Đừng đẩy cái khó cho hành khách đi xe buýt

22/02/2009 00:17 GMT+7

Xe buýt TP.HCM đang rơi vào tình trạng lâm nguy khi hàng loạt doanh nghiệp thuộc hàng "đại gia" công bố lỗ tiền tỉ trong năm qua. Tuy nhiên đề xuất tăng giá vé mới đây của Sở Giao thông vận tải đã vấp phải phản ứng của dư luận vì "đẩy" cái khó về phía hành khách.

Tăng giá vé: lợi bất cập hại

Theo đề xuất nói trên, giá vé xe buýt sẽ tăng thêm 1.000 đồng/lượt và dự kiến áp dụng từ ngày 1.3. Cụ thể, với các tuyến có cự ly dưới 31 km, giá vé được điều chỉnh từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng/lượt. Ở các tuyến xe buýt có cự ly từ 31 km trở lên, giá vé tăng từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng/lượt với khách đi dưới 1/2 cự ly tuyến; từ 4.000 đồng lên 5.000 đồng/lượt với khách đi trên 1/2 cự ly tuyến. Giá vé trên các tuyến xe buýt nhanh tăng từ 5.000 đồng lên 6.000 đồng/lượt.

Như vậy, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã đề xuất mức tăng vượt "trần" khung giá vé do UBND TP.HCM quy định, trong đó nêu rõ giá vé xe buýt cao nhất là 5.000 đồng/lượt. Sở GTVT lý giải rằng tiền lương tối thiểu và giá xăng dầu đã tăng cao so với thời điểm UBND TP.HCM phê duyệt khung giá vé vào năm 2005. Điều này kéo theo chi phí hoạt động của xe buýt đội lên nhiều lần khiến doanh nghiệp không kham nổi. Do đó cần tăng giá vé để hỗ trợ doanh nghiệp và giảm trợ giá từ ngân sách.

Tuy nhiên, tất cả các đợt tăng giá vé trước đây của Sở GTVT đều khiến lượng khách đi xe buýt sụt giảm đáng kể, lần tăng giá này chắc chắn không ngoại lệ. Do đó, dễ thấy trước hậu quả dù tăng giá thì doanh thu bán vé cũng không tăng hoặc tăng không đáng kể. Như vậy, lợi ích từ việc tăng giá là rất ít, trong khi đó lại kéo theo hàng loạt cái hại. PGS-TS Phạm Xuân Mai (trường Đại học Bách khoa TP.HCM) phân tích giá vé xe buýt hiện nay đã khá cao, chiếm đến 6,5% thu nhập hằng tháng của người dân thành phố.

Lâu nay phần lớn người dân chọn xe buýt vì ưu điểm giá rẻ và đa số hành khách gắn bó với xe buýt là người có thu nhập thấp. Do đó tăng giá vé xe buýt sẽ là hành động "đẩy" người dân ra khỏi xe buýt, đi ngược lại chủ trương của chính quyền thành phố.

Một khi hành khách bỏ xe buýt để chuyển sang phương tiện cá nhân thì hậu quả không chỉ là giảm doanh thu mà còn góp phần tăng kẹt xe. Theo tính toán, một người đi xe gắn máy chiếm diện tích mặt đường từ 8 - 12m2 tùy vận tốc, trong khi một người đi xe buýt chỉ chiếm khoảng 2m2. Giờ cao điểm, một xe buýt chở trung bình 80 - 100 người, nếu 80 - 100 người này chuyển sang đi xe máy riêng sẽ chiếm diện tích gấp nhiều lần và do vậy gia tăng kẹt xe.

Hơn nữa việc tăng giá vé càng trở nên bất hợp lý khi chất lượng xe buýt thời gian qua không được cải tiến mà ngày càng tệ đi. Hơn 3.200 xe buýt của TP.HCM hầu hết được đầu tư từ năm 2002, nhiều xe đã xuống cấp, hư hỏng; đó là chưa kể hàng loạt vấn đề trong cung cách phục vụ của nhân viên nên khó thuyết phục người dân bỏ tiền cao hơn để mua một dịch vụ không tương xứng.

Tìm lối ra

Một cán bộ Sở GTVT thừa nhận tăng giá vé là giải pháp chẳng đặng đừng. Việc đấu thầu luồng tuyến xe buýt để giảm trợ giá và nâng cao chất lượng dịch vụ được thí điểm trên một số tuyến nhưng cũng gặp khó khăn khi triển khai rộng ra mạng lưới 150 luồng tuyến hiện hữu. Theo ông, hầu hết xe buýt hiện nay đều trong giai đoạn trả nợ vốn vay, nếu tiến hành đấu thầu thì sẽ có những đơn vị rớt thầu luồng tuyến mình đang khai thác.

Như vậy, giải quyết việc làm cho các đơn vị này ra sao để họ tiếp tục trả nợ là câu hỏi nhức đầu khiến việc đấu thầu cứ giậm chân tại chỗ. Trong khi đó, nguồn thu rất chính đáng từ quảng cáo trên xe buýt lại bị "ghim" nhiều năm qua mà không có lý do thuyết phục. Thực ra, việc quảng cáo trên xe buýt để giảm tiền trợ giá đã được Ban Kinh tế ngân sách HĐND TP.HCM đặt ra nhiều lần từ năm 2005. Đến tháng 5.2008, UBND TP.HCM "bật đèn xanh" bằng cách giao Sở GTVT xây dựng đề án quảng cáo trên xe buýt.

Nhưng đến tháng 11.2008, sau khi Sở GTVT trình đề án thì UBND TP.HCM lại "lắc đầu" với lý do "hoạt động quảng cáo tại thành phố thời gian qua có nhiều sai sót, hạn chế, lệch lạc quan điểm, công tác quản lý còn nhiều sơ hở, lỏng lẻo...". Ông Đỗ Tiến Lực - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (đơn vị quản lý 3 công ty xe buýt lớn) nhận xét: "Xe buýt muốn quảng cáo nội dung gì, kích cỡ bao nhiêu, đặt ở đâu... đều phải do Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch thẩm định và cấp phép chứ đâu phải muốn làm sao thì làm. Chưa cho làm mà đã sợ chúng tôi làm bậy thì thật vô lý.

Các tỉnh thành khác như Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Long An... đều cho phép quảng cáo trên xe buýt, chỉ có TP.HCM cấm. Theo tính toán, quảng cáo trên xe buýt sẽ mang lại nguồn thu hơn 104 tỉ đồng mỗi năm, không cho quảng cáo nghĩa là mất đứt số tiền này. Nếu quảng cáo trên xe buýt thì doanh nghiệp có thêm nguồn thu, ngân sách giảm gánh nặng trợ giá, khách hàng thỏa mãn nhu cầu quảng cáo, còn người dân hưởng chất lượng dịch vụ cao và tiếp cận với quảng cáo. Nghĩa là tất cả cùng có lợi, mà lại không phạm luật (luật quảng cáo không cấm quảng cáo trên xe buýt). Thế thì tại sao không làm?".

Phương Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.