Mới đây, câu chuyện về một người mẹ 30 tuổi ở Hà Nội tự tử vì những áp lực sau sinh được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng.
Câu chuyện được nhiều người đã, đang và sẽ làm mẹ chia sẻ như một bài học cho chính mình và người thân.
Lạc lõng sau sinh
Câu chuyện trên được H.P. chia sẻ trên trang cá nhân của mình. Theo đó, người chị họ của H.P. đã tự chấm dứt cuộc đời mình ở tuổi 30, để lại cha mẹ già với nỗi đau "Lá xanh rụng xuống lá già trên cây" và hai đứa con thơ chưa ý thức được đã phải rời xa mẹ.
H.P. viết: “Chị ấy bị trầm cảm sau khi sinh, nhưng không ai phát hiện ra, đến tận lúc chị tự tử cũng không ai phát hiện ra… Từ khi lấy chồng, gia đình chị đã có một vài biến cố. Anh chồng là lái xe, nên dù rất yêu thương vợ, cũng chỉ biết cuối tháng đưa lương cho vợ mua sắm, nuôi con, chả có mấy thời gian trò chuyện tâm sự quan tâm.
Câu chuyện được chia sẻ trên mạng nhiều ngày qua Ảnh chụp màn hình
Bố mẹ đẻ ở ngay cạnh nhà, nhưng em trai chị bệnh nặng, nên bố mẹ cũng tất tả ngược xuôi, lấy đâu ra thời gian để ý. Em gái thì đi học, đi làm, rồi lấy chồng xa nhà, chỉ thỉnh thoảng mới có dịp về nhà thăm gia đình. Bạn bè thì người nào cũng tất bật gia đình riêng, không ai ở bên cạnh mình mà chia sẻ hết mọi điều được. Stress một mình. Suy nhược một mình. Trầm cảm một mình. Xoay sở một mình. Bế tắc một mình. Và rồi là cái chết”.
H.P. kể, khi gia đình phát hiện chị nợ một số tiền lớn vì vay nặng lãi và lại thấy tủ quần áo toàn là hàng hiệu nên trách móc. Sau đêm hôm đó thì chị mất. Đến khi nhập áo quan, người thân vẫn cứ đến bên quan tài mà trách chị nông nổi, không biết tính toán chi tiêu. Hàng xóm nghe chuyện thì lời ra tiếng vào, giễu cợt chị.
Bài viết thu hút sự quan tâm của nhiều người đã, đang và sẽ làm mẹ Ảnh chụp màn hình
“Nhưng đến tối, khi mọi người trong nhà thu dọn lại toàn bộ tư trang của chị, mới phát hiện ra quần áo toàn chưa cắt tag. Túi giày còn nguyên hộp nguyên bill. Bao nhiêu năm không ai để ý chị mua gì, mặc gì, đeo gì, nên cũng chẳng ai thắc mắc. Để bây giờ phát hiện ra, xâu chuỗi lại mọi sự, ai cũng chỉ biết ngồi thừ ra…”, H.P. viết tiếp.
Phụ nữ nên đi khám thai đều đặn theo lịch khám thai để kịp thời phát hiện sớm những rối loạn tâm lý. Đồng thời gia đình và đặc biệt là người chồng nên có sự quan tâm chia sẻ với vợ mình khi mang thai và sau sinh, kịp thời trao đổi với bác sĩ những triệu chứng bất thường của vợ để có hướng điều trị sớm, tránh để diễn biến thành những rối loạn trầm cảm”
BS CKI Giang Châu Võ
(Bệnh viện Từ Dũ)
Tuy nhiên, với những biểu hiện theo lời H.P., bác sĩ (BS) CKI Giang Châu Võ (Bệnh viện Từ Dũ) cho rằng chưa đủ để kết luận người mẹ này bị bệnh trầm cảm sau sinh mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác nữa.
Biến động thời kỳ hậu sản
Theo BS Giang Châu Võ, hậu sản là thời kỳ cơ thể người mẹ có nhiều thay đổi về sinh lý và tâm lý.
Sự thay đổi nhanh chóng môi trường hormon ảnh hưởng đến việc xuất hiện các trạng thái bệnh lý. Một số người có thể dễ nhạy cảm hơn với các thay đổi sinh lý trong thời kỳ hậu sản.
Tuy nhiên, các yếu tố tâm lý cũng có ảnh hưởng trong việc hình thành các rối loạn về trạng thái tâm thần trong thời kỳ hậu sản. Vì sự đa dạng của các yếu tố này, tính phức tạp của mối tương tác giữa chúng, do đó khó tiên đoán một cách chắc chắn ai sẽ bị rối loạn tâm thần trong thời kỳ hậu sản.
BS Giang Châu Võ cũng đưa ra một số triệu chứng thường gặp của thời kỳ hậu sản như: buồn thoáng qua hay buồn sau sinh, rối loạn trầm cảm sau sinh và loạn thần sau sinh.
Trong đó, buồn sau sinh xảy ra cùng lúc với hiện tượng lên sữa gồm các biểu hiện: khó chịu, lo lắng, bất an, sợ hãi, mất ngủ, dễ cáu gắt… Những triệu chứng này đạt đỉnh điểm vào ngày thứ 4 - 5 sau sinh và biến mất sau đó.
Một số phụ nữ bị buồn sau sinh sẽ tiến triển thành trầm cảm sau sinh, những phụ nữ này cần theo dõi chặt chẽ. Nếu các triệu chứng của buồn sau sinh còn tồn tại đến qua tuần thứ 2 sau sinh thì cần phải khám kỹ hơn để loại trừ bệnh diễn biến nặng hơn.
Rối loạn trầm cảm sau sinh có tỉ lệ thấp hơn buồn sau sinh trong thời kỳ hậu sản, thường xảy ra vào khoảng 4 - 6 tuần sau sinh. Các triệu chứng thường gặp của rối loạn trầm cảm là bồn chồn, kích thích, khó ngủ, mệt mỏi và những than phiền về cơ thể.
Cảm xúc không ưa trẻ hay nghi ngờ trẻ cũng là những triệu chứng thường gặp và là triệu chứng phổ biến ở những phụ nữ bị trầm cảm để diễn tả những nghi ngờ hay lo ngại về khả năng chăm sóc con cái.
Trong thể nặng nhất của trầm cảm sau sinh, ta thường gặp sự rối loạn chức năng nghiêm trọng và ý tưởng tự tử, tuy nhiên tỉ lệ tự tử thành công thường tương đối thấp ở những phụ nữ này.
Loạn thần sau sinh là biểu hiện nặng nhất của rối loạn tâm thần sau sinh, và chỉ chiếm tỉ lệ 2/1000. Triệu chứng thường xảy ra vào ngày thứ 5 đến ngày thứ 25 sau sinh. Trước đó, thường có một nỗi “buồn sau sinh” hoặc rối loạn giấc ngủ dưới dạng mất ngủ có ác mộng và kích động trong đêm.
Người chồng rất quan trọng
Theo BS Giang Châu Võ, trầm cảm sau sinh dễ nhận biết, tuy nhiên, các thể bệnh nhẹ hay thầm lặng của bệnh trầm cảm thường dễ bỏ qua. Tiên đoán bà mẹ nào có nguy cơ bị trầm cảm sau sinh rất khó khăn. Người có nguy cơ cao thường có tiền sử trầm cảm sau sinh, tiền sử gia đình hay bản thân có những đợt rối loạn trầm cảm hay bị trầm cảm trong thai kỳ.
Những yếu tố nguy cơ khác làm trầm cảm sau sinh bao gồm hỗ trợ xã hội không phù hợp, không hài lòng hay bất hòa trong cuộc sống hôn nhân, hay gặp những rủi ro trong cuộc sống; tang lễ, khó khăn kinh tế, mất việc làm…
Chính vì vậy, việc theo dõi và tầm soát trầm cảm sau sinh nên được quan tâm để từ đó kịp thời phát hiện sớm và điều trị theo cá thể bệnh nhân.
“Phụ nữ nên đi khám thai đều đặn theo lịch khám thai để kịp thời phát hiện sớm những rối loạn tâm lý. Đồng thời gia đình và đặc biệt là người chồng nên có sự quan tâm chia sẻ với vợ mình khi mang thai và sau sinh, kịp thời trao đổi với bác sĩ những triệu chứng bất thường của vợ mình để có hướng điều trị sớm, tránh để diễn biến thành những rối loạn trầm cảm”, BS Giang Châu Võ khuyên.
Bình luận (0)