tiếng, địa điểm mua sắm yêu thích không chỉ của khách du lịch nước ngoài mà cả người dân Malaysia. Loại hàng hóa được mua nhiều nhất là sô cô la và xì gà. Vì thế, không ngạc nhiên khi trong trung tâm của Pulau bạn có thể dễ dàng bắt gặp hàng loạt cửa hàng, siêu thị lớn chỉ chuyên bán những mặt hàng này.
Ngắm Langkawi từ cây cầu trên không
Vị hướng dẫn viên dễ mến đưa chúng tôi đến nơi có thể ngắm nhìn Langkawi từ điểm cao nhất của hòn đảo - đỉnh Gunung Raya cao 890 m so với mặt nước biển. Việc di chuyển bằng cáp treo lên đỉnh núi có thể là thử thách với những người sợ độ cao.
Cô bạn gái đi cùng tôi không dám nhìn xuống phía dưới là rừng cây xanh có cảm giác sâu hun hút và nhìn lên phía trước là đỉnh dốc cao có lúc gần như dựng đứng. Nhưng khi cáp treo càng di chuyển dần lên cao, bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ được vẽ nên bởi những cánh rừng hùng vĩ, đại dương bao la với màu nước xanh ngắt như ngọc lại càng hiện lên rõ ràng, sắc nét.
Langkawi đã đưa ra những chính sách bảo hệ sinh thái tự nhiên, để biến nơi đây thành địa điểm du lịch hấp dẫn. Không chỉ vậy, đây còn là cách người dân Langkawi bảo vệ mình trước thiên tai. Ozman kể với chúng tôi, cách đây hơn 10 năm, Langkawi đã tránh được đợt sóng thần khủng khiếp từ Indonesia chính là nhờ có khu rừng ngập mặn cùng hệ thống núi đá vôi được bảo tồn ở nơi này. Câu chuyện của Ozman khiến chúng tôi suy nghĩ mãi về cách mà người dân nơi đây yêu, bảo vệ và “tận dụng” thiên nhiên để phát triển du lịch.
Cáp treo dừng lại ở điểm dẫn chúng tôi vào cây cầu trên không hay còn được gọi là cây cầu mây (skybridge).
Cây cầu dài 125 m, cao trên 700 m so với mực nước biển. Được biết, với độ cao như vậy, người ta đã phải chuyên chở vật liệu xây dựng cầu bằng trực thăng.
Cây cầu được hoàn thiện vào năm 2004. Gió thổi mạnh, cầu rung lắc nhẹ có thể khiến những người yếu bóng vía… đau tim, nhưng bước trên cầu khiến người ta có cảm giác như đang đi giữa không trung là một trải nghiệm rất thú vị.
Nếu đến vào hôm trời nhiều mây, bạn còn có được trải nghiệm cảm giác bước đi trong sương. Những người thích cảm giác mạnh có thể đặt chân lên tấm kính trong suốt trên mặt cầu và nhìn xuống quang cảnh phía dưới.
Những trải nghiệm mới lạ khiến cho du khách phấn khích và biến nơi đây trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất ở Langkawi. Quah Kok Seong cho chúng tôi biết, trong mùa du lịch cao điểm (từ tháng 6 - 9), có ngày tại đây đón tới 6.000 lượt người.
Hòn đảo đại bàng
Chúng tôi không thể bỏ qua một trong những trải nghiệm thú vị nhất khi đến Langkawi, đó là được chiêm ngưỡng tận mắt những chú đại bàng uy dũng. Điểm đến của chúng tôi là công viên Kilim Karst.
Được UNESCO công nhận là thành viên của Global Geoparks (hệ thống công viên địa chất toàn cầu), Kilim Karst là một trong những công viên nổi tiếng nhất châu Á cả về quy mô (có diện tích khoảng 100 km2) lẫn hệ động thực vật phong phú với hàng ngàn loài, trong đó có loài đại bàng hoang dã. Tên gọi Langkawi được bắt nguồn cũng chính từ loài đại bàng này.
Trong tiếng Malaysia, “lang” có nghĩa là đại bàng và “kawi” là màu lông của chim. Người đàn ông với làn da rám nắng và nụ cười tươi rói có tên Ozman giải thích cho chúng tôi như vậy. Anh đón chúng tôi lên ca nô bước vào chuyến hành trình khám phá Kilim Karst, vốn là khu rừng ngập mặn hình thành trên các ngọn núi đá vôi lâu đời nhất tại Malaysia.
Săn đại bàng ở Langkawi 2
Chiếc ca nô lướt qua những gốc cây quấn lấy nhau nổi trên mặt nước tạo nên hình ảnh kỳ thú. Đi được một lúc, ca nô trở nên chòng chành, sóng bắt đầu to hơn, chúng tôi biết mình đang tiến dần ra cửa biển.
Ca nô dừng lại, Ozman thông báo chúng tôi đang ở trong lãnh địa của đại bàng. Anh giải thích ngư dân đi đánh cá ngoài biển khơi khi trở về thường rửa lưới tại khu vực này. Những con cá nhỏ mắc lưới là món ăn ưa thích của đại bàng.
Ngửi thấy mùi cá, bọn chúng rủ nhau tập trung về đây mỗi lúc một nhiều. Đó là lý do vì sao nơi đây trở thành chốn cư ngụ của chúng. Dù vậy, không phải ai đến đây cũng có cơ hội bắt gặp loài chim này.
Nhất là khi trời nắng gắt, loài đại bàng sẽ không muốn bay ra. Thật may mắn, khi chúng tôi đến trời đang nắng bỗng nhiên đổ cơn mưa nhỏ. Ozman dặn chúng tôi chuẩn bị sẵn máy ảnh để “săn” những hình ảnh tuyệt đẹp của loài chim hoang dã. Một con, hai con, rồi sau đó là cả chục con đại bàng thi nhau bay ra.
Chúng sải những đôi cánh màu nâu cam đẹp mắt, chao liệng trên mặt biển rồi lại vút bay lên. Chỉ cần thả một nắm cá xuống biển là cả bầy sẽ sà xuống như những tay săn mồi thiện nghệ. Chúng tôi tiến lại gần hơn để quan sát đại bàng đứng đậu trên những cành cây. Ozman bảo, nhiều du khách may mắn hơn có thể nhìn thấy được cả bầy chim đại bàng, có khi tới 50 - 70 con.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.